TP.HCM xuống hạng: Hệ quả tất yếu của cách đầu tư nửa vời

(Dân trí) - Cái “chết” của bóng đá TP.HCM được dự báo từ lâu, nhưng người ta vẫn thấy “đau” thật là đau, bất lực đứng nhìn nó cứ diễn ra sờ sờ trước mắt.

Hỏng từ… thượng tầng

 

Lần thứ 2 đổi tên, bóng đá TP.HCM lại phải gánh thêm một nỗi đau rớt hạng. Năm 2002, người Sài Gòn đã phải đắng cay nhìn Cảng Sài Gòn đắm xuống vực sâu. Suốt chiều dài của lịch sử BĐVN, đây cũng chính là đôị bóng làm nên chuyện độc nhất vô nhị khi vừa đoạt chức VĐQG rồi xuống hạng sau đó.

 

6 năm sau, người Sài Gòn thêm một lần phải chứng kiến một cuộc “bể dâu” khác “đứa con cuối cùng” của bóng đá Sài thành - TP.HCM, phải nói lời giã từ với giải đấu cao nhất của BĐVN.

 

Phải thừa nhận rằng, ở trận đấu hạ màn, TP.HCM không phải không có cơ hội tự cứu lấy mình. Thời khắc Mario nâng tỷ số lên 2-1 trên chấm phạt đền, người ta đã mường tượng đến viễn cảnh màu hồng (ít nhất là chiếc vé đi play-off) đã nằm trong tay thầy trò Tuấn “nhím”; nhưng rồi tất cả đã trôi tuột ra sông ra biển. Sau bàn thắng của Mario, TP.HCM mang trên mình bộ mặt khúm núm của kẻ sợ hãi; để rồi sau đó, họ để cho B.BD có bàn thắng thứ 2, thứ 3 và kết liễu số mạng. Người ta bảo, âu đó cũng là một sự sắp đặt hợp lí cho số phận cho bóng đá Thành phố sau bao năm sống lay lắt.
 
 
TP.HCM xuống hạng: Hệ quả tất yếu của cách đầu tư nửa vời - 1

TP.HCM thất bại bởi cách làm bóng đá nửa vời

 

Chiều hôm ấy, ai cũng “đau”, nhưng không có giọt nước mắt nào tiễn đưa như lúc Cảng Sài Gòn “lâm chung”. Có chăng chỉ là làn sóng phẫn nộ, những mũi dùi chĩa về những quan chức của LĐBĐ TP.HCM. Tất cả đều giận dữ, đồng thanh đòi giải tán LĐBĐ Thành Phố.

 

Tất nhiên, giờ có đổ tội cho nhau, cũng chẳng thể giúp TP.HCM sống lại. Song, cũng cần nhìn thẳng vào bản chất vấn đề, để đi tìm lối thoát cho bóng đá Sài Thành.

 

Có thể khẳng định, bao năm qua, thể thao TP.HCM không thiếu nhân tài. Với bóng đá cũng thế, còn gì đau đớn hơn, khi Hữu Thắng, Công Minh, Quang Thanh, Hoàng Vương… những người “tiễn” TP.HCM xuống hạng chính là những đứa con của bóng đá Sài Gòn phải rũ áo ra đi vì không có đất dụng võ.

 

Điều cốt lõi ở đây có lẽ nó nằm ở “thượng tầng kiến trúc” (ở đây chỉ xin bàn đến sự xuống cấp của bóng đá Sài Gòn). Ngót ngét đã 6 năm kể từ ngày Cảng Sài Gòn đặt chân xuống hạng nhất, LĐBĐ TP.HCM, “đầu não” của bóng đá Sài Gòn, kẻ đến người đi, cứ thay đổi xoành xoạch. Ấy vậy mà, tất thảy đều giữ cách tư duy, cách làm kiểu “ăn cây nào rào cây ấy”.
 
 
TP.HCM xuống hạng: Hệ quả tất yếu của cách đầu tư nửa vời - 2

TP. HCM còn rất nhiều việc phải làm để có thể trở lại V-League

 

Và hệ luỵ là TP.HCM đã phải rớt hạng, đau đớn hơn đấy là cái chết được báo động từ cái ngày mới “khai tử” cái tên Cảng Sài Gòn (hay TMN.CSG). Nhưng lạ lùng thay, tất cả đều buông xuôi, bất lực đứng nhìn. Còn nhớ cái cảnh, trước buổi chiều buổi TP.HCM đấu trận cuối, những quan chức của LĐBĐ TP.HCM đều có mặt đông đủ. Họ vẫn vui vẻ nói cười như thể TP.HCM sẽ trụ hạng. Nhưng kết cục, đó là câu chuyện hoang đường, như trong phim viễn tưởng.

 

Họ dửng dưng đến lạ kì, không biết trong số đó có còn ai nhớ đến những lời hứa, những tuyên bố mạnh mồm, những bản kế hoạch hoành tráng, nghe sướng cái lỗ tai trước kì đại hội LĐBĐ TP.HCM, hay không!?

 

Ai “giải cứu” bóng đá TP.HCM

 

Đó là một câu chuyện rất cũ, mà bao năm qua loay hoay mãi mà bóng đá TP.HCM vẫn chưa có được lời giải đáp. Thực tế đã chứng minh rằng, bóng đá Việt Nam bây giờ, đừng đem chuyện tình nghĩa ra nói chuyện, mà nó phải giải quyết bằng tiền, bằng nhiều tiền.
 
 
TP.HCM xuống hạng: Hệ quả tất yếu của cách đầu tư nửa vời - 3

Nỗi buồn rớt hạng của các học trò HLV Lư Đình Tuấn

 

Bóng đá TP.HCM cũng nằm trong dòng chảy ấy; thế nên, chẳng khó hiểu lí do những năm gần đây bóng đá TP.HCM cứ sống lay lắt tại sân chơi V-League. Như mùa bóng năm nay, TP.HCM phải “thắt lưng buộc bụng”, chi tiêu dè xẻn từng xu. Họ không có tiền để giữ chân những cầu thủ có chuyên môn tốt như: Martins Trinade, Aniekan hay Lưu Ngọc Hùng… Họ nghèo đến mức, Tuấn “nhím” đã phải xài những món “hàng thải” như Salatiel, Marcio.

 

Nội binh cũng chẳng khá hơn, cứ nhìn việc HLV họ Lư đã cầu cứu đến “ông lão” đã gần 40 tuổi Hồ Văn Lơi, hay như Lương Trung Tuấn (36 tuổi) mới thấy cám cảnh. Cũng chẳng có đội bóng chuyên nghiệp “bết” như TP.HCM, phải tận dụng những gì có thể miễn sao có giá trị sử dụng, chẳng hạn như Nguyễn Tấn Trung (cựu cầu thủ của ĐMN.SG) được gọi đến kiểm tra, rồi đặt bút kí hiệp đồng với khoảng “lót tay” vẻn vẹn…20 triệu đồng. Mùa này, những người như Trung “ba gà” chính là những trụ cột của TP.HCM.

 

Lạ thay, những nhà làm bóng đá Sài Gòn cứ mãi “kêu gào” việc thiếu tiền, nghịch lí thay, nó lại nằm ở nay Trung tâm kinh tế số 1 Việt Nam. Chắn chắn, bản chất vấn đề không nằm chuyện bóng đá TP.HCM thiếu tiền, mà là vì sao đồng tiền không tiền tới.

 

Rồi đây, sớm muộn các Mạnh thường quân sẽ nhảy vào đầu tư và vực dậy bóng đá Thành phố. Và tất nhiên, tiêu chí hợp tác đôi bên cùng có lợi sẽ được đặt lên hàng đầu. Mà muốn có được điều này, thì LĐBĐ TP.HCM cần phải có những chiến lực ổn định, bài bản và dài hơi. Còn nếu cứ làm ăn…nửa vời nói trên, có lẽ chẳng ai giám “đánh đu” thương hiệu vào những thương vụ như thế.

 

Bài: Thạch Yên
Ảnh: Sơn Dũng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm