Bàn & Luận:

Quyến và lời sám hối…

(Dân trí) - Thay vì nói lời tự bào chữa, Quyến cúi đầu đọc lời sám hối. Đối với Quyến, sám hối được hiểu như một sự ăn năn, hối lỗi để nhận được sự khoan hồng và lượng thứ.

Quyến đọc rành mạch từng câu từng chữ trong một văn bản thảo sẵn, một bài discourse mà chắc chắn một người học vấn trung bình không thể viết nên.

 

Dù sao, sự xếp đặt đó hoàn toàn có thể được cảm thông bởi khung cảnh trong phiên toà không phù hợp với những lời nói hớ hênh và thiếu đo lường.

 

Nhưng “sám hối” không đơn giản như vậy. Từ “sám hối” vốn không hề xuất hiện trong văn bản luật pháp, hoặc nếu có, nó đã tồn tại dưới một ý nghĩa khác với giá trị nguyên thuỷ của nó.

 

“Sám hối” là một từ của Tôn giáo. Trong sách nhà Phật hay Kinh Thánh đều có từ này. Người học đạo Phật hiểu sám hối như là “xem xét lại những hành động, ý nghĩ của bản thân”,  để đạt đến giác ngộ thông qua sự tự nhận thức.

 

Trong Thiên chúa, sám hối là nghi thức thứ tư trong 7 nghi thức rửa tội của con chiên. Con chiên sám hối và được rửa tội, không phải là để xoá sạch tội lỗi mà, mạnh hơn nữa, theo quan niệm Thiên chúa giáo, để được sinh ra một lần nữa.

 

Cho dù với mỗi tôn giáo khái niệm sám hối lại mang một ý nghĩa khác, nhưng nói đến sám hối là nói đến sự “nghĩ lại, xét lại”, là soi lại quá khứ trong tấm gương tĩnh lặng của tâm trí hiện tại. Như vậy, sám hối không phải là ân hận về hành động không thể thay đổi trong quá khứ mà là sự dọn mình cho tương lai.

 

Hôm nay, Quyến nói lời sám hối trước pháp luật, trước hàng triệu người dân Việt Nam mà Quyến và các đồng đội đã trót mắc lỗi.

 

Đối với pháp luật, sự "sám hối" là không đủ. Một người phạm tội phải trả giá cho việc làm của mình, đó là sự công bằng của pháp luật.

 

Nhưng pháp luật, cũng như tôn giáo chân chính, luôn hướng con người đến cái thiện. Bởi vậy, khi con người đã nói lời sám hối, con người đó đã tự cảm thấy mình cần thay đổi. Sám hối không phải là một lời nói, mà cần đi kèm với ý thức và hành động.

 

Trong trường hợp này, ý thức của mỗi con người là cái rất trừu tượng, nên sám hối chỉ có thể được kiểm chứng qua hành động.

 

Quyến đang mắc nợ từ “sám hối”, và BĐVN, con người VN đang chờ thời gian để kiểm chứng Quyến trả nợ như thế nào.

 

Hai năm tù treo, hai năm thử thách và (có thể) một án kỷ luật nặng từ VFF với tư cách là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp có thể rút ngắn cuộc đời cầu thủ vốn đã ngắn ngủi. Nhưng hãy sám hối, dù đã muộn, để làm lại tất cả, như một lần chết đi sống lại của một kiếp người.

 

Quyến có thể không còn là “cậu bé vàng” trên sân cỏ, cũng mãi mãi không thể trở lại là một cậu bé chăn trâu, nhưng Quyến có thể trở lại là một con người có ích cho gia đình, xã hội bằng cách này hay cách khác.

 

Từ chuyện sám hối trong Tôn giáo, cũng xin gửi đôi lời đến những cái đầu trẻ, những đôi chân trẻ: hãy sám hối hàng ngày theo ý nghĩa nguyên sơ của từ “sám hối”, để luôn nhìn thấy mình, kiểm nghiệm mình và không bao giờ phải nói lời “sám hối” theo nghĩa ăn năn trong hình phạt và trả giá.

 

Cuộc sống sẽ "chất lượng" hơn nếu mỗi con người đều biết sám hối.

Hồng Kỹ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm