1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Phía sau tấm vé World Cup: Người hùng mồ côi cha, ngôi sao đi bán vịt

An An

(Dân trí) - Đội tuyển nữ Việt Nam chịu hy sinh và thiệt thòi rất nhiều nhưng những gì mà họ làm được để giành vé dự World Cup 2023, thật đáng tự hào.

Câu chuyện cảm động về người hùng Bích Thùy

Sau khi bị Đài Loan (Trung Quốc) gỡ hòa 1-1, Bích Thùy đã tỏa sáng với pha chạy chỗ thông minh, đỡ bóng một chạm trước khi sút tung lưới đối thủ để ấn định chiến thắng 2-1 cho đội tuyển nữ Việt Nam.

Nói không quá khi cho rằng Bích Thùy là người hùng trong chiến thắng lịch sử của đội tuyển nữ Việt Nam khi là người ghi bàn thắng quyết định. Đây cũng là bàn thắng để đời với cầu thủ sinh năm 1994.

Giấc mơ World Cup của bóng đá nữ Việt Nam tưởng chừng đã xa xôi nhưng trở thành hiện thực với cú dứt điểm không thể cản phá của Bích Thùy. Trước bàn thắng này, những đóng góp của cô gái quê Quảng Ngãi rất thầm lặng, nhiều người thậm chí còn không biết Bích Thùy là ai bởi sự nghiệp không nổi tiếng như Huỳnh Như, Chương Thị Kiều và các đàn chị.

Phía sau tấm vé World Cup: Người hùng mồ côi cha, ngôi sao đi bán vịt - 1
Bàn thắng ấn định chiến thắng 2-1 của Bích Thùy.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất của Bích Thùy khi khoác áo đội tuyển nữ Việt Nam có lẽ là khi cùng đồng đội chuẩn bị cho vòng loại cuối cùng Olympic Rio 2016 tại Trung Quốc.

Đang thi đấu nơi đất khách năm 2015, Bích Thùy nhận tin dữ từ quê nhà. Người cha của cô qua đời vì bệnh ung thư nhưng Bích Thùy không thể về nước.

Xuất thân từ một gia đình thuần nông nghèo khó lại mồ côi cha, giúp Bích Thùy có thêm nhiều động lực để phấn đấu. Trước khi trở thành người hùng của đội tuyển nữ Việt Nam, cô gái sinh năm 1994 từng 2 lần tham dự SEA Games 29 và 30, là cầu thủ chạy cánh số một của đội tuyển.

"Cha đã phù hộ cho tôi và các cầu thủ trong trận đấu quyết định với Đài Loan (Trung Quốc). Đây cũng là món quà mà tôi dành cho cha đã khuất…", Bích Thùy nghẹn ngào.

Bích Thùy là một trong những cầu thủ của nhóm đầu tiên tới Ấn Độ (6 người) nhưng sau đó lại mắc Covid-19 tại đây. Dù vậy, với nỗ lực tập luyện và ý chí hơn người, cô gái quê miền Trung trở lại đầy mạnh mẽ để rồi tỏa sáng đúng lúc.

Phía sau tấm vé World Cup: Người hùng mồ côi cha, ngôi sao đi bán vịt - 2
Tuyển nữ Việt Nam chịu nhiều thiệt thòi.

Bích Thùy quê ở xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Sự nghiệp của cô gái cao 1m53 chỉ được biết đến khi thi đấu cho CLB TPHCM dưới thời HLV Kim Chi. Bích Thùy đã giúp đội bóng này đoạt chức vô địch quốc gia 6/7 mùa giải gần nhất.

Với nền tảng thể lực sung mãn của một cô gái lớn lên ở miền Trung nắng gió, chắc chắn Bích Thùy vẫn là lựa chọn hàng đầu cho vị trí tiền vệ cánh ở đội tuyển nữ Việt Nam tại World Cup 2023.

Phía sau vinh quang

Hình ảnh đội tuyển Việt Nam ăn mừng chiến tích World Cup lịch sử tràn ngập trên các phương tiện truyền thông trong nước và quốc tế, mạng xã hội… hai ngày qua. Sau những nỗ lực phi thường và rất tuyệt vời, thầy trò HLV Mai Đức Chung được đền đáp bằng thành quả xứng đáng.

Tuy nhiên, đằng sau những nụ cười, nước mắt hạnh phúc đó, đằng sau vinh quang chói lọi, là góc khuất của đời sống cầu thủ nữ Việt Nam.

Hầu hết các cầu thủ phải làm nghề tay trái để có thêm thu nhập. Ngay cả những ngôi sao hàng đầu như Tuyết Dung, Huỳnh Như… cũng phải vất vả mưu sinh kiếm sống, có thêm thu nhập để nuôi gia đình và tiếp tục theo đuổi đam mê bóng đá.

Phía sau tấm vé World Cup: Người hùng mồ côi cha, ngôi sao đi bán vịt - 3
Tuyết Dung làm thêm ở quê nhà Hà Nam.

Hiện tại, Tuyết Dung sau khi tốt nghiệp Đại học Thể dục Thể thao, đã là công chức, vừa làm VĐV vừa học làm HLV. Sau nhiều năm "hết bóng đá về nhà làm ruộng", Tuyết Dung mở một quán bán vịt ở quê nhà.

Trong khi đó, đội trưởng đội tuyển nữ Việt Nam, Huỳnh Như cũng có một quán riêng với thương hiệu "Nàng 9 dừa sáp Trà Vinh". Tiền đạo đội tuyển nữ Việt Nam nhiều lần đăng tải những hình ảnh của quán và bán hàng trên trang cá nhân của mình. 

Thái Thị Thảo thì lại bán hàng online với đủ các mặt hàng như giày, quần áo, đồng hồ… "Đối thủ" của Thái Thị Thảo trong nghề bán hàng online lại chính là Hải Yến. Cầu thủ CLB Hà Nội cho biết mỗi tháng với mức lương khoảng 10 triệu đồng cũng chỉ "đủ ăn, đủ mặc" nên phải có nghề tay trái.

HLV Mai Đức Chung cho biết: "Tôi mong các cầu thủ nữ đều có cơ hội lập gia đình, có công ăn việc làm và kinh tế ổn định sau giải nghệ. Có vậy thì cầu thủ mới chuyên tâm cống hiến được".

Bóng đá nữ thiệt thòi và hy sinh nhiều hơn so với bóng đá nam là câu chuyện của cả thế giới. Thế nhưng, nếu như sau khi giành vé dự World Cup nhưng mọi thứ vẫn không có gì thay đổi thì có lẽ là quá bất công với các cô gái theo nghiệp quần đùi áo số.