V-League thất bại về chất lượng và hình ảnh với người hâm mộ

(Dân trí) - Bóng đá là môn thể thao được hâm mộ nhất nước, ngược lại bóng rổ là môn mà đại đa số người Việt Nam trước đây không mê. Ấy thế mà giải vô địch bóng đá quốc gia mỗi lúc một vắng khán giả, trong khi giải vô địch bóng rổ quốc gia lúc này đông đặc người xem!

Ở Việt Nam, bóng đá là môn thể thao vua, không có bất kỳ môn thể thao nào khác tạo hiệu đủ hâm mộ bóng đá nhất thế giới. Ấy thế mà quốc gia vốn hâm mộ bóng đá hàng đầu ấy lại không có nổi một giải vô địch quốc gia đủ sức thu hút người xem.

Cũng ở Việt Nam, bóng rổ không phải là môn được ưa chuộng. Ấy vậy mà cái môn chơi vốn không được nhiều người đam mê vừa nêu, lại có sức hút đáng kinh ngạc với một bộ phận người xem trong vòng 2 năm trở lại đây.

Có nghĩa là người dân trong nước không hề chán thể thao, người dân tại các đô thị lớn cũng chưa hề chán đến các sân đấu thể thao như lo ngại (bằng chứng là hầu hết các đội bóng rổ nhà nghề hiện tại đều thuộc các thành phố lớn: Sài Gòn Heat, Hồ Chí Minh City Wings, Hà Nội Buffaloes, Đà Nẵng Dragons). Chỉ có điều khi đến với các tụ điểm tổ chức thể thao, họ được xem gì và phục vụ như thế nào?

V-League giờ không còn hấp dẫn với khán giả trong nước (ảnh: Trọng Vũ)
V-League giờ không còn hấp dẫn với khán giả trong nước (ảnh: Trọng Vũ)

Đấy chính là khác biệt cơ bản giữa bóng rổ - môn không được hâm mộ nhưng đang thu hút người xem, và bóng đá – môn thể thao số 1 nhưng đang ngày một đánh mất khán giả. Việc giải vô địch bóng đá quốc gia (tức giải V-League) đánh mất người xem vì thế chỉ có thể trách chính những người quản lý giải đấu, những người quản lý bóng đá nội, khi họ tự đánh mất lợi thế của môn thể thao vua.

Những người quản lý giải V-League thỉnh thoảng lại cứ bảo những hình ảnh và thông tin không hay về bóng đá Việt Nam, về V-League xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, khiến cho hình ảnh của giải đấu mất giá, khiến cho khả năng kêu gọi tài trợ khó khăn hơn.

Tuy nhiên, nói thế là không sòng phẳng, và cũng không chỉ đúng nguyên nhân cơ bản của vấn đề. Báo chí chỉ làm nhiệm vụ thông tin, thực tế của V-League như thế nào, của bóng đá Việt Nam ra sao, thì báo chí chỉ phản ánh lại như thế.

Còn vì sao V-League kém chất lượng, kém sức hút và kém cả khả năng kêu gọi tài trợ thì phải hỏi lại chính những nhà quản lý V-League, cao hơn nữa là những nhà quản lý bóng đá nội.

Một khi V-League không thể thu hút khán giả, việc đầu tiên lẽ những nhà quản lý giải đấu và những người quản lý bóng đá Việt Nam phải xem lại chất lượng của giải đã tốt chưa? Tính cạnh tranh đã đủ sòng phẳng để đáp ứng yêu cầu của người xem hay chưa? Khâu truyền thông, quảng bá về giải như thế nào? – Thay vì quay sang trách các phương tiện thông tin đại chúng, vốn chắc chắn không thể phản ánh sự việc theo kiểu “chuyện không nói có”.

V-League kém chất lượng có lẽ là điều không cần phải nhắc lại. Vấn đề khác khiến cho giải đấu không đủ sức hấp dẫn người xem còn ở chỗ khâu truyền thông cũng kém. So với bộ phận làm truyền thông của giải bóng rổ nhà nghề Việt Nam (VBA), thì bộ phận làm truyền thông của V-League kém xa, dù giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam mang tiếng có website riêng, kênh truyền hình trực tuyến riêng.

Đừng quên rằng khâu truyền thông là một trong những khâu quan trọng nhất của mọi đơn vị tổ chức sự kiện giống như BTC giải V-League bây giờ. Không làm tốt khâu đấy, V-League không tài nào kết nối với các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như không thể tương tác với khán giả.

Nắm trong tay lợi thế là quản lý giải đấu quan trọng nhất thuộc hệ thống thi đấu quốc gia của môn thể thao vua, nhưng V-League càng được tổ chức thì lại càng mất khán giả, khiến người ta tự hỏi những chuyến đi học tập kinh nghiệm làm bóng đá chuyên nghiệp hàng năm của đơn vị tổ chức V-League, vốn cực kỳ xa xỉ từ Đông sang Tây đã thu lại được những gì? V-League thu lại gì từ khâu tổ chức, từ mô hình bóng đá chuyên nghiệp, cho đến kỹ năng phát triển truyền thông, hình ảnh của giải đấu?

Kim Điền

V-League thất bại về chất lượng và hình ảnh với người hâm mộ - 2