Thế giới xử lý như thế nào với nạn pháo sáng trên sân bóng?
(Dân trí) - Thường thì những CĐV thích đốt pháo sáng khi xem bóng đá là những CĐV thuộc dạng quá khích. Và khi hành động đốt pháo sáng của họ không được nghiêm trị đến nơi đến chốn, từ những vụ quậy phá nhỏ, có thể dẫn đến những hành vi mang mức độ phá hoại lớn!
Nhiều năm trước, giải vô địch quốc gia Italia Serie A là giải đấu hay nhất hành tinh, quy tụ nhiều ngôi sao từ khắp thế giới, đến mức từng được ví là “World Cup mini”.
Pháo sáng cũng là một trong những đặc sản của Serie A cách nay nhiều năm. Nhưng càng về sau này, mức độ quậy phá của các CĐV quá khích bằng pháo sáng càng lớn, khiến cho giải đấu trở nên mất an toàn, các ngôi sao dần bỏ Calcio Serie A.
Một trong những sự cố pháo sáng nổi cộm nhất trên sân cỏ Italia xảy ra tại Champions League mùa giải 2004/2005, trong trận tứ kết lượt về giữa AC Milan và Inter Milan.
Sau khi phía Inter bị từ chối một bàn thắng, CĐV quá khích của Nerazzuri bắt đầu ném pháo sáng như mưa xuống sân, khiến trận đấu gián đoạn.
Một trong những quả pháo sáng ấy rơi trúng vào vai của thủ thành Dida bên phía Milan, gây chấn thương cho thủ môn này. Trận đấu kết thúc với chiến thắng 1-0 của AC Milan trước Inter Milan, nhưng sau đó UEFA xử thua Inter đến 0-3 và bị phạt tiền.
Chính quả pháo sáng năm đó buộc bóng đá Italia nói riêng và chính quyền nói chung vào cuộc mạnh mẽ hơn, bởi họ hiểu rằng không thể dung túng hoặc thờ ơ với hành vi phá hoại này nữa, trước khi pháo sáng bị cấm tiệt trên sân cỏ Italia từ thời điểm đó.
Croatia từng bị phạt rất nặng vì để CĐV ném pháo sáng xuống sân ở vòng loại Euro 2016
Cũng vì những quả pháo sáng mà sân cỏ Italia được xem là kém văn minh hơn so với sân cỏ Anh hoặc Đức. Luôn có sự ngăn cách giữa các khán đài và mặt cỏ ở các sân bóng Italia thời đó, vì lo ngại các CĐV quá khích tấn công các cầu thủ, trong khi ở Anh và ở Đức, các khán đài nằm sát với sân cỏ, tạo nên cảm giác gần gũi hơn.
Giá trị thương mại của Serie A vì thế cũng suy giảm, khiến cho giải đấu này càng về sau càng thua sút giải Bundesliga ở Đức hoặc Premier League ở Anh. Mà giá trị thương mại giảm, tức nguồn thu của các CLB, năng lực thu hút cầu thủ giỏi cũng giảm theo, kéo theo chất lượng các đội bóng ở Serie A sau này của thua sút so với các nền bóng đá khác thuộc nhóm đầu châu Âu.
Năm 2014, trong trận đấu thuộc vòng loại Euro 2016 giữa Italia và Croatia trên sân San Siro ở Milan (Italia), pháo sáng một lần nữa xuất hiện, lần này là từ phía các CĐV đội khách Croatia, họ liên tục ném xuống sân, nhằm vào thủ môn Buffon của đội chủ nhà.
Ở châu Á, Malaysia là nơi mà CĐV thích làm loạn bằng pháo sáng nhất
Và thường thì những kẻ tích cực nhất với pháo sáng là những phần tử cực đoan nhất
Trận đấu kết thúc trong sự hỗn loạn, do va chạm giữa cảnh sát Italia và CĐV quá khích Cro atia. Riêng UEFA phạt Croatia phải đá trận lượt về trên sân không có khán giả.
Còn tại vòng loại Euro 2016, trận đấu giữa Serbia và Albania bị huỷ từ phút 42, do CĐV Serbia liên tục ném pháo sáng xuống sân. Mỗi bên bị UEFA phạt 100.000 euro, riêng Serbia bị xử thua 0-3, bị trừ thêm 3 điểm và phải đá 2 trận tiếp theo trên sân không có khán giả.
Ở châu Á và Đông Nam Á, nổi tiếng nhất về mức độ quậy là các ultras cực đoan Malaysia. Năm 2015, tại vòng loại World Cup 2018, trận đấu giữa Malaysia và Saudi Arabia tạm ngưng giữa chừng vì các ultras Malaysia ném pháo sáng xuống sân. Malaysia sau đó bị xử thua, bị phạt tiền và bị cấm thi đấu 1 trận trên sân nhà.
Có thể thấy, thế giới bóng đá giờ không coi pháo sáng là chuyện chơi nữa rồi, mà đấy đang trở thành mồi lửa có thể giết chết bóng đá chân chính, là công cụ để tạo nên các nhóm CĐV cực đoan, từ đó hình thành nên tình trạng hooligan, các nhóm hooligan.
Thiện Nhân