Sự thống trị tuyệt đối của bóng đá Thái Lan ở Đông Nam Á
(Dân trí) - Lần thứ 5 vô địch AFF Cup, lần này với cách biệt khá xa so với phần còn lại, Thái Lan cho thấy họ quá mạnh đối với khu vực Đông Nam Á. Thậm chí, trong tương lai gần, các quốc gia khác rất khó bắt kịp Thái Lan, nếu như không có bước đột phá trong hướng phát triển.
Thái Lan đi lên hay các đội bóng khác chững lại?
Nhìn vào cách biệt lớn giữa Thái Lan với phần còn lại của bóng đá Đông Nam Á hiện nay, có lẽ Thái Lan vừa tiến lên và các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á vừa chững lại về trình độ bóng đá.
Thái Lan đang từng bước gia nhập đẳng cấp châu Á. Ở vòng loại World Cup 2018 khu vực châu Á đang diễn ra, Thái Lan dù mới chỉ có 1 điểm sau 5 trận, nhưng thực tế trên sân chứng minh đội bóng đất Chùa Vàng sẵn sàng chơi sòng phẳng với bất kỳ đội bóng nào tại châu lục, điều mà các đội bóng khác ở Đông Nam Á chắc chắn không thể làm được.
Và thật ra thì Thái Lan suýt hoà Saudi Arabia nếu như không có sai sót của trọng tài, suýt cầm chân UAE nếu như các vị vua sân cỏ chính xác hơn, và lẽ ra đã thắng Australia nếu một lần nữa trọng tài không ưu ái cho đội bóng xứ chuột túi.
Hiện tại, Thái Lan cũng đã đặt mục tiêu sớm vào nhóm đầu châu Á, thậm chí mơ về ngôi vô địch bóng đá châu Á trong tương lai gần. Ngược lại, ngay cả mục tiêu chơi đàng hoàng ở các giải tầm châu Á trở lên cũng là mục tiêu hết sức xa xỉ của các đội bóng khác trong khu vực.
Ví dụ như đội tuyển Việt Nam so với thời vô địch AFF Cup 2008, rồi trước nữa là vào tứ kết Asian Cup 2007, chúng ta khó nói rằng chúng ta tiến bộ so với thời điểm ấy. Giải vô địch quốc nội của bóng đá Việt Nam vẫn lắm vấn đề, vẫn không phát triển đáng kể về mặt chuyên môn, khiến cho cái nền của toàn bộ nền bóng đá thiếu vững chắc, và đội tuyển thiếu trầm trọng nguồn cầu thủ có chất lượng, có bản lĩnh, giàu kinh nghiệm.
Indonesia là một ví dụ khác, họ loay hoay với mục tiêu bắt kịp Thái Lan, loay hoay đi tìm ngôi vô địch Đông Nam lần đầu tiên nhưng mãi không thực hiện được. Giải quốc nội của Indonesia cũng đầy rẫy rối ren, đến mức có lúc họ bị FIFA “cấm vận”.
Malaysia và Singapore sau một thời gian gây tiếng vang cũng chẳng nhích lên thêm bước nào để gia nhập trình độ châu Á. Trong khi đó, quốc gia tiến bộ đáng kể nhất ở Đông Nam Á là Philippines thì thực chất chỉ thay hình thức sử dụng cầu thủ trong đội tuyển, từ nội binh sang cầu thủ gốc châu Âu, chứ bảo đấy là phát triển bền vững thì không phải bền vững.
Đề xuất đưa Australia gia nhập giải AFF Cup?
Cho đến thời điểm này, Australia đã là thành viên đầy đủ của Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á (AFF), vì vậy khi AFF yêu cầu, Australia chắc chắn sẽ phải tham gia giải vô địch bóng đá Đông Nam Á AFF Cup.
Sở dĩ yêu cầu này chưa được đưa ra vì giới bóng đá Đông Nam Á e ngại trình độ cao của Australia khiến giải AFF Cup chênh lệch, và các quốc gia trong khu vực khó cạnh tranh ngôi đầu.
Dù vậy, giờ thì đằng nào các đội tuyển ở Đông Nam Á cũng không thể cạnh tranh với Thái Lan, nên bóng đá trong khu vực lúc này cần một đối trọng thật sự để so kè với người Thái, giúp cho giải đấu bớt đi thế độc tôn của đội bóng đất Chùa Vàng.
Vả lại, việc được cạnh tranh với các nền bóng đá phát triển tốt như Thái Lan, Australia sẽ giúp cho các đội bóng khác ở Đông Nam Á có điều kiện cọ xát nghiêm túc, nâng cao trình độ, phục vụ mục tiêu xa hơn là tiến gần với bóng đá châu Á, thay vì mãi quanh quẩn trong “ao làng”.
Đấy là chưa kể có thể Australia sẽ không dùng toàn bộ cầu thủ tốt nhất của mình tham dự AFF Cup, vì giải đấu nằm ngoài hệ thống của FIFA. Thế nên, Australia khi dự giải Đông Nam Á trong ít năm tới, nếu điều đó xảy ra, cũng chưa hẳn quá mạnh so với các nước khác.
AFF Cup cần một sự cải tiến để hấp dẫn hơn, giàu tính cạnh tranh hơn, cũng như kích thích được sự phát triển của bóng đá khu vực, sau khi giải dường như đã trở thành đường đua độc mã của Thái Lan.
Kim Điền