Vì sao pháo sáng hoành hành trên sân bóng Việt Nam?
(Dân trí) - Lại có pháo sáng trên khán đài sân Hàng Đẫy trong khuôn khổ V-League, lần này đã có người bị thương và đổ máu. Và không thể không nhắc đến sự việc Ban giải quyết khiếu nại VFF từng tuyên “trắng án” cho sân Hàng Đẫy hồi đầu mùa giải năm nay, khiến cho tình trạng này không được nghiêm trị.
Không biết phải đợi đến sự cố như thế nào, người ta mới nghiêm túc với vấn nạn pháo sáng trên các sân bóng trong nước?
Ngay cả những người đang làm công tác điều hành bóng đá nội cũng không đánh giá đúng sự nguy hiểm của những trái pháo sáng đỏ rực xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều, ở các sân bóng trong nước.
Cụ thể là Ban giải quyết khiếu nại VFF từng xoá án “treo sân” Hàng Đẫy 1 trận. Ban đầu, Ban kỷ luật VFF phạt sân Hàng Đẫy án phạt trên, vì sân bóng này để lọt pháo sáng ở trận CLB Hà Nội tiếp Hải Phòng thuộc lượt trận thứ 7 V-League năm nay.
Nhưng sau đó, Ban giải quyết khiếu nại cho rằng trách nhiệm không thuộc về BTC sân (?!), nên xoá án. Để giờ thì cả nước đều đã thấy, pháo sáng không chỉ tái hiện ở sân Hàng Đẫy 1 lần, mà nhiều lần.
Trước sự cố pháo sáng tối 11/9, pháo sáng đã xuất hiện ở sân bóng này tối 5/5, khi Viettel tiếp SL Nghệ An. Rồi sự cố tối 11/9 thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động cho sự quá khích của những kẻ quậy phá bằng pháo sáng, cũng như sự thiếu trách nhiệm của những người lẽ ra phải có trách nhiệm.
Máu đã đổ và đã có người bị thương. Thế nên, những kẻ chuyên quậy phá bằng pháo sáng ở các sân bóng có lẽ đáng bị gọi là những “hooligan”, chứ không còn là những kẻ quá khích thông thường nữa, dựa trên sự tái phạm các hành vi mang tính lặp đi lặp lại của những kẻ như thế này.
BTC sân và BTC trận đấu cũng không thể vô can khi sân bóng có sự cố, trận đấu có sự cố. Bởi vì họ làm không nghiêm nên pháo sáng mới lọt được vào trong sân rồi gây hoạ cho những người yêu bóng đá chân chính.
Bởi vì họ làm không nghiêm nên pháo sáng cứ hoành hành hết lần này đến lần khác, làm xấu hình ảnh của bóng đá Việt Nam, không những với dư luận trong nước mà với cả dư luận quốc tế, làm mất trật tự và mất an toàn ở các sân khấu thể thao.
Chúng ta không phải không thấy tình trạng hooligan ngay ở các nước lân cận, những nền bóng đá lân cận như Malaysia và Indonesia: Quậy phá trên khán đài rồi dần tràn sang tấn công CĐV đội khách.
Tình trạng hooligan đấy cũng bắt đầu bằng những vụ quậy phá nhỏ, không bị nghiêm trị đến nơi đến chốn, trước khi ngày càng trầm trọng và trở nên bất trị.
Pháo sáng ở bóng đá Việt Nam hiện nay đang có dấu hiệu tương tự, cũng đã dần xuất hiện ở các trận đấu quốc tế của đội tuyển quốc gia, cũng đã khiến VFF phải chịu phạt rát mặt.
Thành ra, nếu không có những án phạt nghiêm khắc với những địa điểm xảy ra tình trạng pháo sáng, không có phương án hữu hiệu ngăn chặn những kẻ chuyên gây rối bằng pháo sáng, chẳng dám nói rằng hình ảnh của bóng đá Việt Nam sẽ còn xấu đến mức độ nào nữa, ở sân chơi quốc tế?
Kim Điền