1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Vụ Văn Lâm sang Cerezo Osaka: "Miếng bánh màu mỡ" của người Nhật

H.Long

(Dân trí) - Trong những năm qua, giải VĐQG Nhật Bản đã chú trọng khai thác thị trường "màu mỡ" Đông Nam Á, giống như cái cách mà họ từng bị các giải châu Âu khai thác những năm trước đó.

Từng có thời, người Nhật lên cơn sốt về trận "derby Nhật Bản trong lòng Milan" khi chứng kiến Keisuke Honda và Yuto Nagatomo chạm trán ở hai đầu chiến tuyến. Thực tế, đó không phải là hai cầu thủ quyết định cục diện trận đấu nhưng với người Nhật Bản, chỉ cần theo dõi hai ngôi sao hàng đầu đất nước góp mặt ở trận derby lớn như vậy, họ cũng trào dâng niềm hạnh phúc.

Vụ Văn Lâm sang Cerezo Osaka: Miếng bánh màu mỡ của người Nhật - 1

Giải J-League đã khai thác tốt thị trường Thái Lan với thành công của Chanathip 

Nhật Bản từng được xem là thị trường "màu mỡ" để những giải vô địch quốc gia (VĐQG) hàng đầu châu Âu khai thác. Trong mỗi trận đấu của Inter Milan, có cả ngàn người dân Nhật Bản xuất hiện trên khán đài chỉ để cổ vũ cho Nagatomo (dù chưa biết anh có ra sân hay không). Nhờ làn sóng Nhật Bản như vậy, mà nhiều CLB châu Âu đã kiếm được những nguồn tài trợ kếch xù từ thị trường đầy tiềm năng này (trong đó có Man Utd với thương vụ Kagawa).

Nhưng giờ đây, người Nhật Bản đã sử dụng chính cách ấy để khai thác thị trường tiềm năng khác, điển hình là Đông Nam Á. Liệu có trận đấu nào mà những CĐV Thái Lan còn nhiều hơn cả Nhật Bản trong một trận đấu tại giải VĐQG Nhật Bản? Câu trả lời là có!

Người Nhật tạo ra "trận derby Thái Lan trong lòng Nhật Bản" giữa Shimizu S-Pulse và Consadole Sapporo vào tháng 8 năm ngoái, nơi có sự đụng độ của hai ngôi sao tấn công hàng đầu Thái Lan là Teerasil Dangda và Chanathip Songkrasin. Rất nhiều CĐV mặc những chiếc áo của đội tuyển Thái Lan xuất hiện trên khán đài chỉ để cổ vũ cho những cầu thủ, chứ không phải là bất kỳ CLB nào.

Có chi tiết mà những người Nhật hết sức khéo léo. Họ hiển thị tên cầu thủ Thái Lan ở trên bảng điện tử bằng tiếng Thái (chứ không phải bằng tiếng Anh). Những người tới theo dõi được khuyến khích tải một ứng dụng. Trong đó, họ có thể gửi lời chúc tới hai ngôi sao Thái Lan. Những lời chúc ấy sẽ được phát qua hệ thống loa tại sân vận động.

Ở thời điểm mà thị trường Đông Nam Á đang được xem là "mỏ vàng", nơi có những người hâm mộ cuồng nhiệt, tới mức phát cuồng vì bóng đá, người Nhật đã khéo léo khai thác theo cách như vậy. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Đông Nam Á luôn ở mức cao. Vì vậy, đây là thị trường màu mỡ cho việc quảng bá hình ảnh. Kéo theo đó là những khoản thu béo bở từ bản quyền truyền hình hay khai thác thương mại.

Trong một thập kỷ, giải J-League đã có hẳn chiến dịch mang tên "chiến dịch Đông Nam Á". CLB Cerezo Osaka từng thi đấu ở đội tuyển Thái Lan để quảng bá hình ảnh. Gamba Osaka từng có vài trận chuẩn bị cho mùa giải mới tại Indonesia. Bên cạnh đó, các CLB ở hạng dưới của Nhật Bản cũng tích cực trao đổi, đào tạo cầu thủ trẻ Đông Nam Á.

Giám đốc quan hệ quốc tế của J-League, Kei Koyama từng nhận xét: "Những gì đang diễn ra giống như kế hoạch chúng tôi từng mường tượng. Thị trường châu Á hay đặc biệt là Đông Nam Á có rất nhiều tiềm năng phát triển".

Vụ Văn Lâm sang Cerezo Osaka: Miếng bánh màu mỡ của người Nhật - 2

Giải J-League được ưa chuộng thứ 3 ở Thái Lan. Tiền bản quyền ở giải đấu này tại xứ sở Chùa vàng đã tăng lên 5 lần

J-League đặc biệt thành công ở Thái Lan. Vào năm ngoái, họ vừa ký bản quyền truyền hình với đài Siam Sport. Giờ đây, những người hâm mộ có thể theo dõi giải J-League qua mọi nền tảng như truyền hình, Youtube, mạng xã hội. Theo ước tính, có khoảng 240.000 người ở Thái Lan theo dõi trận "derby Thái Lan trong lòng Nhật Bản" nói trên, cao thứ 2 ở mùa giải này.

Theo Kei Koyama, ước tính mỗi tuần có khoảng 300.000 người ở Thái Lan theo dõi các trận đấu ở J-League và lượt xem mỗi năm cán mốc 10 triệu người.

Tiền bản quyền truyền hình giải J-League ở Thái Lan trong 3 năm (2020-2022) đã chạm mốc 2,5 tỷ yên (23,68 triệu USD), cao gấp 5 năm so với giai đoạn trước đó (2017-2019), khi giải Nhật Bản mới bắt đầu tới Thái Lan (khi Chanathip mới tới Sapporo).

Cũng theo ông Kei Koyama, nhờ việc hợp tác với Nhật Bản mà trình độ của các cầu thủ Thái Lan đã tăng lên. Vào khoảng hơn 10 năm trước đây, khi những HLV và chuyên gia Nhật Bản tới khảo sát ở đất nước này, họ lắc đầu ngao ngán vì trình độ của các cầu thủ bản địa. Nhưng giờ đây, những cầu thủ như Chanathip, Theerathon Bunmathan đã bắt đầu khẳng định vị thế ở J-League.

Giải J-League giờ đây được xem là "miền đất hứa" với những cầu thủ Thái Lan. "Các cầu thủ Thái Lan ngày càng muốn sang Nhật Bản thi đấu hơn" - ông Kei Koyama chia sẻ. Nhờ đó, mà Nhật Bản càng khai thác được sâu hơn "miếng bánh" từ Thái Lan.

Trong một cuộc khảo sát của công ty Neilsen, giải J-League là giải đấu phổ biến thứ 3 ở Thái Lan. Có tới 49% số người được hỏi thừa nhận họ rất quan tâm tới giải đấu này, chỉ kém giải Premier League (84%) và La Liga (64%).

Hiện tại, nguồn tin bản quyền truyền hình ở giải Nhật Bản ở nước ngoài chỉ chiếm 5% và tham vọng của họ là đẩy con số này lên thành 10% trong vài năm tới. Nên nhớ, giải Premier League có 50% doanh thu từ phát sóng ở nước ngoài (chủ yếu châu Á). Con số này ở giải Bundesliga là 20%.

"Chúng tôi không thể bỏ lại phía sau nếu như có tư tưởng thỏa mãn" - ông Kei Koyama nói. Vì lẽ đó, Nhật Bản đang tìm kiếm một "thị trường Thái Lan thứ hai" ở Đông Nam Á. Đích đến của họ chính là Indonesia và Việt Nam.

Vụ Văn Lâm sang Cerezo Osaka: Miếng bánh màu mỡ của người Nhật - 3

Giải Nhật Bản từng khai thác thị trường Việt Nam trong quá khứ nhưng không thành công bởi hiệu ứng ngay lập tức đi xuống khi Công Vinh, Công Phượng, Tuấn Anh thất bại

Sở dĩ, giải Nhật Bản có thể thắng lớn ở Thái Lan là bởi Chanathip quá thành công ở CLB Sapporo. Thực tế, từ vài năm trước đây, các CLB Nhật Bản đã chú ý tới thị trường Việt Nam nhưng Công Vinh, Công Phượng, Tuấn Anh đều không gây được tiếng vang ở xứ Mặt trời mọc. Do đó, dần dần hiệu ứng Nhật Bản ở Việt Nam cũng lắng xuống.

Đó cũng có thể xem là lý do mà CLB Cerezo Osaka chọn ký hợp đồng với thủ môn Văn Lâm. Ít nhiều, tài năng của thủ thành người Việt Nam đã được kiểm chứng trong khung gỗ. Thủ thành này từng thi đấu tuyệt hay trong trận gặp đội tuyển Nhật Bản ở Asian Cup 2019. Trong những năm qua, họ cũng theo dõi Văn Lâm ở Muangthong United.

Văn Lâm sở hữu nhiều tố chất của thủ môn giỏi và chỉ cần nơi để nâng tầm. Khả năng thất bại ở thương vụ này của Cerezo Osaka cũng sẽ thấp hơn so với các vụ Công Vinh, Công Phượng, Tuấn Anh trước đó. Nếu vươn tầm được Văn Lâm như Chanathip thì đó sẽ là chiến thắng lớn của Cerezo Osaka cũng như giải J-League ở thị trường Việt Nam.

Có chi tiết đáng lưu ý, dù mới công bố chiêu mộ Văn Lâm nhưng từ lâu, Cerezo Osaka đã có trang Facebook (tích xanh) bằng tiếng Việt. Sau vụ Văn Lâm, trang Facebook này đã có hơn 1 triệu lượt thích. Con số này hứa hẹn sẽ còn tăng lên trong thời gian tới. Nó cho thấy từ lâu Cerezo Osaka đã có "ý định" chiêu mộ một cầu thủ Việt Nam.

Dù thế nào, đây vẫn là hợp tác "win-win". Giải J-League có thể khai thác được thị trường Việt Nam nhưng ở góc độ nào đó, các cầu thủ Việt Nam cũng sẽ được rèn luyện ở môi trường hiện đại và chuyên nghiệp hơn. Thậm chí, giải Nhật Bản có thể là bước đệm để họ sang châu Âu.