1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

VFF nhiệm kỳ 7: Nhiệm kỳ nở rộ các lò đào tạo trẻ

(Dân trí) - Như đã đề cập, nhiệm kỳ 7 của VFF là nhiệm kỳ mà các lò đào tạo nở rộ, từ đó giúp bóng đá Việt Nam hưởng lợi trong năm 2018. Nói VFF may mắn cũng được, mà nhìn ngược lại, bảo chính VFF giúp các lò đào tạo tư nhân này đi đúng quỹ đạo có lẽ cũng không sai.

Công lớn nhất trong việc hình thành và phát triển các lò đào tạo trẻ, cho ra đời những tài năng của bóng đá Việt Nam hiện nay thuộc về các ông bầu, những ông chủ giàu tâm huyết và giàu tiềm lực tài chính.

Không có cái “ngông” của bầu Đức, chắc chắn không thể có những Xuân Trường, Công Phượng, Văn Toàn… nổi như cồn mà chúng ta biết đến ngày nay. Không có bầu Hiển, những Quang Hải, Đình Trọng, Duy Mạnh, Đoàn Văn Hậu… có lẽ đã không có cơ hội bước lên đỉnh cao, gia nhập và thi đấu tốt ở các đội tuyển quốc gia như bây giờ.

Tương tự như thế là sự đóng góp của các trung tâm đào tạo bóng đá Viettel, PVF hay SL Nghệ An, Đồng Tháp…

Tuy nhiên, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, không thể phủ nhận vai trò mang tính định hướng của cơ quan quản lý nền bóng đá. VFF trong vai trò cơ quan quản lý đấy, đã tạo điều kiện tối đa cho các đội tuyển của mình được thi đấu, cọ xát quốc tế nhiều nhất trong khả năng có thể (nhất là về khả năng tài chính) của VFF, từ đó cải thiện bản lĩnh của chính các cầu thủ và chính các đội bóng thuộc quản lý của VFF.

Sự nở rộ của nhiều lò đào tạo trẻ giúp bóng đá Việt Nam hiện có lực lượng cầu thủ dồi dào, đóng góp cho các đội tuyển quốc gia
Sự nở rộ của nhiều lò đào tạo trẻ giúp bóng đá Việt Nam hiện có lực lượng cầu thủ dồi dào, đóng góp cho các đội tuyển quốc gia

Các trung tâm bóng đá trẻ giữ vai trò đào tạo, còn việc tạo sân chơi cho các cầu thủ trẻ đấy cọ xát là việc của VFF. Hệ thống bóng đá trẻ của Việt Nam có thể vẫn còn nhiều điều để bàn, nhất là về số lượng các trận đấu còn hạn chế mà cầu thủ trẻ được thi đấu hàng năm. Nhưng hệ thống đấy bước đầu cũng đã dần đi vào ổn định.

Bóng đá Việt Nam đến lúc này có đủ các giải từ U11 đến U21 cấp quốc gia, phải ghi nhận đó là cố gắng của VFF, trong việc hình thành sân chơi, duy trì sân chơi, tìm kiếm đối tác tài trợ và tổ chức sân chơi, giúp các cầu thủ trẻ có môi trường cọ xát hàng năm.

Dĩ nhiên, hệ thống bóng đá trẻ hiện có không phải đến từ công lao của chỉ nhiệm kỳ 7 VFF, mà còn từ nhiều nhiệm kỳ trước đó, bởi hệ thống giải thi đấu quốc nội không thể trong ngày một ngày hai, hoặc chỉ vài năm ngắn ngủi của một nhiệm kỳ là hình thành ngay.

Nói bộ máy của VFF trong nhiệm kỳ vừa qua may mắn thừa hưởng thành quả từ các nhiệm kỳ trước đó cũng được, may mắn hoạt động giữa một môi trường hiện có rất nhiều ông chủ tư nhân sẵn sàng bỏ tiền ra làm bóng đá trẻ cũng không sai, nhưng nói nhiệm kỳ 7 vừa rồi biết cách phát huy những thế mạnh từ những gì sẵn có, cũng như biết cách tập hợp các nguồn lực xung quanh mình chắc cũng ít người phản đối.

VFF càng tập hợp được nhiều các nguồn lực xã hội, bóng đá Việt Nam càng hưởng lợi
VFF càng tập hợp được nhiều các nguồn lực xã hội, bóng đá Việt Nam càng hưởng lợi

Như đã từng đề cập ở bài trước, việc chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng không thật sự làm việc gần hết nhiệm kỳ 7 của VFF hoá ra lại là điều may.

May ở chỗ nhiệm kỳ 7 bắt đầu với việc xung đột quyền lợi cực lớn giữa các lò đào tạo trẻ, cụ thể là giữa học viện HA Gia Lai JMG của bầu Đức với phần còn lại của nền bóng đá, đến gần cuối nhiệm kỳ đã có được sự dung hoà quyền lợi và quan hệ giữa các bên, trước khi giúp bóng đá Việt Nam tập hợp được nhiều nguồn lực xã hội, rồi có năm 2018, cũng là năm cuối cùng của nhiệm kỳ 7 VFF cực kỳ thành công!

Bóng đá Việt Nam chắc chắn vẫn chưa hết chuyện, đó là tình trạng “một ông chủ - nhiều đội bóng” tại giải chuyện nghiệp cần được giải quyết như thông lệ chung của bóng đá toàn thế giới, để giải quốc nội giàu tính cạnh tranh hơn, phát triển bền vững hơn, là những yếu kém cần được giải quyết nơi một số ban chức năng của chính VFF, cần được cải tổ mạnh…

Nhưng bóng đá ở đâu cũng có chuyện, quan trọng là những người có liên quan giải quyết như thế nào. Nhân sự ở bất cứ tổ chức nào, trong bất kỳ lĩnh vực nào đến một chu kỳ nào đó cũng cần được tổ chức lại, theo hướng phù hợp hơn, và VFF cũng vậy.

Điều quan trọng nhất vẫn là Đại hội VFF nhiệm kỳ 8 diễn ra hôm nay (8/12) sẽ tìm ra những người phù hợp nhất, tâm huyết nhất và làm được việc nhất, để lãnh đạo VFF, lãnh đạo bóng đá Việt Nam trong 4 năm tới.

Tính chất của những nhân vật đấy có khi chỉ cần gói gọn theo phát biểu bất hủ của nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lê Bửu: “Để bóng đá Việt Nam phát triển, cần tìm ra những người làm bóng đá vì bóng đá, phân biệt với những người mượn bóng đá để trục lợi từ bóng đá”!

Kim Điền

VFF nhiệm kỳ 7: Nhiệm kỳ nở rộ các lò đào tạo trẻ - 3