1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Vì sao "bố già" Florentino Perez chi đậm tới "điên rồ" ở vụ Mbappe?

H.Long

(Dân trí) - Mbappe không còn đơn thuần là thương vụ "bom tấn", mà ở đó là cuộc chiến về tiền bạc và sắp xếp lại quyền lực của thế giới bóng đá.

Trong chia sẻ gần đây, trung vệ Pique của Barcelona từng nhấn mạnh cụm từ "thủ đoạn hắc ám của Florentino Perez". Không phải ngẫu nhiên, người ta gọi vị Chủ tịch của Real Madrid là "ông trùm" của các "ông trùm" trong thế giới bóng đá.

Vì sao bố già Florentino Perez chi đậm tới điên rồ ở vụ Mbappe? - 1

Rất khó có CLB hay cầu thủ nào có thể cưỡng lại quyền lực của "Bố già" Florentino Perez

Cách đây vài tháng, cả thế giới bóng đá đã chao đảo khi giải đấu European Super League tuyên bố thành lập. Sự ra đời của nó là thách thức với phần còn lại của bóng đá thế giới. Dù sau đó, UEFA và FIFA đã "dập tắt" phần nào giải đấu điên rồ ấy (9 đội bóng đã rút lui) nhưng cần nhấn mạnh, Real Madrid, Barcelona, Juventus vẫn còn ở đó.

European Super League có thể hiểu là siêu giải đấu của những kẻ lắm tiền. 12 đội bóng thành viên của giải đấu này đại diện cho "thế lực nhà giàu", muốn phân chia lại tiền bạc của cả thế giới bóng đá theo cách có lợi cho họ.

Người đứng đầu siêu giải đấu ấy không ai khác chính là Florentino Perez…

"Ông trùm Nhà trắng" đã không ít lần công khai thách thức UEFA lẫn FIFA để bảo vệ European Super League (có nghĩa là bảo vệ cho những kẻ nhà giàu). Điều đó có nghĩa rằng quyền lực của ông không phải dạng vừa. Chỉ khi có tiền bạc và quyền lực trong tay, Florentino Perez mới dám tạo ra "chuyện động trời" tới vậy.

Pique từng nhắc tới việc Florentino Perez sử dụng "thủ đoạn hắc ám" để mang về Luis Figo từ Barcelona. Thậm chí, ông còn tự tạo ra quy tắc riêng thế giới bóng đá, với phong cách xây dựng "Dải ngân hà", khi mỗi năm đưa về một ngôi sao lớn (Zidane, Ronaldo, Beckham).

Việc cưỡng lại Real Madrid và Florentino Perez là điều không thể. Ngay cả Man Utd không thể níu chân C.Ronaldo khi Real Madrid "cất tiếng gọi". Tottenham "hy sinh" hai ngôi sao lớn nhất ở thời điểm đó là Luka Modric và Gareth Bale. Hay kể cả thời điểm Los Blancos không còn vung tiền quá mạnh mẽ thì họ cũng thu hút được hai ngôi sao hàng đầu của Chelsea là Courtois và Hazard.

Có một điểm chung của những bản hợp đồng này. Họ đều có động thái "nổi loạn" ở mức độ nào đó để đòi sang Real Madrid. Ngay cả Mbappe ở thời điểm này cũng vậy.

Vì sao bố già Florentino Perez chi đậm tới điên rồ ở vụ Mbappe? - 2

Florentino Perez từng muốn tạo nên "cuộc chơi của riêng mình" khi thành lập European Super League.

Nói vậy để thấy, dưới triều đại của Florentino Perez, Real Madrid đã viết nên câu chuyện của tiền bạc và quyền lực trong bóng đá thế giới.

Nhưng có chi tiết đáng chú ý cần phải nhắc lại, đó là trong số các CLB từ chối tham gia European Super League có PSG. Florentino Perez có thể thuyết phục được những "gã nhà giàu" như Chelsea, Man City nhưng với PSG thì… không.

Suy cho cùng, kẻ không sợ hãi trước tiền bạc và quyền lực là kẻ có… quá nhiều hai thứ ấy. Nếu xét về truyền thống, PSG chẳng có gì để có thể so sánh với Real Madrid. Nhưng hiện tại là câu chuyện khác.

Chủ sở hữu của PSG là quỹ đầu tư Qatar Sports Investments (QSI). Ít ai biết rằng, người đứng đầu quỹ đầu tư này (và cũng là chủ sở hữu thực sự của PSG) là Quốc vương Qatar, Tamim bin Hamad Al Thani. Điều đó cho thấy PSG nhận được sự hậu thuẫn từ nhân vật giàu có và quyền lực như thế nào.

Chủ tịch PSG, Nasser Al-Khelaifi thực chất là làm theo lệnh của Quốc vương Tamim bin Hamad Al Thani. Đó là lý do mà Real Madrid đã gặp thách thức thực sự trong vụ Mbappe.

Vì sao bố già Florentino Perez chi đậm tới điên rồ ở vụ Mbappe? - 3

Kẻ không sợ hãi trước tiền bạc và quyền lực là kẻ có... quá nhiều hai thứ ấy.

Suy cho cùng, thương vụ Mbappe không phải là thương vụ "bom tấn" đơn thuần, mà nó là cuộc chiến về tiền bạc và sắp xếp lại quyền lực của bóng đá thế giới.

Với cái đầu "đầy sỏi", "cáo già" Florentino Perez đương nhiên không "điên rồ" tới mức chi tận 200 triệu euro để chiêu mộ cầu thủ chỉ còn 1 năm hợp đồng. Nếu tác động tốt lên Mbappe, họ có thể sở hữu cầu thủ này theo dạng miễn phí vào năm sau.

Thế nhưng, con số 200 triệu euro đặt lên bàn đàm phán chính là sự thách thức của quyền lực tuyệt đối (mà Real Madrid đã gây dựng). Nó khiến cho bất kỳ CLB nào cũng xiêu lòng.

Thực tế, theo tiết lộ của nhà báo Fabrizio Romano, tất cả Ban lãnh đạo PSG đã đồng ý bán Mbappe, chỉ trừ có Chủ tịch Nasser Al-Khelaifi. Mà tiếng nói của ông đại diện cho quyền lực của chủ sở hữu PSG.

PSG chấp nhận mạo hiểm, có thể mất trắng Mbappe vào năm sau, đơn giản bởi họ cũng muốn xác lập quyền lực mới trong thế giới bóng đá. Móc nối từ việc PSG từ chối tham dự European Super League và việc họ muốn giành chiến thắng trước Real Madrid bằng mọi giá trên bàn đàm phán, có thể thấy họ muốn đặt vào thế đối đầu với đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha.

Rõ ràng, cuộc chiến trên bàn đàm phán vụ Mbappe chỉ là… chuyện nhỏ. Cuộc chiến về lâu dài giữa "thế lực cũ" Real Madrid và "thế lực mới" PSG mới là câu chuyện lâu dài. Sẽ còn nhiều cuộc chiến nảy lửa hơn thế.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm