Quang Liêm xếp hạng 7 chung cuộc giải cờ chớp thế giới
(Dân trí) - Tại giải cờ chớp thế giới 2012 vừa kết thúc tối 10/7, kỳ thủ Quang Liêm đã thi đấu rất xuất sắc khi giành được những chiến thắng ấn tượng trước các tên tuổi lớn của thế giới. Tuy nhiên, do để thua ván cuối Quang Liêm chỉ xếp hạng 7/16 kỳ thủ tham dự.
World Blitz Chess Championship (giải vô địch cờ chớp thế giới) là giải đấu có lịch sử khá lâu đời (1970). Thế nhưng từ khi được bắt đầu cho đến nay, nó không được tổ chức đều đặn hàng năm do nhiều nguyên nhân. Giải lần thứ VII (2012), Liên đoàn cờ vua thế giới (FIDE) quyết định tổ chức chung giải cờ nhanh & cờ chớp ngay tại thủ đô Anasta (Kazakhstan) trong hai ngày 09 – 10/07, theo hình thức lượt đi – về.
Việc Quang Liêm xuất sắc có mặt trong top 3 của giải tuyển chọn (semi-finals) để được tham dự giải này đã là một thành công. Và điều đó cũng mang lại cơ hội cho Liêm khi lần đầu tiên trong sự nghiệp được thử sức với rất nhiều kỳ thủ đã thành danh trong làng cờ vua thế giới.
Điểm mặt các anh tài, gồm có: “Mozart cờ vua” Magnus Carlsen (số 1 thế giới, Elo 2837); Sergey Karjakin (hạng 6 thế giới, Elo 2779); Morozevich (hạng 9 thế giới, kỳ thủ có lối đánh quái dị và Elo lên xuống thất thường); Grischuk (hạng 11 thế giới, Elo 2763); Veselin Topalov (cựu vô địch thế giới FIDE, xếp hạng 12 thế giới, Elo 2752); Peter Svidler (đương kim vô địch thế giới FIDE, hạng 13 thế giới, Elo 2749); Boris Gelfand (người vừa tranh chức vô địch cờ vua thế giới với Anand, hạng 16 thế giới, Elo 2738).
Ngoài ra, còn có hai kỳ thủ cũng khá nổi tiếng mà Liêm đã từng đụng độ, gồm có “kình ngư” Shakhriyar Mamedyarov (Liêm gặp tại Dortmund 2010 & 2011) và Vassily Ivanchuk (Liêm gặp tại Capablanca 2011). Chỉ tiếc là vắng mặt các ngôi sao khác như: Anand, Kramnik, Aronian, Nakamura, Caruana, Kamsky.
Việc thích nghi với thời tiết và có thời gian được dợt nhẹ đã giúp Liêm tăng “sức đề kháng” của mình lên rất nhiều. Ở thể loại cờ chớp (3 phút + 2 giây tích lũy cho một nước đi) đòi hỏi kỳ thủ phải có sự phản xạ cực tốt, óc phán đoán cực nhanh. Với lối chơi này, kỳ thủ nào biết tấn công gây áp lực để cho đối thủ cạn giờ dẫn đến mắc sai lầm đi nước lỗi nặng (blunder) sẽ giành chiến thắng.
Trong ngày thi đấu đầu tiên, Quang Liêm đấu 15 ván liên tiếp và kiếm được 7 điểm (tạm xếp hạng 10). Và trong ngày thi đấu thứ hai, Quang Liêm đã làm tốt hơn rất nhiều khi kiếm được 9.5 điểm trong 15 ván còn lại, qua đó xếp hạng 7 chung cuộc với 16.5 điểm (+15=5-11, Rating Performance tại giải đạt 2752). Nếu như để thắng/hòa Topalov ở ván cuối, có lẽ Quang Liêm đã nằm trong top 5 của giải.
Nhìn nhận lại trong 30 ván của Liêm, có rất nhiều ván thắng rất đáng khen như 2 ván thắng trước Boris Gelfand, 2 ván thắng trước Mamedyarov, 2 ván thắng trước Peter Svidler, 1 ván thắng trước Topalov, 1 ván thắng trước Ivanchuk, 1 ván thắng trước Grischuk (nhà vô địch giải lần này).
Xếp chung cuộc ở nửa trên bảng xếp hạng được xem là thành công của Quang Liêm khi giải toàn hàng khủng. Ngoài phần thưởng 12000 USD, hệ số Elo (Blitz) của Liêm sau giải cũng tăng 26,6 điểm. Đây được xem là giải đấu đáng nhớ của Quang Liêm và sẽ giúp Liêm có nhiều động lực để phấn đấu.
Được biết, ngay sau giải này Quang Liêm tiếp tục sang Hà Lan để dự giải mời ACP Golden Chess Classic gồm 7 kỳ thủ, diễn ra từ ngày 14 – 22/7. Nét đặc biệt của giải này là áp dụng lại hình thức thi đấu cho kỳ thủ ngừng ván đấu sau 40 nước để có thời giờ nghiền ngẫm ván cờ.
Văn Tới