Pháo sáng làm bùng lên những mảng tối của bóng đá Việt Nam

(Dân trí) - Đầu tiên cần phải nhấn mạnh, đây không phải là lần đầu Ban tổ chức SVĐ Hàng Đẫy để xảy ra tình trạng đốt pháo sáng trên khán đài. Đây cũng không phải là lần đầu tiên pháo sáng cháy ở mỗi sân Hàng Đẫy. Nó chỉ khác ở chỗ pháo sáng lần này góp phần “giúp” bùng lên những sự yếu kém trong công tác điều hành tổ chức giải đấu bóng đá của các bên liên quan.

Việc những CĐV quá khích đến từ Nam Định đốt pháo sáng trên sân Hàng Đẫy dẫn đến một CĐV nữ bị thương nghiêm trọng và phải vào bệnh viện phẫu thuật 2 lần do vết thương có chất lưu huỳnh gây bỏng sâu tận xương, cho thấy đây không còn là “hồi chuông cảnh báo”, để các ban ngành chức năng tìm cách đổ lỗi cho nhau và đưa ra những án phạt nhẹ như lông hồng như bao lần trước đây.

Nhiều người vẫn cho rằng dù sao nữ CĐV bị pháo bắn trúng đùi là còn may, chứ nếu quá pháo bắn trúng mặt, trúng đầu thì chưa biết hậu quả còn thảm khốc như thế nào. Nói may mắn là hoàn toàn chuẩn xác, bởi trong một số trường hợp tương tự, có những nạn nhân không được may mắn như vậy.

Pháo sáng làm bùng lên những mảng tối của bóng đá Việt Nam - 1

Pháo sáng bắn thẳng từ trên khán đài xuống sân cỏ lúc các cầu thủ 2 bên đang thi đấu

Pháo sáng làm bùng lên những mảng tối của bóng đá Việt Nam - 2

Nữ CĐV bị thương nặng do quả pháo sáng bắn từ khán đài B sang khán đài A. Nhiều người cho rằng CĐV này vẫn còn may, vì nếu quả pháo bắn trúng ngực, trúng mặt có thể gây tử vong ngay lập tức

Năm 2013, bóng đá Nam Mỹ từng chịu cú sốc khi một nạn nhân trẻ mới 14 tuổi là CĐV của CLB Corinthians (Brazil) đã thiệt mạng trên khán đài vì pháo sáng trên sân của CLB San Jose của Bolivia tại Cup Libertadores. CĐV nhí này bị pháo sáng bắn vào mắt và bị tử vong ngay tại chỗ. Sau trận, HLV Tite Corinthians đã phải thốt lên: "Tôi sẽ đánh đổi mọi danh hiệu vô địch của mình cho mạng sống của cậu bé". Song chỉ tiếc rằng, ông đã không thể làm điều đó.

Một CĐV 13 tuổi cũng từng thiệt mạng khi bị pháo sáng trúng vào ngực khi lần đầu đi xem bóng đá trên SVĐ cũ của Espanyol vào năm 1992. Vào năm 1983, một CĐV của Racing Club đã thiệt mạng khi bị pháo sáng bắn từ phía CĐV Boca Juniors trúng ngay vào họng. Cũng vào năm 2017, một CĐV của Indonesia cũng đã qua đời khi bị pháo sáng rơi trúng đầu trong trận đấu giữa Indonesia với Fiji.

Nữ CĐV bị thương bởi pháo sáng trên sân hàng Đẫy cũng đã chịu vết thương nghiêm trọng, vết bỏng sâu ăn vào tận xương đùi và cô phải trải qua 2 lần phẫu thuật để giữ tính mạng, và chắc chắn cô còn phải chịu nhiều di chứng nặng nề ở tương lai sau này.

Pháo sáng làm bùng lên những mảng tối của bóng đá Việt Nam - 3

Ai dám chắc với sự thiếu quyết liệt trong các chế tài, sự dũng cảm nhận trách nhiệm của những người đứng đầu, pháo sáng có còn tiếp tục cháy trong thời gian tới ?

Nói những điều trên để thấy tính chất nghiêm trọng của vụ việc. VFF và VPF ngay lập tức mời công an vào cuộc xử lý hình sự vụ việc đối với những CĐV quá khích trên sân. Tuy nhiên, vẫn như mọi lần, hai cơ quan quyền lực cao nhất điều hành bóng đá Việt Nam là VFF và VPF vẫn đang “đổ lỗi”, đẩy bóng trách nhiệm cho ban tổ chức sân.

Chia sẻ với báo chí, Trưởng ban điều hành giải V-League Nguyễn Trọng Hoài cho biết: “Hiện nay Ban tổ chức sân vẫn chưa có báo cáo với Ban điều hành giải đấu cũng như Công ty VPF. Về phía Công ty VPF và Ban điều hành giải, chiều 12/9, chúng tôi cùng với Ban kỷ luật VFF có cuộc họp để đưa ra mức án phạt cho Ban tổ chức sân Hàng Đẫy. Chúng tôi cũng đã lường hết được tính chất của trận đấu bù vòng 22 V-League. VPF cũng đã gửi công văn xuống CLB, yêu cầu CLB tổ chức một cuộc họp trước 3 ngày để chúng tôi đưa ra phương án an ninh, an toàn. Trong cuộc họp có ban điều hành giải, giám sát trận đấu, ban tổ chức trận đấu, lực lượng an ninh và lãnh đạo CLB và bộ tư lệnh cảnh sát cơ động. BTC yêu cầu phải có 4 cổng từ để kiểm soát từ xa, để kiểm soát các CĐV Nam Định vào sân. Nhưng các điều kiện không được đảm bảo nên trận đấu xảy ra các sự việc rất nghiêm trọng”.

Chủ tịch VFF Lê Khánh Hải ngay lập tức chỉ đạo phải xử lý kiên quyết với những tập thể và cá nhân liên quan làm mất an ninh và an toàn ở trận đấu giữa Hà Nội và Nam Định.

Có nghĩa là lãnh đạo của VFF cũng như VPF vẫn luôn xử lý vấn đề theo kiểu “mất bò mới lo làng chuồng”, cứ để pháo sáng tiếp tục tái diễn trên các khán đài rồi mới họp kỷ luật, đưa ra án này án kia. Thế nhưng chưa thấy ai đứng ra nhận trách nhiệm với tư cách là người đứng đầu.

Những án phạt như cấm CĐV đến sân cổ vũ, phạt tiền, phạt BTC sân Hàng Đẫy sau này liệu có giúp nữ CĐV kia chữa lãnh vết thương, thoát khỏi những di chứng do bỏng sâu và nặng gây ra hay không ? Và ai dám chắc với sự thiếu quyết liệt trong các chế tài, sự dũng cảm nhận trách nhiệm của những người đứng đầu, pháo sáng có còn tiếp tục cháy trong thời gian tới ?

Trận khai màn vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á vào ngày 5/9 vừa qua, nước chủ nhà Indonesia đã để xảy ra tình trạng bạo loạn trên sân khi hàng nghìn CĐV quá khích ném chai lọ, pháo sáng về phía CĐV và cầu thủ của Malaysia. Indonesia rất có thể bị FIFA đưa ra án phạt tiền hoặc phạt treo sân, phải đá trên sân trung lập hoặc không có khán giả sau sự cố này. Thậm chí Indonesia còn có khả năng bị mất quyền đăng cai Vòng chung kết World Cup 2021 sắp tới vì để xảy ra bạo loạn trên sân như vừa qua.

Liên đoàn bóng đá Việt Nam cũng có tham vọng sẽ cùng với Liên đoàn bóng đá Thái Lan gia nhập vào danh sách ứng cử viên đăng cai VCK World Cup 2034, nhưng với việc để xảy ra tình trạng đốt pháo sáng, không đảm bảo an ninh trật tự trên sân cỏ trong suốt thời gian qua thì rõ ràng chúng ta chưa đăng ký đã “mất điểm ngay từ đầu”.

Thế Nam