1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

V.Ninh Bình bỏ giải vì cầu thủ bán độ: Cả làng rủ nhau... sai luật

(Dân trí) - Một loạt cầu thủ V.Ninh Bình chuẩn bị trả giá vì bán độ, đấy là bài học thích đáng cho những người đã làm sai. Nhưng CLB V.Ninh Bình vì thế mà bỏ giải, giải tán đội bóng cũng là sai, và VFF rồi VPF tuyên bố không phạt V.Ninh Bình cũng sai nốt…

Mặt bằng bóng đá thấp hơn mặt bằng xã hội

Chúng tôi tiếp tục khẳng định rằng đấu tranh chống tiêu cực, lôi ra ánh sáng những cầu thủ bán độ là việc nên làm, cần phải làm gấp và làm triệt để. Thậm chí cần phải mở rộng diện điều tra.

Đừng sợ bóng đá nội sẽ chết, đừng sợ không còn người đá bóng, không còn người làm bóng đá, nếu điều tra và đấu tranh với tiêu cực đến cùng. Ngược lại, khi môi trường bóng đá trong sạch hơn, biết đâu nhà đầu tư mới phấn khởi trở lại với bóng đá, những cầu thủ trẻ mới có cơ hội phát triển.

Bóng đá Ý và bóng đá Malaysia từng làm rất triệt để vấn đề này, để rồi sau những cơn bão tiêu cực, họ toàn mạnh lên chứ không hề yếu đi.

V.Ninh Bình bỏ giải vì cầu thủ bán độ: Cả làng rủ nhau... sai luật
Thật nực cười là VFF và VPF lại có động thái như ngầm ủng hộ bầu Trường... quay lưng với đội bóng, quay lưng với bóng đá


Nhưng chống tiêu cực là một chuyện, bỏ giải và giải tán đội bóng là một chuyện khác. Đấy cũng hành động tiêu cực, hành động ấy cũng góp phần giết chết bóng đá. Đấy không thể gọi là phản ứng có trách nhiệm, nhất là khi một ông chủ sẵn sàng đẩy ra đường hàng chục người lao động, trong đó có cả những cầu thủ không hề tham gia bán độ.

Và lạ nhất là VFF và VPF lại nhanh nhẩu đoản tuyên bố sẽ ủng hộ lãnh đạo V.Ninh Bình, tuyên bố không phạt đội bóng đá Hoa Lư vì bỏ giải.

Bỏ giải rõ ràng là một hành động sai luật, một khi VFF và VPF không đưa ra án phạt vì hành động ấy, các cơ quan đang điều hành bóng đá nội cũng làm sai luật nốt. Hóa ra, cách mà người ta ví V-League nói riêng và ngôi nhà bóng đá Việt Nam như một cái chợ có sai đâu.

Bởi là một cái chợ nên nơi ấy đúng là ai thích thì nhảy vào, không thích thì bỏ đi, còn những nhà quản lý thay vì phải phạt kẻ tự tiện vào – ra nhà mình, lại vỗ tay ủng hộ, cũng đồng thuận với việc để cho người ta sẵn sàng đẩy hàng chục con người vốn đang sinh hoạt trong ngôi nhà ấy lâm vào cảnh thất nghiệp.

Và hóa ra, điều mà người ta nói rằng mặt bằng bóng đá thấp hơn mặt bằng xã hội cũng chẳng sai, khi những người điều hành cuộc chơi cũng chẳng hiểu luật là gì. Qua vụ này thì đã có thể nói cụ thể hơn nữa là mặt bằng VFF đang thấp hơn mặt bằng xã hội!

Đầu tư hay đầu cơ?


Phải nhắc lại chuyện này vì thực trạng các ông bầu bỏ bóng đá dễ quá! Không phải cho đến khi hàng loạt cầu thủ dính chuyện bán độ, bầu Trường mới tính chuyện bỏ bóng đá. Thực tế là ông bầu của đội bóng đất Hoa Lư nói đến khả năng này… nhiều năm rồi. Hồi đấy, các cầu thủ của V.Ninh Bình có bán độ đâu, nhưng ông chủ của họ vẫn đòi bỏ đấy.

Chính chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng từng nhận định rằng nhiều ông bầu lao vào bóng đá cách nay mấy năm không phải để đầu tư, mà là đầu cơ. Họ nhảy vào bóng đá vì những lợi ích ngoài bóng đá, đi kèm với những khoản ưu đãi từ địa phương.

Bây giờ thì các khoản ưu đãi, đặc biệt là ưu đãi về đất và về các dự án đấy không còn, đất hết là vàng, dự án thì khó chuyển nhượng, nên đội bóng thay vì là kênh sinh lợi và quảng bá hình ảnh cho các ông chủ như cách nay mấy năm, giờ trở thành gánh nặng. Mà phàm đã là dân kinh doanh, thì đặc điểm quan trọng nhất thường là cái gì không thấy lợi thì… buông.

Giải tán đội bóng, đẩy hàng loạt con người ra đường chắc chắn không phải là cách làm đúng luật, cũng không phải là cách để xây dựng bóng đá chân chính. Nhưng bóng đá Việt Nam thời gian qua rất nhiều người làm bóng đá kiểu ấy.

Họ không xem bóng đá là sự nghiệp, họ chỉ xem đấy đơn thuần là một kênh đầu tư như vô số kênh đầu tư khác của họ, để hễ gặp chuyện là buông. Thành ra đặc điểm chung của các ông bầu từng bỏ bóng đá, hoặc chuẩn bị bỏ bóng đá như bầu Thụy, bầu Trường… có ông bầu nào tính chuyện xây dựng bóng đá lâu dài bằng các đội trẻ đâu?!

Trọng Vũ