1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Ông Mai Liêm Trực - nguyên Chủ tịch LĐBĐVN khóa IV:

"Phải chấp nhận luật chơi riêng của bóng đá"

Dấu ấn của ông Mai Liêm Trực trong hơn nửa nhiệm kỳ IV (sau khi ông Hồ Đức Việt rút lui) là đã có quyết định nghiêm khắc xử lý cầu thủ "có vấn đề" và tổ chức đại hội khóa V khá thành công. Ông đã có cuộc trao đổi với phóng viên: Làm thế nào để bóng đá VN phát triển?

Ông nghĩ sao về những tiêu cực của bóng đá VN trong thời gian qua?

 

Nói không phải để bào chữa hay làm giảm nhẹ đi những hành vi tiêu cực đáng lên án trong bóng đá, nhưng các bạn có thừa nhận với chúng tôi rằng trong xã hội hiện nay còn có rất nhiều tiêu cực không, chứ không riêng gì bóng đá?

 

Ngành nào, lĩnh vực nào cũng có chuyện chạy chức chạy quyền, chạy dự án, chạy bằng cấp... Chỉ có điều tất cả những tiêu cực ấy đều diễn ra trong bóng tối, trong khi đó tiêu cực của bóng đá thì lại lồ lộ ra ngoài ánh sáng, trước hàng chục triệu cặp mắt.

 

Bên cạnh đó, chuyện vừa rồi ở U23 lại càng dễ làm mọi người phẫn nộ hơn khi nó đụng đến "bàn thờ", do các cầu thủ đang khoác trên mình chiếc áo đại diện quốc gia.

 

Theo tôi, cái gốc của chuyện tiêu cực trong bóng đá mênh mông lắm. Nói rằng những người lớn trực tiếp quản lý cầu thủ không làm gương sáng cũng đúng; nói rằng các cầu thủ không được giáo dục cũng đúng; và bây giờ bổ sung thêm rằng môi trường xã hội không thật lành mạnh, rồi gia đình cũng có một phần trách nhiệm thì tôi nghĩ cũng đúng nốt.

 

Và vì thế nên chúng ta bó tay?

 

Không, ngược lại là đằng khác. Vì cái gốc như thế nên cần phải quyết liệt hơn đối với những tiêu cực trong bóng đá. Bên cạnh việc phải chấn chỉnh lại công tác quản lý cầu thủ ngay từ nhỏ, theo tôi, cần phải nghiêm khắc hơn nữa với các hiện tượng tiêu cực.

 

Tôi xin nhắc lại một câu chuyện cũ: Trước SEA Games 22, tôi và một số anh trong VFF nhiệm kỳ 4 đã hết sức nhức đầu quanh vụ xử lý cầu thủ Như Thành. Hồi đó không được thuận lợi như hiện nay vì cơ quan điều tra chưa tham gia.

 

Dù đã có những biểu hiện rất rõ như: lời tố cáo của một số đồng đội, là ý kiến của tất cả các HLV và cộng thêm vào đó là hàng loạt điều bất thường từ bản thân cầu thủ nhưng cái khó là không có chứng cứ gì từ cơ quan điều tra thì làm sao xử lý. Nhưng cuối cùng chúng tôi vẫn quyết định xử treo giò 5 năm đối với Như Thành.

 

Và đã có không ít "lời ra tiếng vào với quyết định ấy" phải không, thưa ông?

 

Đúng. Nhưng chúng tôi cũng nhận được rất nhiều sự ủng hộ. Nhân đây tôi xin có ý kiến là đã đến lúc chúng ta phải chấp nhận có một luật chơi riêng của bóng đá, bởi việc săm soi tiêu cực trong bóng đá dưới khía cạnh luật pháp thì có vẻ không ổn.

 

Luật chơi ấy, theo tôi nghĩ, cũng là bình thường mà bất cứ cầu thủ, HLV nào khi tham gia bóng đá đều phải chấp nhận. Đó là khi một cầu thủ có những biểu hiện bất thường, kèm theo đó là những nhận xét của các HLV, các đồng đội - những người am hiểu trong việc đánh giá và thừa nhận sự bất thường ấy - thì cầu thủ ấy phải nhận kỷ luật của LĐBĐVN.

 

Tôi nghĩ cần phải nghiêm khắc như thế mới góp phần trị được căn bệnh tiêu cực, bởi không phải lúc nào CQĐT cũng có điều kiện tham gia tích cực như trong thời gian gần đây.

 

Xin cảm ơn ông.

 

Theo Huy Thọ

Tuổi trẻ