1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Tác hại của những quả pháo sáng: “Treo sân” một trận chưa phải là nặng

(Dân trí) - Phía CLB Hà Nội phản ứng sau khi nhận án phạt phải đá trên sân không có khán giả ở vòng 7 V-League, sau sự cố pháo sáng trên sân Hàng Đẫy thuộc vòng 6. Nhưng thử hình dung, nếu những vật mà CĐV mang vào sân nguy hiểm hơn những viên pháo thì sao?

Về lý thuyết, giấu pháo sáng để đem vào sân, rồi sử dụng một cách công khai được thì các CĐV quá khích cũng có khả năng “tuồng” những vật còn nguy hiểm hơn cả pháo sáng vào bên trong sân. Khi đó, hậu quả sẽ thật khôn lường.

Mà pháo sáng vốn đã là vật bị cấm ở các sân bóng, nhưng lại lọt vào bên trong sân và được sử dụng, thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về khâu an ninh của sân Hàng Đẫy.

Thành ra, với tư cách là sân để xảy ra sự cố CĐV Hải Phòng đốt pháo sáng trong trận đấu trên, sân Hàng Đẫy xứng đáng bị phạt. Riêng chuyện họ không kiểm soát được khán giả mang vật cấm và đốt vật cấm bên trong sân, thì mức phạt “treo sân” chẳng có gì là lạ!

Tác hại của những quả pháo sáng: “Treo sân” một trận chưa phải là nặng - 1

Không thể gọi những hình ảnh như thế này là cuồng nhiệt thông thường nữa rồi, mà đấy là những hành động mang tính chất quậy phá

Bóng đá Việt Nam cần những án phạt nghiêm khắc hòng nhắc nhở các BTC sân thực hiện tốt hơn khâu kiểm tra an ninh, đấy cũng là vì hình ảnh của bóng đá nội nói chung.

Không thể để việc đốt pháo sáng trở thành thói quen được nữa, trước khi quá muộn, trước khi bóng đá nội có nguy cơ xấu đi về mặt hình ảnh, với các nhóm CĐV cực đoan chuyên quậy phá bất cứ khi nào bóng lăn, từ các giải đấu trong nước cho đến các giải quốc tế.

Bóng đá Malaysia cũng vì dung dưỡng cho một nhóm các ultras cực đoan trong giai đoạn đầu, mà từ những vụ quậy phá nhỏ, nhóm ultras này đã nổi tiếng khắp châu Á với chuyện chuyên tấn công CĐV đội khách (mà CĐV Việt Nam từng là một trong những nạn nhân hồi năm 2014), đốt lửa trên các khán đài, và đập phá khi đội nhà thua trận, gây ảnh hưởng đến hình ảnh và sự hiếu khách nói chung của cả đất nước Malaysia, chứ không chỉ gói gọn trong bóng đá.

Tác hại của những quả pháo sáng: “Treo sân” một trận chưa phải là nặng - 2

Khi những quả pháo sáng lọt vào bên trong sân, trách nhiệm đầu tiên thuộc về khâu an ninh nơi diễn ra trận đấu

Chúng ta muốn nói không với pháo sáng và muốn nói không với các hình ảnh có thể làm xấu cả nền bóng đá thì chúng ta cần có những biện pháp mạnh, bởi người quản lý bóng đá Việt Nam từng trông chờ vào ý thức, vào sự tự giác của một nhóm CĐV quá khích chuyên đốt pháo sáng, nhưng rốt cuộc họ có tự giác đâu?!

Hành động quyết liệt tiếp theo là bóng đá Việt Nam, có sự kết hợp với các cơ quan chức năng, cần kiên quyết trục xuất những CĐV chuyên đốt pháo sáng khỏi các sân bóng có thời hạn và vô thời hạn, tuỳ vào mức độ vi phạm.

Muốn thế thì biện pháp ghi hình họ, phát hiện hình ảnh của họ thông qua camera an ninh trên các khán đài, như đề xuất của Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng là biện pháp nên được đưa vào áp dụng rộng rãi!

Xét trên khía cạnh pháo sáng có thể gây nguy hiểm cho khán giả, trong đó có cả khán giả là trẻ em, cho các bộ phận làm nhiệm vụ trên sân, làm xấu hình ảnh của bóng đá Việt Nam trong mắt quốc tế, việc cấm sân bóng để lọt pháo sáng, rất nhiều pháo sáng vào bên trong, 1 trận không có khán giả, có khi chưa phải là nặng đâu!

Kim Điền

Tác hại của những quả pháo sáng: “Treo sân” một trận chưa phải là nặng - 3