1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Thể thao Việt Nam tại Olympic 2016: Dấu ấn Hoàng Xuân Vinh

(Dân trí) - 23 VĐV Việt Nam đã khép lại hành trình của mình ở sân chơi Olympic. Đoàn Việt Nam đã có một kỳ Thế vận hội thành công nhất trong lịch sử, với 1 HCV, 1 HCB. Thế nhưng, đó lại là dấu ấn của cá nhân xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, hay có chăng là của đội tuyển bắn súng.

Thể thao Việt Nam (TTVN) đã thành công về thành tích và thứ hạng, nhưng vẫn có những thất bại cần được mổ xẻ, rút kinh nghiệm.

Lần đầu tiên tham dự Olympic, TTVN đã có HCV. Đó thực sự là một giấc mơ với những nhà quản lý thể thao nước nhà. Trước giờ lên đường, đoàn TTVN chỉ đặt ra mục tiêu phấn đấu có huy chương, tức là có HCĐ cũng là vui rồi. Nhưng Hoàng Xuân Vinh và bắn súng Việt Nam đã biến giấc mơ thành hiện thực. 1 HCV, 1 HCB của Hoàng Xuân Vinh giống như một kỳ tích, bởi lẽ kể từ khi tham dự Thế vận hội, Việt Nam mới chỉ có 2 HCB của Hiếu Ngân (taekwondo, năm 2000) và Anh Tuấn (cử tạ, 2008).


Thành tích của đoàn Việt Nam mang đậm dấu ấn của Hoàng Xuân Vinh

Thành tích của đoàn Việt Nam mang đậm dấu ấn của Hoàng Xuân Vinh

Hai tấm huy chương quý giá của Hoàng Xuân Vinh, giúp Việt Nam gần như chắc chắn nằm trong tốp 50-60 của kỳ Olympic lần này, tức là Việt Nam sẽ đứng trên hơn 100 quốc gia. Đó là điều rất đáng hãnh diện và tự hào.

Hoàng Xuân Vinh về nước trong sự chào đón của biển người. Tiền thưởng dành cho xạ thủ Quân đội vẫn đang tiếp tục tăng lên. Hoàng Xuân Vinh được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, được gặp Thủ tướng, được rất nhiều lãnh đạo cấp cao của Bộ VH, TT&DL, Bộ Quốc phòng, đoàn thể thao Quân đội, Tổng cục TDTT… khen ngợi. Tất cả đều xứng đáng với những gì mà xạ thủ sinh năm 1974 đã làm ở Olympic.

Như đã nói ở trên, Hoàng Xuân Vinh đã giúp Việt Nam lần đầu có mặt trong tốp 60 Olympic. Đoàn Việt Nam đã có một kỳ Thế vận hội thành công và chắc chắn trong những ngày tới, các lãnh đạo ngành thể thao sẽ có những bản báo cáo màu hồng với lần ra “biển lớn” lịch sử.

Không thể phủ nhận và thực sự đáng khen ngợi với thành công của đoàn Việt Nam, nhưng thực ra chiến công này chủ yếu là do dấu ấn cá nhân của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh cũng như đội tuyển bắn súng. Đoàn Việt Nam vẫn có quá nhiều những thất bại ở sân chơi số 1 hành tinh, hầu hết đều không vượt qua chính mình.

Nguyễn Thị Như Hoa (kiếm 3 cạnh) lĩnh ấn tiên phong cho đoàn TTVN ở Olympic 2016. Dù đã thi đấu rất cố gắng nhưng VĐV này đã phải nhận thất bại 7-15 trước đối thủ người Pháp. “Độc cô cầu bại” Văn Ngọc Tú (judo) sau khi may mắn vượt qua đối thủ ở vòng 1 vì không bị trọng tài trừ nhiều điểm (cả hai cùng bị trừ điểm vì không ra đòn), đã thua chóng vánh ở vòng 2 với đòn Ipon.

Ở môn TDDC, dù được kỳ vọng có huy chương nhưng cả hai VĐV hàng đầu là Phan Thị Hà Thanh và Phạm Phước Hưng của Việt Nam đều thi đấu không thành công. Được biết, trước khi thi đấu, hai VĐV này đều bị chấn thương, nên thất bại nằm trong dự đoán.


Nhiều vận động viên Việt Nam chưa đạt đến đỉnh cao phong độ tại Olympic 2016

Nhiều vận động viên Việt Nam chưa đạt đến đỉnh cao phong độ tại Olympic 2016

Niềm hy vọng huy chương lớn nhất của đoàn TTVN trước giờ là Thạch Kim Tuấn chỉ vượt qua mức cử giật 130 kg, thất bại ở mức 133 kg. Còn ở cử đẩy, anh thất bại trong cả 3 lần nâng tạ với 2 mức 157 kg và 160 kg. Chấn thương và đặc biệt là vấn đề tâm lý của Thạch Kim Tuấn được nhiều người chỉ ra. Được biết, phía bộ môn cử tạ đã nhận trách nhiệm về thất bại của Thạch Kim Tuấn.

Kình ngư Ánh Viên cũng có một kỳ Olympic không thành công, dù mục tiêu của cô chỉ là phấn đấu vào chung kết ở 1 nội dung và vượt lên chính mình. Thế nhưng, ngoài nội dung 400m hỗn hợp phá kỷ lục SEA Games (đứng thứ 9 vòng loại) là thành tích đáng kể nhất, 2 nội dung còn lại đều không đạt, thậm chí thấp hơn nhiều so với chính mình. Ánh Viên sẽ được đầu tư để hướng tới ASIAD 2018 và Olympic 2020 và có thể đó mới là lúc VĐV này mới có khả năng tranh chấp huy chương.

Ở các VĐV khác ở điền kinh, đua thuyền, vật… TTVN đều “rơi rụng” ngay từ những vòng đầu. Những thất bại đó cho thấy trình độ của Việt Nam vẫn còn thua xa các đối thủ thế giới. Tất nhiên các VĐV đều đã cố gắng hết sức và họ luôn thi đấu vì màu cờ sắc áo, nhưng trong thể thao, chiến thắng cũng là điều quan trọng. Nói cách khác, thành công của mỗi quốc gia, chỉ được bạn bè thế giới biết đến là những tấm huy chương.

Dấu ấn của Hoàng Xuân Vinh đã giúp TTVN có một kỳ Olympic thành công, nhưng sự thành công ấy chưa trọn vẹn khi các môn khác hầu hết đều thất bại. Hy vọng sau Thế vận hội 2016, TTVN sẽ được quan tâm hơn, có một chiến lược phát triển phù hợp và đúng hướng, để thành công trên diện rộng chứ không chỉ ở 1-2 VĐV.

Hà Nguyên

Dòng sự kiện: Olympic Rio 2016