1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

VFF nhiệm kỳ 7: Một năm 2018 cứu vãn cả một nhiệm kỳ

(Dân trí) - Nhiệm kỳ 7 của VFF là nhiệm kỳ mà bóng đá Việt Nam có đại diện lọt vào VCK World Cup futsal và U20, có năm 2018 thành công rực rỡ với ngôi Á quân giải U23 và thành tích vào bán kết Asiad. Nhưng đây cũng là nhiệm kỳ chúng ta 2 lần liên tiếp thất bại tại SEA Games.

Khách quan mà nói, năm 2018 là năm thành công rực rỡ của bóng đá Việt Nam, dù chúng ta có vươn đến mục tiêu cao nhất của cả năm, là ngôi vô địch AFF Cup 2018 hay không? - Ở một giải đấu mà ngay đến thế lực số 1 của bóng đá Đông Nam Á vẫn có thể thất bại, thì chuyện mọi đội khác lên ngôi hay không lên ngôi, có khi không còn bất ngờ.

Năm 2018, đội tuyển Việt Nam vào đến trận chung kết giải U23 châu Á – một thành tích lịch sử. Cũng năm 2018, đội tuyển Olympic Việt Nam vào đến bán kết nội dung bóng đá nam Asiad – một thành tích mang tính lịch sử khác.

Nhiệm kỳ 7 cũng là nhiệm kỳ mà bóng đá Việt Nam có đại diện lọt vào VCK World Cup futsal 2016, vào đến VCK World Cup U20. Nhưng cũng ở nhiệm kỳ 7, bóng đá Việt Nam chứng kiến 2 thất bại liên tục ở các kỳ SEA Games – một thành tích đáng gọi là lịch sử khác, bởi hiếm khi bóng đá nội thua liên tục như thế ở cùng một giải đấu cấp độ Đông Nam Á.

Nhiệm kỳ 7 của VFF là nhiệm kỳ có năm 2018 thành công vang dội, với các chiến tích lịch sử tại các giải U23 châu Á và Asiad
Nhiệm kỳ 7 của VFF là nhiệm kỳ có năm 2018 thành công vang dội, với các chiến tích lịch sử tại các giải U23 châu Á và Asiad

Vì thất bại ở SEA Games năm 2015 trên đất Singapore, HLV Miura bị sa thải, ra đi theo cách lạ lùng chưa từng có: Bị cắt hợp đồng khi chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là vị HLV người Nhật hết hạn hợp đồng.

Riêng thất bại tại SEA Games năm 2017 trên đất Malaysia lại quá ê chề, khi đội tuyển U22 Việt Nam rời cuộc chơi ngay sau vòng bảng, dù trước giờ bóng lăn còn được đánh giá là ứng cử viên vô địch số 1 của nội dung bóng đá nam của đại hội thể thao Đông Nam Á.

Hai thất bại liên tiếp ở 2 kỳ SEA Games vừa nêu ở trên, cộng với việc đội tuyển quốc gia bẽ bàng rời AFF Cup 2016 lúc giữa nhiệm kỳ 7, khiến cho VFF có những thời điểm thật sự lao đao.

Yêu cầu cải tổ từng được đặt ra, cho đến tận đầu năm 2018, cho đến khi đội tuyển U23 Việt Nam gây sốt ở giải U23 châu Á, rồi giữ được phong độ đến cuối năm, bằng thành công ở Asiad sau đó, cùng tư thế ứng cử viên vô địch tại AFF Cup 2018.

Không phủ nhận VFF có may mắn ở chỗ đây là nhiệm kỳ mà bộ máy điều hành bóng đá nội nhận được sự song hành của nhiều trung tâm đào tạo bóng đá trẻ, nhiều học viện bóng đá tư nhân.

Các học viện này thực chất được ra đời từ trước khi nhiệm kỳ 7 nhận trách nhiệm điều hành VFF, nhưng đến giai đoạn 4 năm của nhiệm kỳ 7, lứa cầu thủ đầu tiên, hoặc tốt nhất của một số học viện tư nhân, của các trung tâm đào tạo trẻ lại bước vào giai đoạn phát triển rực rỡ nhất trong sự nghiệp cầu thủ của họ.

... nhưng nhiệm kỳ 7 của VFF cũng là nhiệm kỳ chứng kiến 2 thất bại liên tiếp ở các kỳ SEA Games năm 2015 và 2017, mà đau đớn nhất là thất bại tại SEA Games năm 2017 trên đất Malaysia
... nhưng nhiệm kỳ 7 của VFF cũng là nhiệm kỳ chứng kiến 2 thất bại liên tiếp ở các kỳ SEA Games năm 2015 và 2017, mà đau đớn nhất là thất bại tại SEA Games năm 2017 trên đất Malaysia

Ví dụ như trường hợp của học viện HA Gia Lai JMG thuộc sở hữu của bầu Đức, giai đoạn từ năm 2013 đến nay là giai đoạn mà lứa Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn, Tuấn Anh… bắt đầu bước vào môi trường bóng đá đỉnh cao, rồi gây tiếng vang.

Nhờ tiếng vang của lứa cầu thủ vừa nêu, bầu Đức chiếm ưu thế trong cuộc đua đến ghế lãnh đạo VFF nhiệm kỳ 7, các cộng sự của ông Đức ở VFF cùng nhiệm kỳ cũng được thơm lây.

Tương tự như thế là những sản phẩm tài năng của học viện bóng đá PVF của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, người vốn chẳng màn đến bóng đá đỉnh cao, nhưng nhờ ông đóng góp một phần mà VFF có lực lượng để xây dựng đội tuyển lên đỉnh cao. Hay cầu thủ của trung tâm đào tạo bóng đá trẻ thuộc CLB Hà Nội của ông bầu Đỗ Quang Hiển.

Không có sự song hành của các lò đào tạo trẻ ấy, cộng thêm các trung tâm nổi tiếng khắp cả nước như Viettel, SL Nghệ An,… các đội U16 và U19 Việt Nam khó có cảnh liên tục vào đến VCK các giải châu Á trong nhiệm kỳ này của VFF.

Dẫu sao, vẫn không thể phủ nhận đóng góp của cơ quan điều hành bóng đá nội, nhất là những người làm công tác chuyên môn.

Cần dành lời khen cho sự kiên trì của những người làm chuyên môn tại VFF, họ đã giữ được sự xuyên suốt cho các đội tuyển, có công phát hiện và biết đặt niềm tin đúng chỗ vào các HLV có tài như ông Miura, và đặc biệt là ông Park Hang Seo, để những chuyên gia này giúp bóng đá Việt Nam từ chỗ thất bại toàn tập ít năm trước đó, dần lấy lại vị thế, rồi từng bước thành công trong năm 2018!

Kim Điền

VFF nhiệm kỳ 7: Một năm 2018 cứu vãn cả một nhiệm kỳ - 3