Vai trò của ông trưởng giải trong các sự cố tại V-League

(Dân trí) - Trong vụ việc đội Long An phản ứng trọng tài Trọng Thư trên sân Thống Nhất, trưởng BTC giải Nguyễn Minh Ngọc ngồi trên khán đài, nhưng hầu như không có phản ứng nào nhằm chấn chỉnh tình hình ngay tại chỗ.

VPF mấy mùa bóng gần đây luôn cho biết họ luôn cử cán bộ trực tiếp dự khán các trận đấu nhạy cảm nhất trong khuôn khổ V-League. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ các quan chức này ngồi đấy để làm gì khi sự cố xảy ra ngay trước mặt mà hầu như chẳng làm gì?

Trận CLB TPHCM gặp Long An là trận đấu nhạy cảm như thế, bởi đây được đánh giá là một trong những trận “chung kết ngược” của mùa giải, và hôm đấy thì cả chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng lẫn trưởng BTC giải V-League đều xuất hiện trên khán đài sân Thống Nhất.

Cũng trong buổi tối 19/2 lịch sử đấy, người ta thấy rõ 2 vị quan chức nọ ngồi lặng như tờ, bất chấp phản ứng quá lố của đội Long An, bất chấp việc tình hình đi vào chỗ mất kiểm soát và rất cần sự chấn chỉnh ngay lập tức từ phía người điều hành giải.

Trưởng BTC V-League Nguyễn Minh Ngọc và chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng trên khán đài sân Thống Nhất tối 19/2, hôm xảy ta sự cố Long An (ảnh: Anh Hải)
Trưởng BTC V-League Nguyễn Minh Ngọc và chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng trên khán đài sân Thống Nhất tối 19/2, hôm xảy ta "sự cố Long An" (ảnh: Anh Hải)

Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng sau đó giải thích rằng theo quy chế thì ông không được xuống sân khi trận đấu đang diễn ra và tiếp xúc với các đội.

Tuy nhiên, mấy ngày qua dư luận thắc mắc về vai trò của ông trưởng giải Nguyễn Minh Ngọc, bởi trên tư cách trưởng giải, lại ngồi ngay trên sân, nhưng ông Ngọc không hề có động thái làm dịu tình hình, hoặc nhắc nhở các cá nhân và tập thể vi phạm.

Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương nói: “Sau hiệp 1, với con mắt chuyên môn của người trong nghề, lẽ ra ông Ngọc phải thấy cách điều hành trận đấu của trọng tài Trọng Thư như thế nào, vì từ hiệp 1, vị trọng tài này đã có xu hướng gây ức chế cho các cầu thủ Long An”.

“Giá như giữa giờ nghỉ của 2 hiệp, ông trưởng giải làm việc với các giám sát, yêu cầu 2 đội tôn trọng khán giả hơn, yêu cầu trọng tài chấn chỉnh lại cách cầm còi, mọi việc đã không diễn ra với diễn biến ngoài tầm kiểm soát như thế” – chuyên gia Đoàn Minh Xương nói thêm.

Chưa hết, người ta cũng lạ ở chỗ ông trưởng giải V-League Nguyễn Minh Ngọc ngồi ngay phía trước 2 giám sát trận đấu Trần Đắc Thành và giám sát trọng tài Đặng Thanh Hạ, nhưng không hề có động thái nhắc nhở 2 vị giám sát này, khi sự cố xảy ra từ phút 80 của trận CLB TPHCM – Long An, để cảnh báo đội Long An về những án phạt mà họ có thể nhận.

Thành ra, chuyện các quan chức của VPF hay của BTC giải có dự khán các trận cầu tại V-League cũng như không, bởi họ ngồi trên sân chẳng khác bất cứ khán giả thông thường nào, chứ không phải để giải quyết các sự cố khi nó xảy ra, hoặc ngăn ngừa sự cố ngay từ đầu, khi phát hiện có nguy cơ.

Để xảy ra một sự cố lớn, tạo nên vết nhơ chung cho V-League, cho bóng đá Việt Nam trên bình diện quốc tế, như "sự cố Long An", ngoài trách nhiệm của đội bóng, của trọng tài, thì không thể không bàn đến trách nhiệm của đơn vị tổ chức giải, trong đó đặc biệt cần nhắc đến là trách nhiệm của ông trưởng giải.

Kim Điền

Vai trò của ông trưởng giải trong các sự cố tại V-League - 2

Dòng sự kiện: V-League 2017