6 VĐV Việt Nam nghi dính doping ở SEA Games 31: Không chỉ là án phạt
(Dân trí) - Các vận động viên (VĐV) sau khi có kết quả cuối cùng về việc sử dụng doping, sẽ bị tước thành tích, cấm thi đấu có thời hạn hoặc vĩnh viễn.
Hiện tại, Tổng cục TDTT đang chờ thông báo chính thức từ Tổ chức Phòng chống doping thế giới (WADA).
Tại SEA Games 31, Ban tổ chức lấy gần 1.000 mẫu thử trong tổng số các VĐV đã thi đấu tại Đại hội. Kết quả các mẫu thử A đã được Tiểu ban Y tế và Kiểm tra doping của SEA Games 31 nắm được. Theo nhiều nguồn tin, chủ nhà Việt Nam có ít nhất 6 VĐV có kết quả dương tính với chất cấm ở mẫu xét nghiệm lần một (mẫu A)
Các trường hợp này tiếp tục được tiến hành xét nghiệm lần (mẫu B). Sau khi có kết quả mẫu B, Tổ chức Phòng chống doping thế giới (WADA) sẽ có thông báo chính thức với phía Việt Nam.
Theo tìm hiểu, trong số 6 VĐV Việt Nam nghi dính doping, có 2 VĐV ở đội tuyển điền kinh. Điều đáng nói, cả hai VĐV này đều đạt thành tích huy chương ở SEA Games 31.
Trước mắt, Tổng cục TDTT có báo cáo với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về vụ việc. Trong khi đó, Tiểu ban Y tế và Kiểm tra doping của SEA Games 31 cũng sẽ có văn bản gửi đến cơ quan phòng chống doping quốc tế WADA.
Sau khi có các thông báo kết quả chính thức thì dự kiến phía Việt Nam sẽ công bố danh tính người có mẫu thử dương tính với doping tại SEA Games 31 vừa qua.
Do chưa công bố danh tính vì còn phải chờ mẫu xét nghiệm lần 2, nên Tổng cục TDTT không có bất cứ thông tin chính thức nào về các VĐV nghi dính doping. Tuy nhiên, một lãnh đạo Tổng cục TDTT khẳng định nếu các VĐV có kết quả dương tính với chất cấm, ngoài việc bị tước thành tích, còn bị cấm có thời hạn hoặc vĩnh viễn. Ở sân chơi quốc tế, WADA cũng có những án phạt cấm thi đấu theo các thời gian cụ thể.
Thể thao Việt Nam từng có nhiều VĐV dính doping khi tham dự các sân chơi quốc tế. Gần nhất, nhà vô địch cử tạ thế giới hạng 62kg Trịnh Văn Vinh đã bị Liên đoàn Cử tạ thế giới (IWF) cấm thi đấu 4 năm và phạt 5.000 USD vì sử dụng doping.
Không chỉ có Trịnh Văn Vinh, IWF đồng thời thông báo đến Liên đoàn Cử tạ VN cho biết cũng cấm thi đấu 4 năm và phạt 5.000 USD đối với nữ lực sĩ Nguyễn Thị Phương Thanh (Hà Nội) vì sử dụng chất cấm.
Trước đó, lực sĩ Trịnh Văn Vinh đã được kiểm tra doping ngẫu nhiên vào tháng 11/2018 trong thời gian anh đang chuẩn bị cho đại hội. Tháng 2/2019, kết quả kiểm tra được IWF công bố sau đó cho biết Vinh dương tính với chất testosterone ngoại sinh và một chất khác.
Văn Vinh là một trong những VĐV cử tạ xuất sắc của Việt Nam. Lực sĩ này từng giành HCV châu Á nội dung cử đẩy với thành tích 158kg. Năm 2017, Vinh giành 2 HCB, 1 HCĐ tại Giải cử tạ vô địch châu Á.
Tại SEA Games 29 năm 2017, Trịnh Văn Vinh mang về HCV hạng 62kg, đồng thời phá kỷ lục nội dung cử đẩy và tổng cử SEA Games. Cùng năm, Vinh giành HCV cử giật hạng 62kg tại Giải cử tạ vô địch thế giới với thành tích 136kg.
Ngoài Văn Vinh, trong quá khứ, nhiều VĐV Việt Nam từng dính doping. Đó là trường hợp của Hoàng Anh Tuấn (cử tạ), Đỗ Thị Ngân Thương (thể dục dụng cụ)…
Xa hơn nữa, tại SEA Games 22 vào năm 2003 được tổ chức trên sân nhà, các VĐV của Việt Nam Phạm Toàn Thắng, Phạm Thị Dịu (môn lặn), Hoàng Hồng Anh (môn canoeing), Nguyễn Mai Quỳnh (môn điền kinh) giành huy chương, sau đó mẫu thử của có kết quả dương tính với chất cấm nên chịu án phạt. Hầu hết các VĐV này sau đó đã giải nghệ, một số ít trở lại nhưng không thể vươn tới đỉnh cao.
Doping luôn là vấn nạn, là cơn ác mộng của mỗi nền thể thao. Trước SEA Games 31, hàng loạt VĐV môn thể hình đã bị loại khỏi đội tuyển vì sử dụng chất cấm. Hiện tại các VĐV này cũng đang chờ án phạt từ Liên đoàn Thể hình và Cử tạ Việt Nam.
Tuy nhiên, vụ việc có ít nhất 6 VĐV từng thi đấu ở SEA Games 31 có kết quả dương tính với chất cấm (mẫu A) làm rúng động làng thể thao Việt Nam, bởi ngoài chuyện các VĐV bị tước thành tích, còn ảnh hưởng lớn tới hình ảnh, uy tín của nước chủ nhà.
Các chuyên gia y học thể thao hàng đầu Việt Nam liên tục cảnh báo về sự thiếu hiểu biết của VĐV, HLV Việt Nam khi chỉ chăm chút cho việc tập luyện thi đấu mà quên đi việc bổ sung kiến thức về dinh dưỡng, phòng chống doping.
Theo Trưởng phòng Y học thể thao thuộc trung tâm HLTTQG Nhổn Nguyễn Trọng Hiền, phần lớn các VĐV Việt Nam khi dính chất cấm đều bị sốc và không hiểu vì sao. Điều này là vì thiếu hiểu biết, thiếu chuyên nghiệp của các VĐV, bên cạnh là sự thiếu quan tâm tới từng bữa ăn, giấc ngủ của các HLV, quản lý…