Từ Falcao tới Shevchenko: 10 “siêu sao” thất bại tại Premier League
(Dân trí) - Từng gây dựng được danh tiếng lớn tại đấu trường châu Âu trước khi chuyển tới Premier League, nhưng các cầu thủ sau đây đều không có được thành công ở xứ sương mù.
10. Deco
Chelsea hẳn nghĩ rằng họ trúng số độc đắc khi mua được Deco từ Barcelona trong hè 2008, cầu thủ gốc Brazil ra mắt ấn tượng và giành giải thưởng Cầu thủ xuất sắc nhất tháng trong lần đầu tiên xuất hiện ở Premier League.
Tuy nhiên, Deco dần sa sút và cho thấy anh không còn đủ sức để chinh chiến đỉnh cao tại đấu trường châu Âu. Thi đấu 43 trận trong hai mùa giải tại Premier League cùng Chelsea, Deco phải trở lại Brazil thi đấu nốt những năm còn lại trong sự nghiệp cầu thủ.
9. Gerard Pique
Pique có lựa chọn đúng khi trở lại Barcelona năm 2008. Bốn năm khoác áo đội trẻ và đội chính của Man Utd, anh chỉ có tổng cộng 12 trận ra sân tại Premier League.
Khi rời Man Utd, Pique mới chỉ 23 tuổi, nguyên nhân do anh không thể cạnh tranh suất ra sân cùng Rio Ferdinand hay Nemanja Vidic. Tuy nhiên, Man Utd dường như quá khắt khe, bởi trong mùa giải đầu tiên khoác áo Barcelona đoạt cú ăn ba, Pique thi đấu tới 45 trận.
Pique nhanh chóng trở thành trụ cột của hàng thủ ở Barcelona, tuyển Tây Ban Nha hơn một thập niên gần đây, anh gặt hái vô số thành công ở La Liga, Champions League, Euro và World Cup.
8. Diego Forlan
Rất ít tiền đạo đẳng cấp thế giới lại vật lộn với thể chất của Premier League, nhưng điều đó lại xảy ra với Forlan. Tiền đạo người Uruguay chỉ có được 10 bàn thắng tại Premier League trong 63 trận cho Man Utd.
Huấn luyện viên Alex Ferguson từng kiên nhẫn với Forlan, nhưng cũng phải để anh ra đi sau hai năm (2002-2004). Rời Premier League, Forlan lập tức tỏa sáng để trở thành “sát thủ” xuất sắc hàng đầu châu Âu. Thật khó tin anh tới hai lần giành Chiếc giày vàng châu Âu và Quả bóng vàng World Cup 2010.
7. Jerome Boateng
Trước khi trở thành trụ cột của hàng thủ của Bayern Munich, cùng đội bóng này giành mọi danh hiệu từ trong nước tới châu Âu, thế giới, Jerome Boateng từng có một năm buồn bã ở Man City.
Đội bóng thành Manchester chiêu mộ Boateng từ Hamburg năm 2010, nhưng họ lại không lắng nghe yêu cầu được chơi ở vị trí trung vệ của cầu thủ người Đức mà đẩy anh ra cánh trái.
Boateng chỉ có được 16 trận đấu ở mùa giải 2010/11 và Man City nhanh chóng đẩy anh trở lại Đức. Đó là cơ hội để Boateng trở thành một trong những trung vệ xuất sắc nhất trong thập niên vừa qua. Anh có 7 chức vô địch Bundesliga, 1 Champions League cùng Bayern Munich, anh cũng là trụ cột của tuyển Đức vô địch World Cup 2014.
6. Bastian Schweinsteiger
Schweinsteiger giành được tất cả các danh hiệu quan trọng cùng Bayern Munich, anh thuộc thế hệ vàng của tuyển Đức đã vô địch World Cup 2014, vào chung kết Euro 2008.
Năm 2015, Schweinsteiger tới Man Utd khi 31 tuổi, dù không còn ở đỉnh cao phong độ nhưng cầu thủ người Đức vẫn được kỳ vọng sẽ giúp “Quỷ đỏ” gia cố tuyến giữa.
Tiếc rằng Schweinsteiger lại đánh mất chính mình, đánh mất cả khát khao chơi bóng, anh chỉ ra sân có 18 trận ở Premier League. Schweinsteiger khiến Man Utd phải để anh ra đi tự do vào đầu năm 2017.
5. Juan Sebastian Veron
Tài năng lớn của bóng đá Argentina cuối những năm 90 thế kỷ trước và những năm đầu 2000, Veron tạo dựng lên tuổi ở Serie A trước khi chuyển tới Man Utd vào năm 2001 với giá chuyển nhượng 28.1 triệu bảng. Đáng tiếc tiền vệ trung tâm người Argentina lại không thể hiện được phong độ như kỳ vọng.
Kết thúc hai năm không thành công ở Man Utd, Veron chuyển tới Chelsea khi đội bóng thành London đổi chủ, nhưng ở Chelsea, anh còn tệ hơn. Bốn năm gắn bó với Chelsea, trong đó có 3 mùa được đem cho đội bóng khác mượn, Veron thi đấu chính thức có 7 trận cho The Blues trước khi ra đi khi hết hợp đồng.
4. Robinho
Có thể cầu thủ người Brazil không đạt đến đẳng cấp của một cầu thủ có thể cạnh tranh Quả bóng Vàng, nhưng chí ít anh cũng là một tài năng lớn, một cầu thủ từng được Real Madrid coi trọng.
Robinho là “bom tấn” của Man City khi đội bóng thành Manchester được các tỷ phú Arab mua lại năm 2008. Mùa giải đầu tiên Robinho ghi được 15 bàn thắng cho Man City, nhưng anh bắt đầu chìm dần và làm quen với băng ghế dự bị.
Sau nửa đầu mùa giải 2009/10 thường xuyên ngồi dự bị, Robinho trở về Santos vào đầu năm 2010 theo dạng cho mượn và chính thức rời Man City tới AC Milan vào hè 2010.
3. Angel Di Maria
Vài tháng trước khi tới Man Utd, Di Maria vô địch Champions League cùng Real Madrid, anh cũng vào chung kết World Cup 2014 cùng tuyển Argentina. Bản lý lịch quá đẹp của Di Maria khiến Man Utd phải chi tới 59.7 triệu bảng, mức phí kỷ lục của câu lạc bộ thành Manchester.
Di Maria khởi đầu tốt cùng Man Utd, nhưng nhanh chóng rơi vào bế tắc. Chỉ có 10 lần kiến tạo và 3 bàn thắng trong mùa giải 2014/15, Di Maria bị Man Utd đẩy khỏi Old Trafford chỉ sau một năm, “Quỷ đỏ” chấp nhận lỗ 15 triệu bảng phí chuyển nhượng.
2. Radamel Falcao
Khi Falcao gia nhập bóng đá Anh năm 2015, người hâm mộ chờ đợi sự tỏa sáng của một ngôi sao tấn công đang được đánh giá ở top hay nhất thế giới, tuy nhiên thật khó tin Falcao lại hoàn toàn mờ nhạt trong một mùa giải ở Man Utd và mùa giải tiếp theo ở Chelsea.
Falcao chỉ ghi được 4 bàn thắng cho Man Utd, trong khi chỉ ghi được một bàn cho Chelsea. Anh kết thúc quãng thời gian ở Anh theo cách không thể tệ hơn. Điều lạ kỳ ở chỗ, khi trở về Monaco, Falcao lại tìm thấy “bản năng sát thủ”.
1. Andriy Shevchenko
Quả bóng vàng 2004 giành được mọi danh hiệu cao quý cùng AC Milan, anh trở thành mục tiêu theo đuổi của Chelsea sau khi đội bóng thành London được tỷ phú Roman Abramovich mua lại.
Sheva tới Chelsea năm 2006 với vị thế của một cầu thủ đẳng cấp thế giới, nhưng anh không thể thích nghi với bóng đá Anh. Thi đấu 48 trận, chỉ ghi được 9 bàn, Sheva phải trở lại Italia chỉ hai năm ở London. Sự nghiệp của Sheva đi xuống từ đó, anh giải nghệ năm 2012 trong màu áo đội bóng cũ Dinamo Kiev.
Hạo Minh