Tranh cãi không hồi kết về công nghệ VAR và lịch sử luật bóng đá

Kim Anh

(Dân trí) - Hệ thống VAR gây ra quá nhiều tranh cãi. Kể cả những giải đấu hàng đầu, với sự trang bị công nghệ tối tân nhất, hệ thống này luôn tiềm ẩn nguy cơ phạm sai lầm.

Hiểu đúng về công nghệ VAR

Khái niệm công nghệ Video assistant referee (Video hỗ trợ trọng tài - VAR) bắt đầu phổ biến từ những năm cuối thập niên 2010 và đến nay được áp dụng rộng rãi tại các giải bóng đá. Tại Việt Nam, sau thời gian thử nghiệm ở giai đoạn cuối V-League 2023, đến mùa giải 2023-24, VAR đã được áp dụng rộng rãi.

Mục đích của VAR là giảm thiểu tối đa sai sót của trọng tài điều khiển trên sân và đem đến sự công bằng, minh bạch cho các trận đấu. Tuy nhiên, cho đến nay sự hiện diện của VAR vẫn gây ra nhiều tranh cãi.

Tranh cãi không hồi kết về công nghệ VAR và lịch sử luật bóng đá - 1

Công nghệ VAR được áp dụng rộng rãi ở V-League hai mùa giải gần đây (Ảnh: Mạnh Quân).

Ngay cả những giải đấu hàng đầu với sự hỗ trợ từ công nghệ tối tân bậc nhất vẫn xảy ra sự cố và thậm chí xứng đáng bị gọi là bê bối. Đơn cử như tình huống bàn thắng bị từ chối của Luiz Diaz trong trận đấu Liverpool - Tottenham tại Premier League ngày 3/10 năm ngoái.

Chia sẻ quan điểm cùng Dân trí, chuyên gia Steve Darby cho biết: "Ban đầu tôi cũng ủng hộ VAR vì nghĩ rằng VAR sẽ giảm thiểu nguy cơ trọng tài thao túng kết quả trận đấu vì ý đồ xấu. Có VAR, trọng tài rất khó "điều chỉnh" kết quả trận đấu.

Nên nhớ rằng, trọng tài thường là người hưởng lương thấp nhất trên sân nhưng lại có quyền lực lớn nhất. Bởi vậy, họ trở thành mục tiêu mua chuộc của giới cá cược và dàn xếp tỷ số. Tuy nhiên, sau khi chứng kiến những sự cố từ VAR, tôi đã thay đổi quan điểm.

VAR khiến trận đấu bóng đá vơi đi ít nhiều sự hấp dẫn. Tranh cãi sẽ vẫn tồn tại nhưng phải tốn kém hơn. Bản thân tôi bây giờ cho rằng VAR không đáng để đầu tư. Công nghệ vạch cầu môn (công nghệ Goal-line - Goal-line technology) hiệu quả hơn vì hoàn toàn "khách quan", còn khi đã phải xem xét thì đã không còn "khách quan" nữa!".

Thực tế, VAR gây tranh cãi ngay từ tên gọi. Tên gọi phổ biến tại Việt Nam là "công nghệ VAR", nhưng cái tên này không thể hiện đúng bản chất vấn đề. VAR là khái niệm về hệ thống, về quy trình chứ không hề phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ như công nghệ vạch cầu môn.

Tranh cãi không hồi kết về công nghệ VAR và lịch sử luật bóng đá - 2

Công nghệ VAR đã gây ra không ít tranh cãi trong lịch sử bóng đá (Ảnh: Mạnh Quân).

Quy trình sẽ là Tổ trợ lý Trọng tài phụ trách VAR (assistant video assistant referee - AVAR) chủ động kiểm tra các quyết định của tổ trọng tài điều khiến trận đấu. Có 4 kiểu tình huống VAR được quyền xem xét là xác định bàn thắng hợp lệ hay không; quyết định thổi phạt đền; quyết định rút thẻ đỏ trực tiếp và việc nhầm lẫn trong rút thẻ của trọng tài chính.

Nếu VAR không phát hiện sai sót thì không cần thiết phải liên lạc với trọng tài. Nếu VAR phát hiện sai sót thì sẽ liên lạc với trọng tài chính để cân nhắc.

Trọng tài sau đó có thể đưa ra một trong ba quyết định: thay đổi quyết định theo lời khuyên của VAR; thực hiện xem xét hình ảnh trên sân (on-field review - OFR) bằng cách di chuyển tới một màn hình bên đường biên dọc; giữ nguyên quyết định ban đầu và không thực hiện OFR.

Triết lý hoạt động của VAR là "can thiệp tối thiểu, lợi ích tối đa". Tuy nhiên, từ lý thuyết đến thực tiễn hoàn toàn khác xa!

Lịch sử của luật bóng đá

Trong tiến trình trở thành môn thể thao hấp dẫn nhất hành tinh, thậm chí nhiều quốc gia còn ví như một tôn giáo, sự phổ biến của bóng đá có đóng góp to lớn và thầm lặng của những nhà làm luật.

Luật bóng đá (Laws of the Game) ra đời vào năm 1863, được soạn thảo và công bố bởi Liên đoàn bóng đá Anh (FA). Mục đích chính là tạo ra bộ quy tắc chung cho môn bóng đá. Từ năm 1886 đến nay, Luật bóng đá được quản lý chính thức bởi International Football Association Board (IFAB).

Tranh cãi không hồi kết về công nghệ VAR và lịch sử luật bóng đá - 3

Nhiều đội bóng ở Anh từng phản đối quyết liệt sự hiện diện của công nghệ VAR (Ảnh: Getty).

150 năm tồn tại, Luật bóng đá được sửa đổi nhiều lần, bao gồm những điều chỉnh mang tính cách mạng giúp môn thể thao này ngày càng hấp dẫn, đẹp mắt, công bằng và minh bạch. Đơn cử như luật việt vị.

Ban đầu Luật bóng đá sao chép theo luật việt vị nghiêm ngặt của bóng bầu dục (Rugby). Cụ thể, một cầu thủ không bị việt vị (onside) nếu giữa cầu thủ này và khung thành đối phương có ít nhất 3 cầu thủ đối phương, nôm na đứng trên 3 cầu thủ đối phương trở lên.

Vì luật việt vị nghiêm ngặt như vậy, các cầu thủ tấn công hầu như chỉ còn phương án duy nhất khi có bóng là đột phá, đồng nghĩa việc đội phòng ngự khá dễ dàng đặt bẫy việt vị và hệ quả là các trận đấu trở nên nhàm chán vì thiếu bàn thắng.

Năm 1925, các nhà làm luật nhận thấy sự bất cập và nới lỏng luật việt vị bằng cách bớt đi "một cầu thủ đối phương". Theo đó, cầu thủ không bị việt vị nếu đứng trên 2 cầu thủ đối phương. Điều chỉnh này giúp tăng các phương án chuyền bóng phối hợp tấn công. Ít lâu sau, sơ đồ huyền thoại WM của HLV Herbert Chapman ra đời.

Bên cạnh luật việt vị, sự ra đời của thẻ phạt (thẻ đỏ và thẻ vàng) lấy cảm hứng từ một lần dừng đèn đỏ của vị trọng tài Ken Aston cũng là phát kiến hữu ích, giúp hạn chế hành vi chơi xấu của các cầu thủ trên sân.

Hoặc năm 1992, luật cấm thủ môn bắt bóng từ đường chuyền về của đồng đội đã buộc các đội bóng phải đưa bóng lên phía trên nhiều hơn, đồng nghĩa tốc độ trận đấu tăng lên đáng kể.

Để dễ hình dung, nếu thủ môn được phép bắt bóng trong các tình huống chuyền về của đồng đội, chiến thuật gegen-pressing (phản công tổng lực) trở nên vô ích và chiến thuật bóng đá không thể có những bước phát triển rực rỡ như ngày nay.

Tranh cãi không hồi kết về công nghệ VAR và lịch sử luật bóng đá - 4

Công nghệ VAR đã gây ra phản ứng mạnh mẽ ở trận đấu Liverpool gặp Tottenham ở mùa giải năm ngoái (Ảnh: Getty).

Tất nhiên, bên cạnh những cải tiến, Luật bóng đá thi thoảng cũng… "cải lùi" và rốt cuộc phải có những sửa đổi. Điển hình là Luật bàn thắng vàng được áp dụng vào thập niên 1990, đến nay đã bị bãi bỏ vì khiến cho trận đấu đi vào bế tắc. Đơn giản, không đội bóng nào dám tấn công trong thế thủng lưới là bị loại.

Một luật khác cũng bị bãi bỏ vì thiếu hiệu quả là quy định thủ môn chỉ được phép bước 4 bước khi cầm bóng. Quy định này được thay bằng "quy tắc 6 giây", tức thủ môn không được ôm bóng quá 6 giây.

Hệ thống VAR có những hiệu quả về mặt số liệu. Đó là hạn chế sai sót của các trọng tài. Tuy nhiên, trên tờ giấy trắng, tất cả đều chú ý đến điểm đen.

VAR không khách quan hoàn toàn như Công nghệ vạch cầu môn, cũng chẳng thể chính xác tuyệt đối trong mọi tình huống và quan trọng hơn hết là hệ thống VAR vẫn có thể mắc sai lầm, chẳng hạn như bàn thắng bị từ chối của Luiz Diaz. Vì thế VAR vĩnh viễn gây tranh cãi.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm