Trọng tài làm dậy sóng V-League và mối quan hệ với Ban tổ chức giải
(Dân trí) - Giữa vòng 8 V-League, thường trực VFF có công văn yêu cầu Ban trọng tài chấn chỉnh đội ngũ “vua sân cỏ”. Trọng tài đúng là đang làm cho giải đấu dậy sóng, nhưng lỗi không chỉ riêng ở khâu trọng tài.
Chiều 6/7, VFF có công văn gửi đến Ban trọng tài đề nghị chấn chỉnh công tác trọng tài tại V-League, có hình thức kỷ luật nghiêm khắc trọng tài, giám sát trọng tài mắc sai sót nghiêm trọng.
Ngoài ra, VFF cũng nhắc Ban trọng tài bổ nhiệm, phân công trọng tài làm nhiệm vụ ở các trận đấu chính xác hơn, đúng với quy trình của VFF và theo năng lực của trọng tài, phù hợp với tính chất của từng trận đấu.
Đây đều là các nhắc nhở đúng, đánh trúng vào các khâu yếu nhất của công tác trọng tài, như năng lực chuyên môn và niềm tin của giới “vua sân cỏ” vẫn bị nghi ngờ, công tác phân công trọng tài nhiều bất cập.
Đặc biệt, công văn này được phát đi chỉ 1 ngày sau trận đấu nhiều tranh cãi trên sân Tam Kỳ, khi trọng tài Nguyễn Minh Thuận công nhận pha ghi bàn gây tranh cãi của các cầu thủ Quảng Nam, đồng thời từ chối một tình huống phạt đền mà SL Nghệ An cho rằng họ xứng đáng được hưởng, khi thủ môn đội Quảng Nam va chạm với tiền đạo đội SL Nghệ An trong khu vực 16m50, ngăn chặn pha đi bóng của cầu thủ này.
Trước đó nữa, nhiều sự cố khác xảy ra ở các vòng đấu liên tiếp, trong đó có cả sự cố thay… nhầm người, cho thấy trọng tài V-League không chỉ bị nghi ngờ về mặt chuyên môn hay tư tưởng, mà còn yếu cả về mặt… kỹ thuật, lộ sự chủ quan khi đang làm nhiệm vụ.
Nếu công tác trọng tài cứ tiếp diễn như thế này, khiến cho các đội bóng rơi vào cảnh bán tín bán nghi khi nhìn về đội ngũ “cầm cân nẩy mực”, giải đấu rất dễ sinh chuyện.
Nhưng ở góc độ ngược lại, cũng phải đề cập thêm chuyện Ban điều hành giải và đơn vị tổ chức giải đấu đã làm được gì để hỗ trợ các trọng tài một cách thiết thực nhất?
Trọng tài V-League mấy năm gần đây bị đánh giá là yếu, nhưng càng yếu thì họ càng cần có và nên có các công cụ hỗ trợ.
Cả thế giới bóng đá chuyên nghiệp trong thời đại 4.0 đều đã tiến lên sử dụng công nghệ video hỗ trợ trọng tài (VAR), trước đó nữa là công nghệ Goal-line để xác định tình huống bóng đã qua vạch vôi khung thành hay chưa? – Riêng bóng đá Việt Nam dường như vẫn còn rất xa công nghệ ấy, chưa biết bao giờ có thể áp dụng được?!
Dư luận trong nước bây giờ hầu như không muốn nghe lý do nữa, người ta chỉ cần biết đến kết quả, vì lý do thì muôn trùng, trong khi kết quả chỉ có một và chỉ một! Trong khi đó, lời hứa sẽ áp dụng VAR cho V-League từ phía VPF nếu không có giải pháp đột phá ở chính tổ chức này, thì e rằng đến hết nhiệm kỳ công tác của bộ máy chóp bu ở VPF hiện nay, có khi vẫn chỉ mãi là… hứa!
Thử hình dung nếu có công nghệ VAR, làm gì có cảnh tranh cãi phạt đền hay không phạt đền trong tình huống Phan Văn Đức (SL Nghệ An) va chạm với thủ môn Phạm Văn Cường của đội Quảng Nam, như nêu ở trên.
Giả sử nếu có công nghệ Goal-line, làm gì có chuyện V-League phải dậy sóng vì quyết định gây tranh cãi bàn thắng hay không bàn thắng cũng trong trận Quảng Nam – SL Nghệ An vừa nêu, để đến mức đội bóng xứ Nghệ phải đề nghị BTC giải xem lại băng hình.
Và nếu có các công nghệ vừa nêu, giới trọng tài muốn “ngả”, muốn “nghiêng” cũng khó. Đấy không chỉ là các công cụ hỗ trợ cho giới trọng tài, mà còn là công cụ để cấp trên của giới trọng tài giám sát chính đội ngũ này!
Khiến cho V-League dậy sóng, trọng tài dĩ nhiên có lỗi, nhưng lỗi không thuộc về một mình giới trọng tài, trong khi công văn của VFF vẫn chưa thể hiện hết điều đó, cũng khó mà giải quyết đến tận gốc những nghi ngại của dư luận bóng đá trong nước về công tác trọng tài trong thời gian tới!
Đấy là chưa kể đơn vị tổ chức giải đấu là VPF và thường trực VFF hiện tuy hai mà một, yêu cầu chấn chỉnh đội ngũ trọng tài nhưng quên mất phần trách nhiệm của chính mình thì e rằng hơi… lơ đễnh!
Kim Điền