Nhiệm kỳ “Không chủ tịch” của VFF

(Dân trí) - Nhiệm kỳ 7 bắt đầu bằng bộ máy lãnh đạo được xem là mạnh và có sự đột phá, khi người đứng đầu VFF là “doanh nhân nghìn tỷ” Lê Hùng Dũng. Tuy nhiên, ông Dũng kỳ thực lại là người mờ nhạt nhất trong suốt nhiệm kỳ qua, ngay cả khi bóng đá nội được cho là thành công.

Nhiệm kỳ “không-chủ-tịch”

Đại diện của không ít CLB than phiền rằng nếu ông Dũng là nhân vật như chính ông lúc đầu nhiệm kỳ, tức là mạnh mẽ và quyết đoán, cũng như vẫn còn đủ quyền lực trong tay, nội bộ VFF không phải rối thế, nhiều tranh cãi thế, một số ban chức năng của VFF không phải yếu kém kéo dài đến vậy.

Cụ thể ở đây là Ban trọng tài và Ban kỷ luật, rất nhiều đội bóng bức xúc với công tác trọng tài, công tác kỷ luật, thậm chí có lúc người ta còn đặt thẳng vấn đề về vị trí của trưởng Ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi.

Nhưng như đã nói, VFF thiếu bóng dáng một chủ tịch thực thụ, người đứng đầu tổ chức là ông Lê Hùng Dũng không thể hiện đúng vai trò và vị trí của mình trong phần lớn nhiệm kỳ, nên không ai ở VFF đủ sức giải quyết những tồn đọng của các ban chức năng. Rồi thay vì giải quyết sự yếu kém của Ban trọng tài, người ta quay sang thoả hiệp với sự yếu kém của chính ban này.

Vai trò của chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng (trái) ở nhiệm kỳ 7 là cực kỳ mờ nhạt
Vai trò của chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng (trái) ở nhiệm kỳ 7 là cực kỳ mờ nhạt

Nói ông Dũng không còn mạnh mẽ và không còn đủ quyền lực như hồi mới nhậm chức chủ tịch nhiệm kỳ 7 VFF là ở chỗ, về mặt sức khoẻ, ông Dũng bệnh nặng trong gần hết nhiệm kỳ 7, không còn đủ sức và đủ thời gian quán xuyến các công việc tại VFF.

Về mặt vị thế xã hội, không lâu sau khi nhậm chức chủ tịch VFF, ông Dũng không còn giữ cương vị chủ tịch HĐQT Eximbank, cương vị mà nhờ đó ông Dũng lần lượt leo lên ghế PCT VFF nhiệm kỳ 6, rồi chủ tịch VFF nhiệm kỳ 7.

Không còn “bầu sữa” Eximbank ở đằng sau hậu thuẫn, “doanh nhân nghìn tỷ” Lê Hùng Dũng không còn “mạnh vì gạo, bạo vì tiền “ nữa! Tiếng nói của ông Dũng vì thế trong giới bóng đá giảm đáng kể trọng lượng.

Nhưng vẫn thành công về mặt chuyên môn và tài chính

Tuy nhiên, việc ông Dũng không thật sự làm việc tại VFF trong gần cả nhiệm kỳ hoá ra lại là điều hay. Gạt sang một bên chuyện VFF không thể củng cố các ban chức năng, gạt sang một bên chuyện nội bộ của VFF một số thời điểm liên tục đấu tố nhau, để thể hiện sự ảnh hưởng lên bộ máy, lên các tổ chức thành viên, trong bối cảnh chủ tịch VFF không thể hiện được vai trò lãnh đạo, việc ông Dũng chuyên tâm đi chữa bệnh thay vì tập trung vào công việc tại VFF khiến ông không thể theo đến cùng các quyết sách của mình.

Nhưng không cần đến vai trò chủ tịch VFF, các đội tuyển quốc gia vẫn có một giai đoạn thành công (ảnh: Huyền Trang)
Nhưng không cần đến vai trò chủ tịch VFF, các đội tuyển quốc gia vẫn có một giai đoạn thành công (ảnh: Huyền Trang)

Quyết sách đấy nổi cộm có việc ông Dũng đòi dùng lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… của khoá 1 học viện HA Gia Lai JMG làm nòng cốt cho mọi cấp độ đội tuyển, tham dự mọi giải đấu, hòng làm đẹp lòng bầu Đức – cũng là PCT phụ trách tài chính của VFF, muốn “đè” mọi lò đào tạo và mọi trung tâm bóng đá trẻ khác.

May mà việc này không thành hiện thực và cũng không được ông Dũng theo duổi đến cùng, bằng ngược lại có lẽ chúng ta đã không thấy thành công chung của các đội tuyển Việt Nam ngày hôm nay, với sự góp sức của nhiều học viện khác nhau, của toàn bộ nền bóng đá, chứ không phải chỉ là một học viện có tăng cường!

Và trong bối cảnh chủ tịch không làm tròn nhiệm vụ, nhưng các cấp phó của ông Dũng, cùng bộ máy bên dưới của VFF vẫn hoạt động tốt về chuyên môn, về lãnh vực tài chính – tài trợ. Thành ra, phải công nhận là những người làm các công việc nêu trên giỏi, quá giỏi!

Hoạt động tài chính của VFF ở nhiệm kỳ 7 được báo cáo là khả qua, tăng luỹ tiến so với nhiệm kỳ 6 trước đó. VFF vẫn biến các đội tuyển quốc gia, đặc biệt là đội U23 và đội tuyển Việt Nam thành “con gà đẻ trứng vàng” trong mắt các nhà tài trợ, giúp tăng nguồn thu và tăng giá trị thương mại của các đội tuyển, của VFF.

Dĩ nhiên, như đã từng đề cập ở bài trước, nhiệm kỳ 7 của VFF chủ yếu thành công trong năm 2018, với hàng loạt thành tích lịch sử của các đội tuyển, có đóng góp rất lớn của các ông bầu là chủ của các học viện tư nhân. Và cũng nhờ năm 2018 mà hoạt động tài chính của VFF khả quan, tăng trưởng vượt bậc hẳn so với trước đó.

Không có năm 2018 đại thành công, tình hình tài chính của VFF, vị thế của VFF có lẽ sẽ rất khác so với bây giờ. Nhưng thành công vẫn cứ là thành công, mà nói theo ngôn ngữ của chính giới bóng đá, rằng chiến thắng vẫn là lời khẳng định hùng hồn nhất cho tính hiệu quả.

Vả lại, nếu như một số bộ phận, một số nhân vật tại VFF, dù chỉ là một số thôi, không kiên định với con đường mình đã chọn, không kiên định xây dựng các đội tuyển dựa trên nguồn lực của toàn xã hội, chắc chắn thành công đã không đến, nên cần phải dành lời khen cho sự kiên định đó!

Kim Điền

Nhiệm kỳ “Không chủ tịch” của VFF - 3