Vì sao đoàn thể thao Việt Nam "trắng huy chương" ở Olympic Tokyo?

Sông Lam

(Dân trí) - Lần lượt các VĐV được xem là niềm hi vọng của đoàn thể thao Việt Nam đều gặp thất bại và sớm rời sân chơi Olympic Tokyo. Điều đáng nói có những thất bại không phải do đối thủ quá mạnh.

Như vậy, VĐV cuối cùng của đoàn thể thao Việt Nam là Quách Thị Lan đã thất bại ở lượt thi bán kết 400m rào nữ ở Olympic Tokyo vào ngày hôm qua (2/8). Quách Thị Lan là VĐV thứ 18 của Việt Nam sớm rời Thế vận hội khi giải đấu vẫn còn gần một tuần tranh tài, đồng nghĩa đoàn thể thao Việt Nam về nước mà không giành được huy chương nào.

Cho đến lúc này, thành tích giành HCV của VĐV bắn súng Hoàng Xuân Vinh lập được ở Olympic Rio 2016 vẫn là đỉnh cao của thể thao Việt Nam ở đấu trường Olympic danh giá. Xuân Vinh cũng không thể bảo vệ thành công danh hiệu của mình khi sớm dừng bước từ vòng loại nội dung bắn súng 10m súng hơi nam.

Vì sao đoàn thể thao Việt Nam trắng huy chương ở Olympic Tokyo? - 1

Thạch Kim Tuấn gây thất vọng với ba lần không hoàn thành nội dung cử đẩy.

Thất bại vì chuẩn bị không tốt và không vượt được qua chính mình

Tham dự Olympic Tokyo 2020, đoàn thể thao Việt Nam đặt mục tiêu có huy chương ở một số nội dung mà chúng ta có ít nhiều lợi thế như bắn súng, cử tạ... Riêng các nội dung như bơi, thể dục dụng cụ, bắn cung, boxing hay judo, chúng ta xác định chỉ mang tính cọ xát, học hỏi khi các VĐV đều mới lần đầu tham dự Olympic, trong khi các đối thủ đều ở một đẳng cấp quá cách biệt.

Tuy nhiên, nhìn vào quá trình thi đấu của các VĐV, nhiều VĐV của đoàn thể thao Việt Nam gặp thất bại không phải vì đối thủ quá mạnh, mà do không vượt qua được chính mình và mất huy chương một cách đáng tiếc. Đấy cũng là điều rất đáng suy ngẫm của đoàn thể thao Việt Nam ở Olympic năm nay.

Ở nội dung bắn súng, dù thi đấu đầy nỗ lực nhưng lão tướng Hoàng Xuân Vinh phải dừng bước ở vòng loại khi đứng thứ 22/36 với 573 điểm. Thất bại này dễ hiểu khi ở tuổi 46, sức mạnh thể chất và tinh thần không còn đủ giúp anh thi đấu tập trung trong khoảng thời gian dài tới hơn một giờ đồng hồ mà các đối thủ so kè nhau từng điểm.

Thất bại đáng tiếc nhất là ở nội dung cử tạ của hai VĐV Thạch Kim Tuấn và Hoàng Thị Duyên. Thạch Kim Tuấn không được xếp thứ hạng thành tích trong 14 VĐV tham dự hạng cân dưới 61kg, còn Hoàng Thị Duyên chỉ cán đích vị trí thứ 5 mặc dù trước đó giới chuyên môn nhận định nữ đô cử của Việt Nam sáng cửa giành HCB.

Vì sao đoàn thể thao Việt Nam trắng huy chương ở Olympic Tokyo? - 2

Hoàng Thị Duyên thi đấu dưới sức khiến Việt Nam không đạt được mục tiêu có huy chương ở nội dung cử tạ.

Thạch Kim Tuấn có 3 lần thất bại ở nội dung cử đẩy khiến anh không được xếp hạng, còn Hoàng Thị Duyên có hai lần thực hiện không thành công ở mức cử đẩy 119kg. Theo ông Đỗ Đình Kháng, Tổng thư ký Liên đoàn Cử tạ Việt Nam cho biết nguyên nhân thất bại của hai đô cử nói trên phần lớn do không có sự chuẩn bị tốt trước thềm Olympic khi phải mất nhiều thời gian cách ly tập trung.

Một nguyên nhân chính nữa khiến 2 VĐV đều thi đấu dưới sức mình là do gặp áp lực về mặt tâm lý - vốn là nhược điểm cố hữu của các VĐV ở các đấu trường lớn như Olympic. Áp lực tâm lý đã khiến nữ đô cử Hoàng Thị Duyên thi đấu dưới sức, qua đó không thể tranh huy chương như kỳ vọng của người hâm mộ dành cho cô.

Vì sao đoàn thể thao Việt Nam trắng huy chương ở Olympic Tokyo? - 3

Thiếu bản lĩnh tâm lý đã khiến Ánh Nguyệt để thua đáng tiếc trong trận so tài với đối thủ chủ nhà Nhật Bản Hayakawa Ren.

Nhược điểm tâm lý cũng được nhìn thấy rõ ở trận so tài nội dung bắn cung 1 dây nữ vòng 1/32 của Đỗ Thị Ánh Nguyệt với tay cung chủ nhà Nhật Bản Hayakawa Ren. Dù liên tục dẫn trước đối thủ ở các set đấu, nhưng Ánh Nguyệt để đối thủ lần lượt gỡ hòa ở những thời điểm quan trọng.

Dẫn trước với tỷ số 5-3, ở set đấu thứ năm, Ánh Nguyệt đã có phát bắn chỉ được 5 điểm một cách khó hiểu. Dù hai phát bắn sau đó đều giành điểm tối đa, nhưng Ánh Nguyệt vẫn để thua Hayakawa Ren và phải bước vào lượt shoot-off để phân thắng bại.

Lợi thế của Ánh Nguyệt rất rõ khi Hayakawa Ren bắn trước chỉ được 8 điểm, thế nhưng nữ cung thủ Việt Nam không vượt qua được áp lực tâm lý cực lớn ở phát bắn cuối cùng khi chỉ ghi được 7 điểm và sớm dừng bước ở Olympic Tokyo.

Một VĐV thi đấu khá thất vọng nữa chính là kình ngư số một của Việt Nam Nguyễn Thị Ánh Viên. Kết thúc vòng loại nội dung 200m tự do Olympic 2021, kình ngư Việt Nam chỉ xếp thứ 26 trong 29 kình ngư, với thông số 2 phút 05 giây 30. Đây là thành tích "đuối" nhất trong sự nghiệp thi đấu của Ánh Viên.

Đến với Olympic, mục tiêu mà Ánh Viên đặt ra là phấn đấu vượt lên chính mình, với dấu mốc để vượt qua là mức 2 phút 00 giây 75 từng giúp kình ngư này đoạt  HCV SEA Games 30 gần hai năm trước. Hay mức thử thách hơn nhiều là kỷ lục cá nhân 1 phút 58 giây 82 mà Viên từng tạo lập hồi 2016 ở một giải quốc tế bể 25m.

Thống kê các giải quốc tế mà Ánh Viên từng dự tranh cho thấy, mức 2 phút 05 giây 30 là thông số "tệ" nhất của Viên ở nội dung 200m tự do.

Vì sao đoàn thể thao Việt Nam trắng huy chương ở Olympic Tokyo? - 4

Thùy Linh là điểm sáng của đoàn thể thao Việt Nam khi giành hai chiến thắng ở nội dung cầu lông tại Olympic Tokyo. Đáng tiếc cô phải dừng bước sớm khi gặp phải đối thủ quá mạnh Tai Tzu-Ying ngay vòng bảng.

Nhiều VĐV tham dự Olympic theo diện đặc cách

Ở đấu trường danh giá như Olympic Tokyo, các VĐV đều thuộc dạng có thứ hạng trên thế giới và phải tích điểm qua thi đấu để giành suất chính thức tham dự.

Tuy nhiên, trong số 18 VĐV Việt Nam có suất tham dự thì một số VĐV đến Olympic Tokyo theo diện đặc cách hoặc... gặp may. Như trường hợp của kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên, do không thi đấu trong gần hai năm qua nên Ánh Viên không đạt chuẩn A để được tham dự. 

Tuy nhiên, do kình ngư Nguyễn Huy Hoàng đạt chuẩn A giành suất chính thức tham dự Olympic Tokyo và chiếu theo quy định Liên đoàn bơi quốc tế thì Việt Nam có thêm một suất mời dành cho nữ và Ánh Viên may mắn được tham dự.

Vì sao đoàn thể thao Việt Nam trắng huy chương ở Olympic Tokyo? - 5

Quách Thị Lan là VĐV tham dự Olympic theo diện đặc cách. Mặc dù cô đã làm nên lịch sử cho điền kinh Việt Nam khi lọt vào vòng bán kết 400m rào nữ nhưng vẫn không thể cạnh tranh vào chung kết để giành huy chương.

Một trường hợp khác cũng khá thú vị là tấm vé dành cho võ sĩ Judo Nguyễn Thị Thanh Thủy. Do từ đầu năm 2020 đến nay, Thanh Thủy không có cơ hội tham gia giải đấu quốc tế nào nên vào cuối tháng 6 khi hết hạn tích điểm, võ sĩ này xếp hạng 11 châu Á.

Tưởng như hết cơ hội dự Olympic nhưng "trong cái rủi lại có cái may", Thanh Thủy đã được Liên đoàn Judo quốc tế trao vé đến Tokyo vì võ sĩ Triều Tiên không tham dự. 

Trường hợp của nữ VĐV Quách Thị Lan ở nội dung 400m rào nữ cũng tương tự khi cô nhận giấy mời tham dự theo diện đặc cách. Ngoài ra Việt Nam còn có các suất tham dự không phải qua tích điểm thi đấu ở các nội dung bắn cung, thể dục dụng cụ, bắn súng...

Rõ ràng những VĐV tham dự Olympic Tokyo theo diện đặc cách nói trên và với thành tích khiêm tốn của mình, họ cũng khó làm nên điều thần kỳ ở giải đấu quy tụ những VĐV đẳng cấp cao nhất trên thế giới tranh tài.

Những điểm sáng ở Olympic

Trong số các VĐV tham dự Olympic Tokyo, có lẽ vẫn có những điểm sáng cho thể thao Việt Nam đến từ những chiến tích của Thùy Linh (cầu lông), Huy Hoàng (bơi), Quách Thị Lan (400m rào nữ). 

Đầu tiên là tay vợt nữ số một Việt Nam Nguyễn Thùy Linh lập kỷ lục cho cầu lông Việt Nam ở đấu trường Olympic bằng hai chiến thắng ở vòng đấu bảng, dù cô gặp thất bại trước tay vợt số một thế giới người Đài Loan (Trung Quốc) Tai Tzu-Ying và không thể tiến sâu vào vòng trong.

Vì sao đoàn thể thao Việt Nam trắng huy chương ở Olympic Tokyo? - 6

Dù không giành huy chương ở Olympic, nhưng thành tích của kình ngư Nguyễn Huy Hoàng ở giải đấu này mang lại niềm hi vọng cho Việt Nam ở kỳ Asiad sắp tới.

Đáng chú ý các đối thủ của Thùy Linh đều ở đẳng cấp cao hơn, nhưng tay vợt sinh năm 1997 đã thể hiện một bản lĩnh cực kỳ tốt để ghi dấu ấn rõ nét của mình tại Olympic Tokyo. Dù không thể đi tiếp ở Olympic Tokyo, nhưng những gì mà Thùy Linh đã thể hiện cho thấy cô sẽ còn thăng tiến trong sự nghiệp thi đấu của mình.

Tiếp theo là VĐV Nguyễn Huy Hoàng khi anh đều thể hiện rất tốt ở hai nội dung 800m và 1.500m tự do nam. Ở cự ly 800m, Huy Hoàng là VĐV châu Á duy nhất lọt top 20 có thành tích tốt nhất. Ở cự lý 1.500m, Huy Hoàng cũng là VĐV châu Á có thành tích tốt nhất.

Một VĐV nữa làm nên kỳ tích là Quách Thị Lan khi giành quyền vào vòng bán kết nội dung 400m rào nữ. 55.71 cũng là thông số chạy 400m rào nữ tốt nhất của cô từ trước đến nay để làm nên lịch sử cho điền kinh Việt Nam..

Bản lĩnh của Thùy Linh, Huy Hoàng, Quách Thị Lan cũng chính là những gì mà các VĐV Việt Nam cần học hỏi nếu muốn giành được kết quả tốt ở các sân chơi lớn như Olympic các kỳ tiếp theo.

Dòng sự kiện: Olympic Tokyo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm