VPF có tạo “bánh vẽ”?

Những ngày qua dư luận xôn xao việc VPF đã đạt được thỏa thuận với VTV về việc bán bản quyền truyền hình trong 3 năm với giá 76 tỷ đồng, thậm chí còn hơn thế nữa. Vậy thực hư của câu chuyện này thế nào...?

 

Mới đây bầu Kiên - đại diện cho VPF, có ví von bản quyền truyền hình như miếng bánh. Ông bầu này cũng nói công thức chia bánh quan trọng, nhưng bánh to hay bánh nhỏ còn quan trọng hơn. Đấy là cái lý của bầu Kiên, nhưng hẳn nền bóng đá dù được hưởng bánh to hay bánh nhỏ từ bản quyền truyền hình đều tốt hơn là được ăn “bánh vẽ”…

 

Thất bại từ các giá trị ảo

 

Đã không ít lần bóng đá Việt Nam nhận những thất bại ê chề vì tạo ra các giá trị ảo, mà gần đây nhất là thất bại của U23 Việt Nam tại SEA Games 26 trên đất Indonesia.

 

Bầu Đức treo thưởng 500.000 USD cho việc U23 Việt Nam vô địch SEA Game 26 với tuyên bố "giành HC Bạc coi như vứt". Kèm theo đó VFF treo thưởng tiếp 500.000 USD nếu các cầu thủ trẻ của chúng ta bước lên ngôi vương.

 
 
VPF có tạo “bánh vẽ”? - 1

VPF thực sự đang làm gì và muốn gì?

 

Vậy là người hâm mộ háo hức chờ đợi các cầu thủ trẻ của chúng ta "ẵm" trọn 1 triệu USD. Nhưng rốt cuộc là thế nào tất cả mọi người đều rõ, đến cái HC Đồng cũng chẳng được, nói gì đến chuyện HC Vàng. Đấy là hậu quả tai hại của việc tạo ra các giá trị ảo của những người được coi là có trách nhiệm và tâm huyết với BĐVN.

 

Đến tạo ra giá trị ảo

 

Rõ ràng người hâm mộ nghe được thông tin VPF ký bản ghi nhớ với VTV về việc bán bản quyền truyền hình cho VTV với giá 76 tỷ đồng chỉ tính riêng V-League thì vui mừng khôn xiết.

 

Chẳng vui sao được khi thông tin phát ra từ một ông bầu đầy uy tín (bầu Đức), mà cái bản quyền truyền hình xưa nay vốn chẳng đáng giá là bao, vậy mà bây giờ những nhà lãnh đạo VPF lại "phù phép" cho nó thành món hàng siêu giá trị.

 

Nhưng sự thực lại chẳng như vậy. Khi ông Nguyễn Thành Lương - Phó Tổng Giám đốc VTV tâm sự với báo Dân Việt ngày 22/2 như sau: "VTV có 15 phút quảng cáo giữa các trận bóng đá. Nếu VPF có thể tạo được sự đồng thuận để ông chủ các đội bóng quảng cáo trên VTV, thì con số đó không chỉ dừng ở trên 70 tỷ đồng/3 năm, mà có thể nhiều hơn thế chứ. VTV chỉ đứng trung gian, dùng tiền của các đội bóng trả lại cho họ chứ cũng không lợi nhuận gì".

 

Như vậy có thể coi lời nói của ông Lương là phản ứng đầu tiên của VTV trước những thông tin nhiễu loạn về việc VPF bán được "bản quyền truyền hình" với giá cao trong thời gian vừa qua.

 

Chúng ta có thể hiểu, để VPF bán cho VTV cái giá 70 tỷ đồng/3 năm hoặc hơn thế nữa thì lãnh đạo VPF phải "tạo được sự đồng thuận để ông chủ các đội bóng quảng cáo trên VTV".

 

Có thể hiểu nôm na "tôi mua của anh mớ rau 50 nghìn đồng thì anh mua giúp tôi con cá 500 nghìn đồng, cả hai ta cùng có lợi", có thể hiểu như vậy về thương vụ giữa VPF và VTV được không? Suy cho cùng, nếu không phải cách đó hoặc mạnh thường quân nào đó đứng ra làm từ thiện, thì cũng chẳng có cách nào khác...

 

Bởi lẽ đến bản quyền của World Cup 2010 hút khách là vậy mà các nhà đài tại Việt Nam cũng chỉ phải bỏ ra trên dưới 50 tỷ đồng. Vậy mà cái giải V-League với chất lượng và độ "hút khách" như hiện tại lại đáng giá 25 tỷ đồng/mùa thì quả thật... giật mình!

 

Theo Ngọc Diệp

Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm