Vụ án 7 cầu thủ U23 bán độ

Vén bức màn bí mật

Bức tranh tổng thể của vụ án động trời này đã gần được hoàn thiện, với nhiều tình tiết mới được CQĐT phanh phui.

UB TDTT đã nói gì khi "mổ" băng ghi hình trận Việt Nam-Myanmar?

"Ngày 19/06/2006, CQĐT đã tiến hành trưng cầu giám định trên băng hình đối với trận đấu Việt Nam-Myanmar ngày 24/11/2005. Một ngày sau, UB TDTT ra quyết định thành lập Hội đồng giám định trận đấu, và sau 2 ngày xem xét, Hội đồng đã đi đến kết luận: Tinh thần thi đấu của đội có cố gắng, nhưng quyết tâm chưa thật cao, chưa đều toàn đội.

Một số VĐV chưa thực hiện nghiêm túc đấu pháp của BHL. Một số VĐV thi đấu chưa tích cực, hết mình, ít di chuyển, hoạt động ở khu vực hẹp, tạo ra sự thiếu gắn bó trong đội hình chiến thuật. Một số VĐV như Quốc Vượng, Hải Lâm, Văn Trương, Phước Vĩnh, Bật Hiếu, Quốc Anh, Văn Quyến thi đấu thiếu tập trung, chưa thực hiện tốt đấu pháp của BHL.

Có một số trường hợp phạm lỗi cá nhân ở khu vực phòng ngự đã gây ra tình huống nguy hiểm cho đội nhà, và một số trường hợp chưa tận dụng được cơ hội để ghi bàn thắng".

Một số cầu thủ đã hối hận vì nhận lời tham gia bán độ

Mặc dù đã đồng ý tham gia dàn xếp tỷ số trận Việt Nam-Myanmar cùng Quốc Vượng, nhưng sau khi vụ việc xảy ra, dường như ý thức được hậu quả sẽ đến với mình nên Hải Lâm rất lo sợ. Đó là lý do vì sao sau khi về tới Việt Nam, Hải Lâm không hề liên hệ với Quốc Vượng để đòi tiền bán độ như Văn Quyến, Bật Hiếu.

Trong khi đó, dù giữ vai trò khá tích cực trong vụ dàn xếp tỷ số, nhưng Văn Quyến cũng không phải là người "cứng bóng vía" như chủ mưu Quốc Vượng.

Bằng chứng là sau khi họp bàn bán độ, Văn Quyến có nói với Văn Trương là sợ cóng chân không đá được nên nhờ Trương nói với Vượng bỏ đi không cá cược nữa. Tuy nhiên, khi trả lời thẩm vấn CQĐT, Văn Trương đã phủ nhận thông tin này.

Còn với Phước Vĩnh, khi tham gia dàn xếp tỷ số ngay trong lần đầu tiên được đá chính tại SEA Games 23, cầu thủ này cũng không giấu nổi sự lo lắng. Theo lời khai của Phước Vĩnh, ít phút trước giờ bóng lăn, Vĩnh có hỏi Vượng: "Giờ sao anh Vượng?", và được trấn an: "Em cứ đá ở dưới còn trên anh lo chuyện đó".

Quốc Vượng bị lật tẩy chuyện "bán độ để mua nhà, cưới vợ" như thế nào?

Theo thoả thuận giữa Quốc Vượng với trùm độ Lý Quốc Kỳ thông qua "nhà môi giới" Trương Tấn Hải, Vượng đã nhờ Hải đặt cược tỷ số trận Việt Nam-Myanmar hộ với số tiền 250 triệu đồng.

Vì thế, sau đó, Quốc Vượng đã nhận được từ Lý Quốc Kỳ tổng cộng gần 500 triệu đồng (bao gồm tiền Việt và USD), trong đó, tiền thắng độ mà Vượng thanh toán cho Quốc Anh, Văn Quyến, Bật Hiếu, Phước Vĩnh (20 triệu/người) chỉ chiếm một phần nhỏ, số còn lại là tiền thắng độ của riêng Vượng.

Thế nhưng, khi khai nhận với CQĐT, Vượng lại nói rằng số tiền hơn 400 triệu nói trên là do Trương Tấn Hải và Lý Quốc Kỳ cho vay để làm nhà và cưới vợ. Tuy nhiên, các điều tra viên đã lật tẩy sự gian dối của Quốc Vượng bằng những lý lẽ xác đáng.

Thứ nhất, điều kiện kinh tế gia đình Trương Tấn Hải đang gặp nhiều khó khăn (vợ mổ tim, không có việc làm, 3 con nhỏ, đang cần một khoản tiền lớn để khắc phục hậu quả của một vụ án khác), nên không thể có số tiền lớn như vậy để cho hoặc cho Vượng vay.

Thứ hai, giữa Vượng và Lý Quốc Kỳ không hề có quan hệ chơi bời, bạn bè, và số tiền Vượng nói vay rất lớn nhưng không hề có bất cứ loại giấy tờ gì làm bằng chứng cho việc vay nợ. Với số tiền 420 triệu đồng này, ngoài 10 triệu đồng và 5.000 USD gửi Phạm Thị Cẩm Lai, Vượng đã chi dùng hết mà không hề dùng vào việc xây nhà hay cưới vợ.

Và cộng với lời khai của Trương Tấn Hải rằng không cho hoặc cho Vượng vay bất cứ khoản tiền nào, CQĐT đã chứng minh được rằng số tiền 500 triệu đồng mà Vượng nhận được từ Trương Tấn Hải gồm tiền thắng độ của riêng Vượng và một số đồng phạm khác ở ĐT U23 VN.

Phi Hùng, Cẩm Lai vô tội!

Khi vụ án còn đang trong tiến trình điều tra, Phi Hùng từng bị dư luận nghi ngờ có vai trò quan trọng trong vụ việc này. Trên thực tế, Phi Hùng chính là người cho Quốc Vượng số điện thoại của Trương Tấn Hải, nhưng Hùng khai nhận rằng không biết Vượng xin số của Hải để làm gì, và trong thời gian diễn ra SEA Games 23, Hùng chỉ liên lạc duy nhất một lần với Vượng như vậy mà thôi.

Theo kết quả điều tra, trong các ngày 20-30/11/2005, số điện thoại 09xxxx3060 mà Hùng nhận là của mình đã nhiều lần liên lạc với số máy cố định nhà Trương Tấn Hải và các số di động của Hải, nhưng Hùng không chịu thừa nhận mình là tác giả của những cú điện thoại này. Vì thế, CQĐT đã kết luận rằng chưa có tài liệu nào chứng minh mức độ liên quan của Phi Hùng trong vụ án này.

Còn đối với trường hợp của Cẩm Lai, nữ tiếp viên hàng không đã nhận hộ Quốc Vượng 500 triệu đồng từ tay Trương Tấn Hải, CQĐT cũng xác định Cẩm Lai không có liên quan tới vụ án, bởi Cẩm Lai đã nhận tiền hộ Quốc Vượng mà không có sự bàn bạc, hứa hẹn gì với Vượng từ trước và bản thân cô cũng không biết đó là tiền gì.

Thậm chí, dù đã cầm tiền từ tay Trương Tấn Hải hộ Quốc Vượng, nhưng Cẩm Lai cũng không biết Hải là ai và đang ở đâu. Sau khi được CQĐT cho nhận dạng, Cẩm Lai đã nhận ra người đưa tiền cho mình chính là Trương Tấn Hải.

Theo T.A
Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm