1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

"Vận động viên Việt Nam không liều mạng dùng doping ở SEA Games"

Kim Anh

(Dân trí) - Cựu Trưởng bộ môn điền kinh (Tổng cục TDTT) Dương Đức Thủy chia sẻ thẳng thắn với Dân trí về vụ việc nhiều VĐV Việt Nam bị nghi sử dụng doping tại SEA Games 31 đang gây xôn xao dư luận.

Vừa qua, thông tin nhiều vận động viên (VĐV) Việt Nam, trong đó có cả những người giành huy chương ở môn điền kinh, được cho là dính doping trong quá trình tham dự SEA Games 31. Ông đón nhận thông tin này như thế nào?

- Thực ra tôi cũng không biết thời điểm cụ thể nào có thông tin VĐV của Việt Nam dính doping. Tôi cũng hỏi qua một số kênh thì được biết thông tin xuất hiện từ khá lâu.

Tôi rất bất ngờ về chuyện này. Các VĐV mà tôi biết đều chăm chỉ tập luyện và không có đối thủ trong khu vực, nên không có lý do gì lại phải dùng doping.

Vận động viên Việt Nam không liều mạng dùng doping ở SEA Games - 1

6 vận động viên Việt Nam nghi sử dụng doping ở SEA Games 31 (Ảnh: Mạnh Quân).

Tuy nhiên khi các VĐV đã dính doping như đúng thông tin vừa qua, chúng ta sẽ phải đối mặt với thực tế này như nào, thưa ông?

- Rõ ràng các Liên đoàn phải có trách nhiệm. Thực ra Liên đoàn của mình cũng căn cứ vào Thông tư, Nghị định của Chính phủ. Những quy định này đều có sẵn rồi.

Thường thì thời gian xét nghiệm và công bố kết quả chính thức không kéo dài. Quốc tế họ không bao giờ chấp nhận những hoạt động này có sự dính líu tới nhà nước. Đòn trừng phạt nặng nhất là đoàn thể thao Nga bị cấm toàn bộ tại Olympic vừa qua. Mới đây, Triều Tiên, Thái Lan, Indonesia cũng có nhiều VĐV bị cấm thi đấu quốc tế.

Vai trò chính là Liên đoàn. Các Liên đoàn thể thao phải là nơi chịu trách nhiệm giải trình, báo cáo với quốc tế, trên cơ sở nếu có các VĐV bị dính doping. Đương nhiên việc này cũng giống với những vụ tố tụng khác, là có luật sư thể thao. Một bên là khép tội, một bên là gỡ tội.

Không phải cứ bị xử phạt là phải tuân theo. Như vậy, các Liên đoàn phải mạnh dạn trong chuyện này.

Tôi lấy ví dụ như trường hợp của Quách Thị Lan được đôn lên giành HCV Asiad 2018 khi VĐV về nhất dính doping, đến thời điểm này Lan được trao HCV chưa? Vậy vai trò của Liên đoàn là gì? Liên hệ với vụ việc vừa xảy ra, thì Liên đoàn xử lý yếu kém.

Vậy chúng ta cũng cần phải làm rõ danh sách VĐV dính doping để từ đó có hướng xử lý kịp thời, tránh trường hợp VĐV bị xử phạt nặng hơn mức vi phạm?

- Danh sách bên Tổ chức Phòng chống doping Thế giới (WADA) sẽ cung cấp cho phía Việt Nam. Chúng ta phải hiểu là không phải tự nhiên WADA lại có danh sách đó. Về luật, bất cứ Đại hội thể thao nào mặc định là phải có kiểm tra doping. Ban tổ chức muốn tạo điều kiện cho các tổ chức thể thao một cách bình đẳng trong vấn đề kiểm tra doping.

Vận động viên Việt Nam không liều mạng dùng doping ở SEA Games - 2

Schooling là vận động viên bơi nổi tiếng của Singapore bị phát hiện sử dụng cần sa trong thời gian thi đấu ở SEA Games 31 (Ảnh: Tiến Tuấn).

Nếu như Ban tổ chức (BTC) SEA Games có danh sách, mã số VĐV thử doping, thì Liên đoàn phải là người đại diện trực tiếp làm rõ chuyện này. Không có VĐV nào lại phải tự hỏi BTC là mình có dính doping hay không.

Nếu VĐV họ biết có dính hay không còn có thể khiếu kiện. Nhưng theo tôi biết là từ Liên đoàn tới các đội tuyển, VĐV đều không có thông tin gì. Ngay cả Tổng cục TDTT là cơ quan quản lý nhà nước cũng phải trả lời với vai trò của mình, thay vì im lặng như hiện nay.

Quy trình kiểm tra doping ở các giải thể thao diễn ra thế nào, thưa ông?

- Theo điều lệ và quy định, những ai phải kiểm tra doping do BTC chỉ định. Ví dụ, tất cả các VĐV giành HCV phải kiểm tra doping, hoặc những VĐV vào vòng chung kết. Ngoài ra, sẽ có một tỷ lệ khoảng 10% các VĐV bị nghi hoặc ngẫu nhiên. Đó là những trường hợp có sự bất thường trong thi đấu.

Nói chung những VĐV giành HCV, HCB, HCĐ là có khả năng cao nhất bị kiểm tra doping. Tất nhiên WADA không can thiệp về vấn đề tranh giành thành tích của các quốc gia, mà chỉ khuyến cáo các quan chức, HLV, VĐV không sử dụng các phương pháp, chất cấm với mục đích tăng trưởng thành tích. Thậm chí việc gian lận tên tuổi cũng bị phạt rất nặng.

Sau khi các mẫu xét nghiệm lần đầu (mẫu A) có kết quả thì gần như chính xác. VĐV có quyền yêu cầu xét nghiệm mẫu B nhưng họ phải tự chi trả phí. Mẫu B là kết quả cuối cùng.

Trong quá khứ, Việt Nam có nhiều VĐV từng dính doping nhưng đa số đều vô tình sử dụng chất cấm do kiến thức còn hạn chế. Còn lần này thì sao?

- Về mặt chủ trương không ai lại xúi VĐV dùng doping cả. Nga hay Triều Tiên đều phủ nhận chuyện này khi nhận án phạt cấm thi đấu. Nhưng WADA hay Ủy ban Liêm chính của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đều khuyến cáo các VĐV chứng minh sự trong sạch của mình, bằng cách ngày này giờ này HLV có đưa thuốc uống, rồi ngày này giờ này sử dụng các thực phẩm chức năng và bản thân không tự mua hay tự sử dụng các loại thuốc đó.

Đương nhiên HLV khi đã xảy ra vụ việc như thế thì cũng phải chứng minh không phải là mình tự làm mà là do chỉ đạo. Phải có người chịu trách nhiệm trong chuyện này. Nói tóm lại khi đã dính tới doping, nếu không phải là quản lý, lãnh đội, HLV, thì là do VĐV hoặc ngược lại.

Tôi vẫn nghiêng sang phương án các VĐV vô tình dính chất cấm. Có thể các VĐV bị chấn thương trong khi công tác chăm sóc sức khỏe của Việt Nam thiếu và kém, họ sẽ tự chữa trị, tự mua thuốc ở ngoài.

Nếu các VĐV có kiến thức về doping, chất cấm, sẽ hạn chế được những vụ việc như vừa qua?

- VĐV của ta thiếu kiến thức và rất sợ, nên không liều mạng sử dụng doping để phục vụ cho mục đích tăng thành tích. Vấn đề là chúng ta cần biết là VĐV họ dính theo hình thức như thế nào.

Ví dụ cùng là một cốc cafe có chất caffein, nhưng nếu uống một cốc thì không sao, uống 5-7 cốc lại khác, nếu kiểm tra sẽ dính. Đó là chất gây hưng phấn dạng nhẹ. Thuốc bổ cũng bị cấm nếu như đạt tới một nồng độ nào đó. WADA tách bạch ra một số nhóm chất cấm nặng. Mỗi loại thuốc, thực phẩm có công dụng, tác dụng ở một mặt nào đó.

Vận động viên Việt Nam không liều mạng dùng doping ở SEA Games - 3

Ông Dương Đức Thủy chia sẻ thẳng thắn với Dân trí về vụ việc nhiều VĐV Việt Nam bị nghi sử dụng doping tại SEA Games 31 (Ảnh: Hải Long).

Ngoài việc nâng cao kiến thức cho các HLV, VĐV, thì chúng ta phải phòng chống vấn nạn doping như thế nào, thưa ông?

- Vấn đề ở đây là cơ chế của Việt Nam khác. Trung tâm doping đáng ra phải hoạt động độc lập, nguồn kinh phí phải đến từ các hoạt động thể thao.

Việt Nam có trung tâm nhưng không hoạt động độc lập. Nhưng trung tâm cũng không có đủ kinh phí để tiến hành xét nghiệm một cách đại trà. Bản thân trung tâm phải có các trang thiết bị để phân tích, đảm bảo rằng các mẫu xét nghiệm làm theo đúng quy chuẩn của WADA.

Trung tâm phải có kế hoạch với các Liên đoàn thể thao, hoặc các Liên đoàn liên hệ với Trung tâm để kiểm tra các VĐV. Tất cả phải có sự phối hợp với nhau. Ví dụ như với đội tuyển điền kinh trong năm nay có những hoạt động nào, thi đấu và tập huấn ra sao, cần làm việc với Trung tâm để lên kế hoạch xét nghiệm doping.

Vấn nạn doping gây ra hệ lụy lớn với các nền thể thao, nhưng thiệt nhất vẫn là các VĐV?

- Giờ chúng ta chờ xem như thế nào, chứ nói chung rất thương các VĐV. Họ bị tước huy chương và tiền thưởng. Nhiều VĐV nếu có tiền không sao, nhưng nếu là những hoàn cảnh khó khăn đã sử dụng tiền thưởng vào việc riêng thì giờ rất khó.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!