Văn Lâm sang Nhật Bản thi đấu: Dong thuyền ra biển lớn...
(Dân trí) - Bỏ lại sau lưng những ồn ào ở vụ tranh chấp với Muangthong United, con thuyền của Văn Lâm tới vùng đất Nhật Bản mang theo những kỳ vọng lớn lao.
Con thuyền vượt nghịch cảnh
Nếu cuộc đời Văn Lâm là một con thuyền, thì đó sẽ là con thuyền chuyên ngược sóng gió. Ngay từ trong những năm tháng đầu tiên ở sự nghiệp, từng có lúc, người ta ngỡ rằng con thuyền ấy sẽ sớm bị lật bởi những cơn sóng dữ. Nhưng rồi, nó vẫn cứ lướt đi và ngày càng mạnh mẽ hơn.
Văn Lâm trưởng thành từ lò đào tạo của hai CLB lừng danh là Spartak Moscow và Dynamo Moscow. Sau thời gian ở Nga, thủ thành này quyết định về quê hương Việt Nam, thử việc vào năm 2010 tại CLB HAGL. Thế nhưng, giai đoạn này cũng chứng kiến rất nhiều sóng gió.
Năm 2011, anh được triệu tập lên đội U19 Việt Nam (nhưng không được đá chính). Tới năm 2013, Văn Lâm từng bị đẩy sang Lào thi đấu cho Hoàng Anh Attapeu. Dù vậy, tất cả đều thất bại. Điều đó khiến Văn Lâm phải trở về Nga đầu quân cho CLB Rodina.
Nhưng khát khao trở về Việt Nam luôn rực cháy trong trái tim của Văn Lâm. Tới năm 2015, thủ thành này đã trút hết nỗi lòng vào đoạn tâm thư với ước muốn trở về cống hiến cho Việt Nam.
Đoạn tâm thư của Văn Lâm có những đoạn như sau: "Mong muốn nhất bây giờ là về Việt Nam thử việc đôi tuyển U23... Một lần nữa thôi, không cần thì Lâm sẽ về Nga và không phiền nữa đâu ạ. Vì năm nay là năm cuối Lâm đủ tuổi để tham dự SEA GAMES. Miura có biết Lâm không? Nếu không bây giờ, thì không bao giờ nữa".
Và cũng ở thời điểm tuyệt vọng nhất, một cánh cửa mở ra với Văn Lâm khi được CLB Hải Phòng ký hợp đồng. Sau năm đầu tiên không được trọng dụng, Văn Lâm đã trở thành chốt chặn tin cậy của Hải Phòng và bắt đầu được HLV Muira triệu tập lên đội tuyển quốc gia vào năm 2016.
Thế nhưng, con thuyền của Văn Lâm lại phải ngược sóng một lần nữa. Tới tháng 9/2017, thủ thành này đã có xung đột với trợ lý HLV Lê Sỹ Mạnh và một vài cầu thủ khác ở CLB Hải Phòng. Thời điểm ấy, Văn Lâm đã lại từ bỏ Việt Nam để trở về Nga. Và một năm sau, anh đã trở lại Hải Phòng sau khi tình hình đã yên ổn (trợ lý Lê Sỹ Mạnh đã không còn làm việc tại đây).
Giữa năm 2018, Văn Lâm bị loại khỏi đội Olympic Việt Nam tham dự ASIAD 2018. Đó là cú sốc không dễ vượt qua. "Sau khi đội Việt Nam chốt danh sách dự Asiad 2018, Lâm đã gọi điện về cho tôi với giọng buồn bã: "Bố ơi, con không bay". Tôi vô cùng lo lắng không biết con trai mình sẽ vượt qua thử thách như thế nào" cha của Văn Lâm, Đặng Văn Sơn chia sẻ. Nhưng chỉ tới cuối năm, anh đã là người hùng của đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2018.
Và có lẽ, sau chừng ấy những gì đã trải qua, dễ hiểu khi Văn Lâm chọn cách im lặng trong vụ tranh chấp với Muangthong United vừa qua. Đó là phản ứng của người trưởng thành, từng trải qua từng năm tháng. Thêm một lần, con thuyền Văn Lâm lại ngược sóng và lần này, anh tìm tới biển lớn tại Cerezo Osaka.
Có cảm tưởng như cứ sau một lần ngược sóng, Văn Lâm lại cứng cáp và thành công hơn. Giống như người thủy thủ. Khi cơn sóng dữ không đánh chìm được họ thì nó sẽ càng khiến họ mạnh mẽ hơn.
Văn Lâm không hề có tài năng thiên bẩm. Cựu HLV trưởng đội U19 Việt Nam, Triệu Quang Hà từng nhận xét Văn Lâm phản xạ chậm và khá nhát bóng. HLV Muira từng bỏ qua người gác đền này vì... không có gì nổi bật. Nhưng điều quan trọng là Văn Lâm có ý chí, quyết tâm hoàn thiện mình. Đây là cầu thủ hiếm hoi ở Việt Nam chấp nhận bỏ tiền túi thuê HLV thể lực riêng (giống như nhiều cầu thủ chuyên nghiệp ở châu Âu).
Tìm một chỗ đứng cho cầu thủ Việt Nam
Chia sẻ về quyết định sang Muangthong United, Văn Lâm từng thổ lộ: "Họ là CLB mạnh ở Thái Lan và có thể dự AFC Champions League. Việc tới Thái Lan là bước tiến với tôi bởi giải đấu này chất lượng hơn V-League. Nhưng nó có thể là bước đệm để tôi sang Nhật Bản hoặc châu Âu".
Nhìn lại phát biểu ấy để thấy rằng khát vọng của Văn Lâm không hề tầm thường. Thực tế, trên đất Thái Lan, Văn Lâm đã tìm được chỗ đứng của mình khi thường xuyên bắt chính tại Muangthong United. Dù người Thái có thừa nhận hay không thì trong hai năm qua, Văn Lâm vẫn là một trong những thủ thành xuất sắc nhất giải đấu.
Văn Lâm là trường hợp cầu thủ Việt Nam hiếm hoi có thể đá chính ở một CLB nước ngoài và thành công. Đừng nghĩ rằng vị trí thủ môn dễ kiếm vị trí hơn. Thậm chí, ngược lại, bởi chỉ có là người xuất sắc nhất mới có thể giành vị trí bắt chính. Bởi đây là vị trí ít thay đổi và rất khó cạnh tranh. Các CLB chỉ thường sử dụng 1 thủ môn cố định trong suốt giải đấu.
Trong quá khứ, bóng đá Việt Nam đã có nhiều "phép thử" ở Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc và cả những giải VĐQG hàng đầu châu Âu (Bỉ, Hà Lan) nhưng đó đều là những phép thử thất bại. Ngay cả những ngôi sao hàng đầu Việt Nam như Công Vinh, Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Hậu... cũng đều bị ngợp bởi trình độ quá lớn ở các CLB nước ngoài.
Nhưng Văn Lâm có thể sẽ khác! Lần đầu tiên có một CLB nước ngoài chấp nhận bỏ tiền ra chiêu mộ cầu thủ Việt Nam (chứ không phải dạng cho mượn). Điều đó cho thấy họ rõ ràng đánh giá cao trình độ của thủ thành Việt Nam, chứ không hẳn là "hợp đồng thương mại" như trong quá khứ.
Trong những năm qua, các cầu thủ Việt Nam chật vật tìm chỗ đứng ở các CLB nước ngoài nhưng đều thất bại. Cũng bởi lẽ đó, vụ Văn Lâm sang Nhật Bản thi đấu nhận được kỳ vọng lớn lao. Bóng đá Việt Nam đang trên đường khẳng định mình và lúc này, người hâm mộ đang mong chờ một thành công tại nước ngoài. Chỉ có như vậy, bóng đá Việt Nam mới có vị thế lớn hơn.
Như người đại diện Văn Lâm, Andrey Grushin đã chia sẻ: "Đây là bước tiến trong sự nghiệp của Văn Lâm cũng như bóng đá Việt Nam. Trong những năm qua, bóng đá Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc trên đấu trường quốc tế. Trong tương lai gần, tôi có thể được chứng kiến những cầu thủ Việt Nam thi đấu ở những giải đấu hàng đầu châu Á. Tôi rất vinh dự khi được giúp những cầu thủ Việt Nam phát triển.".
Và thêm một lần, con thuyền Văn Lâm sẽ phải ngược sóng, để đi tìm thành công ở biển lớn. Đó không chỉ là chỗ đứng của Văn Lâm mà còn là bước đệm quan trọng cho cả nền bóng đá Việt Nam. Thành công của thủ thành sinh năm 1993 có thể tạo tiền đề quan trọng cho những thế hệ tiếp theo có tâm thế khác khi chinh phục biển lớn.