Tham vọng cực lớn đưa võ thuật Trung Quốc "hóa rồng"

H.Long

(Dân trí) - Tờ 163 cho hay, Trung Quốc đang có tham vọng quảng bá để đưa võ thuật truyền thống của đất nước này (đặc biệt là Thái Cực Quyền) trở thành môn thi đấu ở Olympic.

Tăng tốc ra thế giới

Mới đây, giải đấu Thái Cực Quyền giữa Trung Quốc và Mỹ La Tinh đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Theo ước tính, có khoảng 12 quốc gia tham gia giải đấu với 23 hạng mục tranh tài theo quy chuẩn của Thái Cực Quyền. Tổng cộng sẽ có khoảng 700 người đăng ký tham gia.

Tham vọng cực lớn đưa võ thuật Trung Quốc hóa rồng - 1

Trung Quốc đang tăng cường quảng bá Thái Cực Quyền ra toàn thế giới.

Theo ông Zhang Zheng, phó chủ tịch hiệp hội võ truyền thống Trung Quốc, thì giải đấu phải tổ chức theo hình thức trực tuyến để đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch bệnh Covid-19. Đây sẽ là nơi mà những võ sư Thái Cực Quyền trên toàn thế giới có thể quy tụ, để xây dựng một cộng động Thái Cực Quyền đoàn kết và vững mạnh hơn.

Sự kiện này có ý nghĩa to lớn với môn Thái Cực Quyền nói riêng và võ thuật truyền thống Trung Quốc nói riêng. Nó là hoạt động trong nỗ lực quảng bá mạnh mẽ hơn võ Trung Quốc ra toàn thế giới.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện tại có khoảng 150 quốc gia trên thế giới có người theo học Thái Cực Quyền. Trong đó, 80 quốc gia đã thành lập những tổ chức về Thái Cực Quyền. Ước tính, có hàng trăm triệu người trên thế giới học môn võ này.

Nói về lợi ích của Thái Cực Quyền, ông Zhang Zheng chia sẻ: "Các tổ chức khoa học và y tế trên thế giới đã công bố nhiều kết quả nói về vai trò của Thái Cực Quyền. Nó có thể giúp người tập có sức khỏe tốt hay có thể chữa được một vài bệnh mãn tính.

Đây là môn võ khá đơn giản, dễ học và tập luyện. Trong đó, nó chứa đựng nhiều tư tưởng của người Trung Quốc".

Ông Zhang Zheng cho rằng Hiệp hội võ thuật truyền thống Trung Quốc sẽ tăng cường hơn việc đẩy mạnh quảng bá và phát triển Thái Cực Quyền ra thế giới. Trong đó, họ dự định triển khai 1000 cơ sở ở nước ngoài, đào tạo 5000 võ sư và phát triển hơn nữa ở các cộng đồng người Hoa trên thế giới.

Tham vọng cực lớn đưa võ thuật Trung Quốc hóa rồng - 2

Trung Quốc có tham vọng đưa Thái Cực Quyền trở thành môn thi đấu ở Olympic.

Tham vọng hóa rồng của người Trung Quốc

Vào tháng 17/12/2020, Thái Cực Quyền đã chính thức được UNESCO công nhận là di sản của Trung Quốc. Trước đó, vào tháng 6/2020, Hiệp hội võ thuật Trung Quốc đã tổ chức một cuộc thi trực tuyến trên mạng Internet Cuộc thi này thu hút 20.000 người tham gia, từ hơn 30 quốc gia. Có tổng cộng 140 triệu lượt xem trực tuyến.

Cách đây không lâu, Thái Cực Quyền đã chính thức được đưa vào thi đấu ở giải Olympic trẻ thế giới diễn ra vào năm 2022. Đây là lần đầu tiên, nó trở thành môn tranh tài ở một đại hội thể thao trên thế giới.

Đó là những thành công bước đầu của Thái Cực Quyền cũng như võ truyền thống Trung Quốc nhưng tham vọng của họ còn lớn hơn thế, đó là đưa môn võ này vào tranh tài ở đấu trường Olympic.

Ông Zhang Zheng nhấn mạnh: "Phấn đấu đưa Thái Cực Quyền và các môn võ truyền thống của Trung Quốc càng sớm càng tốt là nội dung của Đề cương xây dựng nền thể thao hùng mạnh. Đây là môn võ phù hợp với tinh thần của Olympic. Việc nó được đưa vào tranh tài ở Olympic là mong ước của nhiều người luyện võ trên thế giới".

Để thực hiện tham vọng này, những người quản lý võ thuật Trung Quốc đã phải tiến hành nhiều hoạt động để quảng bá và phủ tầm ảnh hưởng lớn hơn của võ thuật Trung Quốc ra toàn thế giới.

Việc họ tổ chức các giải đấu trực tuyến và xa hơn là các giải đấu có quy mô toàn thế giới là nước đi trong kế hoạch này. Những người Trung Quốc cũng sẽ điều chỉnh dần các giải đấu Thái Cực Quyền theo chuẩn của Olympic.

Ông Zhang Zheng cho rằng Trung Quốc đang có lợi thế bởi nền tảng võ thuật kéo dài cả ngàn năm. Bên cạnh đó, ông cũng học hỏi thêm những cách quản lý, tổ chức theo hướng hiện đại hơn.

Họ cũng đang dần dần "xâm chiếm" bản đồ võ thuật thế giới. Giờ đây, Trung Quốc đang có cơ chế hợp tác, quảng bá võ thuật với các nước ở Nam Mỹ, CONCACAF, Trung và Đông Âu hay các nước ở khu vực Đông Nam Á. Về lâu dài, họ sẽ hướng tới thị trường "mạnh" hơn như Tây Âu, Mỹ hay Nhật Bản.