Sự bao che đang làm hư cầu thủ trẻ

(Dân trí)-Sự việc một vài cầu thủ U21 “xé rào” đi chơi đêm tưởng như sẽ bị xử lý mạnh tay, nhưng cuối cùng chỉ là một án phạt mang tính cho có là khiển trách. Với cách xử lý theo kiểu giơ cao đánh khẽ như này, bảo sao cầu thủ trẻ ngày càng vi phạm kỷ luật, gây nên những hậu quả nặng nề.

Sau vụ việc một nhóm cầu thủ U21 Việt Nam đã trốn trại tập trung để đến quán bar 97 TP. Phan Rang - Tháp Tràm để “giải sầu”, ngay lập tức báo chí và dư luận đã lên án với những hành động này. Điều đáng nói là các cầu thủ còn mặc nguyên đồng phục đội tuyển Quốc gia đến quán bar, trước những ánh mắt ngạc nhiên của nhiều người. Thậm chí, theo lời kể của một phóng viên tại đây, sau khi phát hiện bị chụp ảnh, các cầu thủ này còn tiến tới có những lời lẽ khiếm nhã với báo chí.

Ngay sau khi biết thông tin, HLV trưởng đội tuyển U21 Việt Nam Đinh Văn Dũng khẳng định các cầu thủ sẽ bị kỷ luật nặng. Cụ thể, sau khi họp toàn đội, sẽ ra quyết định không cho những cầu thủ vi phạm được thi đấu tiếp tại giải U21 quốc tế, đồng thời yêu cầu các cầu thủ này viết tường trình cũng như sẽ xin lỗi người hâm mộ về sự việc.

“Đây là việc làm cần thiết, bởi không chỉ khiến cả đội bị ảnh hưởng mà còn thiếu tôn trọng với người hâm mộ. việc kỷ luật là rất cần thiết, một đội bóng cần phải có kỷ cương chứ không thể sao cũng được. Và dù thành tích có thế nào thì các cầu thủ cũng sẽ bị kỷ luật nặng chứ không thể xuê xoa”, ông Dũng khẳng định.

Ông Dũng cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi không bao giờ bao che cầu thủ của mình cả, dù họ có thành tích như thế nào. Với vai trò là HLV trưởng, tôi xin nhận trách nhiệm về mình. Đây cũng là bài học cho toàn đội”.

Tỏ ra cương quyết xử lý mạnh tay với những vi phạm nghiêm trọng quy định của đội tuyển, nhưng sau cuộc họp nội bộ sáng nay, thì án phạt được đưa ra của Ban huấn luyện đội tuyển U21 lại khiến nhiều người phải thất vọng. Theo đó, hai cầu thủ Văn Công, Văn Thuận sẽ phải nhận án phạt rất nhẹ từ phía BHL đó là khiển trách trước toàn đội. Ngoài ra, HLV trưởng cùng các cầu thủ vi phạm sẽ gửi tới người hâm mộ lời xin lỗi về vụ việc trên.

Một án kỷ luật cho thấy sự giơ cao đánh khẽ của Ban huấn luyện đội tuyển U21. Bất kể các cầu thủ đã giải thích thế nào về hành động trốn ra ngoài đi chơi đêm như thế nào, thì sau khi bị báo chí và dư luận lên án, đáng lẽ cần phải có một án phạt thích đáng để làm gương với các cầu thủ khác trong đội. Tuy nhiên, sự việc lại đang được Ban huấn luyện U21 “ém” đi, khi chỉ nhắc nhở các cầu thủ.

Đây không phải là lần đầu tiên những người có trách nhiệm, những nhà quản lý tỏ ra nương tay với việc xử lý hành vi vi phạm kỷ luật của các cầu thủ. Thông qua Ban kỉ luật, VFF có thể ra những án phạt vừa là để răn đe vừa là để giáo dục cầu thủ. Tuy nhiên, VFF cho rằng việc kiểm soát cầu thủ bên ngoài sân cỏ là điều quá khó khăn, nhưng chính mình cũng chưa làm tới nơi tới chốn.

Kể lại những câu chuyện trước đây, cầu thủ khi được gọi lên tuyển tập trung, không ít trường hợp đưa ra những lý do để trốn nghĩa vụ quốc gia như: chấn thương, việc gia đình và thậm chí là… mất hộ chiếu. Trong khi đó VFF dù biết nhưng vẫn chưa dám mạnh tay loại bỏ những cầu thủ này để làm gương.

Trường hợp của Quốc Long trước AFF Cup 2012 cho thấy rất rõ điều đó. Phải đến khi báo chí, dư luận phản ứng dữ dội, VFF mới ra quyết định loại cầu thủ này, thay vì có sự cương quyết ngay từ đầu với những hành vi thiếu văn hóa rất rõ ràng. Rồi đến trường hợp của Huy Hoàng cũng chỉ có phía CLB xử phạt. VFF hoàn toàn có thể mạnh tay xử lý bởi Huy Hoàng không chỉ tham gia giải đấu của VFF, mà từng là tuyển thủ quốc gia, từng là đội trưởng của ĐTVN.

Thực tế, nhiều CLB hiện nay nuông chiều cầu thủ một cách thái quá. Rất nhiều chuyện đánh nhau, cờ bạc, ma túy...xảy ra ở mỗi năm, nhưng đều được các CLB che lại theo kiểu trong nhà đóng cửa bảo nhau. Với sự nuông chiều đó, cầu thủ không mắc bệnh sao và coi thường tất cả mới lạ.

Nói thế để thấy, việc các cầu thủ U21 “xé rào” đi vũ trường cũng từ cách quản lý hời hợt của người lớn. Nhiều người đặt câu hỏi, khi đội tuyển đang làm nhiệm vụ cầu thủ còn vi phạm kỷ luật như vậy, không hiểu khi không thi đấu, ai sẽ quản lý những cầu thủ này?

Công tác giáo dục cầu thủ ở CLB cũng như các chế tài, khâu quản lý của VFF chỉ như cho có. Con hư tại mẹ, chính sự bao che và bất lực của những người quản lý, gián tiếp khiến không ít cầu sa ngã vào những tệ nạn xã hội.

Lê Cường-Kim Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm