Kết thúc lượt đi mùa giải V-League 2011
V-League: Sân chơi không dành cho các ông thầy ngoại
(Dân trí) - Ở năm thứ 11 của giải bóng đá chuyên nghiệp, V-League đã có những bước phát triển đáng kể. Chất lượng giải đấu đang được cải thiện, nhưng cơ hội làm việc trên sân V-League dường như lại không ủng hộ cho các ông thầy ngoại…
ĐT Long An vẫn là đội bóng tin tưởng tuyệt đối vào uy của thầy ngoại nhất V-League, chẳng thế mà từ cuối năm 2010 đến nay đội bóng “cựu vương” này lần lượt thay đổi đến 3 HLV ngoại. Trong số này, Marcelo và McMenemy đều là những người được đánh giá cao về chuyên môn. Nhưng ở V-League, chỉ riêng tài năng vẫn không đủ để tồn tại.
Khi ĐT Long An còn đặt dưới bàn tay HLV Marcelo, đội bóng này từng “làm mưa làm gió” bằng việc loại bỏ hàng loạt đối thủ mạnh để giành chức vô địch BTV Cup 2010. Nhưng cuối cùng ông thầy người Argentina vẫn lựa chọn giải pháp ra đi trước ngày khai mạc, khi nhận ra mình không có được quyền năng giống như các đồng nghiệp ở những nền bóng đá phát triển.
Với tham vọng giành lại vinh quang sau 2 năm rơi vào cảnh trắng tay, B. Bình Dương đã mời HLV Ricardo, người có bản CV từng là ê kíp trợ lý cho người đặc biệt Mourinho và từng giúp ĐT Long An tạo ra một cuộc lột xác mạnh mẽ mùa giải 2010. Về với đội bóng mang danh “Chelsea Việt Nam”, ông thầy người Bồ Đào Nha khiến nhiều đồng nghiệp khác phát thèm khi sở hữu một dàn sao nội - ngoại như: Thế Anh, Vũ Phong, Philani, Leandro, Lee Nguyễn, Anh Đức, Josphep…
Nhưng ít người biết rằng, cựu “phó tướng” của Mourinho gần như không có quyền can thiệp vào chính sách chuyển nhượng của B. Bình Dương. Tất thảy mọi việc lựa chọn đều do bộ phận chuyên môn CLB đảm nhận, HLV Ricardo chỉ có nhiệm vụ lắp ghép từng ngôi sao để tạo ra bộ khung vững mạnh hướng đến cuộc hành trình đòi lại ngôi “vương”.
Có sự phục vụ của nhiều ngôi sao, nhưng để kết nối các ngôi sao đầy cá tính ấy thành một tập thể theo yêu cầu của lãnh đạo lại chẳng hề đơn giản với ông Ricardo. Phải mất tới gần nửa chặng đua lượt đi, vị HLV người Bồ Đào Nha mới tìm ra được công thức dùng cùng lúc 2 ngôi sao Leandro - Lee Nguyễn trong đội hình. Tuy nhiên, khi đội hình chưa kịp gặt hái thành công, rạn nứt nội bộ đã lại xuất hiện.
Tính cách thẳng thắng chuyên nghiệp, thẳng thắn của HLV Ricardo là nguyên nhân gây “mất lòng” nhóm cầu thủ công thần, còn B. Bình Dương càng thi đấu càng bết bát theo một cách khó lý giải. Khi cựu GĐĐH được mời trở lại, tình hình nội bộ dần được cải thiện khá hơn nhưng HLV Ricardo vẫn là người ra đi.
Ở HA Gia Lai, Dusit từng sắm vai là một “công thần” khi góp sức lớn cùng với người đồng hương Kiatisuk đưa đội bóng Phố núi giành 2 chức Vô địch V-League 2003-2004. Khi treo giày, cựu danh thủ người Thái lại miệt mài cống hiến cho HA Gia Lai và sẵn sàng lao vào “đóng thế” khi cần.
Giành được niềm tin của “bầu” Đức và được phần lớn cầu thủ nể phục, nhưng cuối cùng thành công vẫn là thứ xa lạ với HLV Dusit. Tính cách hiền lành, ngại va chạm rất Dusit đôi khi trở thành thứ rào cản vô hình khiến ông thầy trẻ người Thái để quá nhiều người xen vào công việc của mình, còn đội bóng thì ngày càng trượt dốc nên việc chia tay là điều tất yếu phải đến mà thôi.
Hiện tại V-League chỉ còn lại 2 ông thầy ngoại hành nghề là Mauricio Luis (Hà Nội ACB), McMenemy ( ĐT Long An). Nhưng xem ra cơ hội để cho các ông thầy trẻ này đưa đội bóng của mình trụ hạng thành công là rất mong manh, nhất là khi lãnh đạo của họ chẳng có động thái đầu tư nhằm tìm kiếm sự sống.
Phần lớn các ông thầy ngoại xuất hiện ở Việt Nam đều đến từ những nền bóng đá mạnh và chuyên nghiệp. Tuy nhiên, chừng đó vẫn chưa phải là những điều kiện “đủ” giúp họ gặt hái thành công trong môi trường V-League đầy quyết liệt và cũng có vô số phức tạp khó định nghĩa!.
Quang Vinh