1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Pep Guardiola: Kẻ cuồng tín vĩ đại

(Dân trí) - Lối chơi mà Pep Guardiola xây dựng đã tạo nên thương hiệu. Không ai có thể phủ nhận Pep Guardiola là HLV thiên tài và ông cũng là người “cuồng tín” với thứ bóng đá mình theo đuổi.

Những người thầy của Pep Guardiola

“Tôi đã gặp ông ấy và trở thành HLV thành danh như hiện tại. Tôi nợ ông ấy quá nhiều”. Ông ấy mà Pep Guardiola nhắc tới chính là huyền thoại Johan Cruyff. Và đó là những gan ruột mà HLV người Tây Ban Nha nhắc tới trong cuốn tự truyện của mình.

Pep Guardiola: Kẻ cuồng tín vĩ đại - 1

Pep Guardiola chịu nhiều ảnh hưởng của Johan Cruyff

Và có lẽ, trong nhiều năm qua, Pep Guardiola luôn nhắc tới “thánh Johan” với sự kính trọng và lòng biết ơn như vậy. Thậm chí, ở trong tâm khảm của mình, Pep Guardiola luôn cúi đầu kính trọng người thầy vĩ đại nhất trong cuộc đời mình: “Mọi người ngồi đây và nói rằng Pep Guardiola là HLV xuất sắc nhất thế giới. Quên điều đó đi. Johan Cruyff mới xuất sắc nhất. Ông ấy đã xây dựng nên di sản, để các thế hệ hậu bối học theo” - Pep Guardiola chia sẻ ở thời điểm dẫn dắt Man City.

Johan Cruyff tới Barcelona ở thời điểm mà CLB chưa có “lối chơi để tôn sùng”. Ông đã thay đổi Barcelona với thứ bóng đá tổng lực (sau này người ta vẫn nhắc tới đó là tiqui-taka). Nó đã mở ra chương mới tại đây.

Ảnh hưởng của “thánh Johan” tới Pep Guardiola là không thể đong đếm. Và quãng thời gian được làm việc với HLV huyền thoại ở Barcelona thực sự là may mắn với “chàng trai trẻ” Pep Guardiola.

“Trong bữa tối, khi đang nói chuyện với Johan Cruyff, đứa con của tôi nói rằng nó không biết Johan Cruyff là ai. Tôi đã giải thích đó là người giáo viên mà bất cứ học sinh nào cũng muốn học. Được làm việc với ông ấy khiến cho các học sinh trở nên yêu trường hơn” - Pep Guardiola bồi hồi nhớ lại.

Thực tế, không phải tới lúc giải nghệ mà ngay từ khi còn là cầu thủ trẻ mới chập chững lên đội 1 Barcelona, Pep Guardiola đã mê mẩn với chiến thuật. Như tờ Thesefootballtimes từng nhấn mạnh: “Thời ấy, luôn tồn tại hai Pep Guardiola song song. Một Pep Guardiola với tư cách cầu thủ. Một Pep Guardiola học việc. Ngay cả khi trở thành cầu thủ hàng đầu, một HLV hàng đầu, Pep Guardiola chưa bao giờ bị cuốn vào siêu xe hay căn hộ sang trọng. Thay vào đó, ông chỉ tập trung học hỏi, nghiên cứu một cách cần mẫn”.

Pep Guardiola đã tỉ mẩn quan sát cách làm việc của ông thầy Johan Cruyff. Ông thực sự say mê với cách chuẩn bị trận đấu rất kỹ lưỡng trước mỗi trận đấu của “thánh Johan”. Tờ Guardian từng mô tả trong thời gian dẫn dắt Bayern Munich, Pep Guardiola đã giam mình trong phòng làm việc nhiều giờ liền, để nghiên cứu video, phân tích chiến thuật trước trận đấu gặp Koln (đội bóng thuộc nhóm yếu ở Bundesliga). Đương nhiên, mọi đối thủ, Pep Guardiola đều trân trọng và kỹ lưỡng tới vậy.

Sự sáng tạo, đổi mới của Johan Cruyff càng khiến Pep Guardiola say mê hơn. Bởi sự tận hiến khiến đã tạo nên quan điểm bóng đá rất riêng sau này. Một thứ bóng đá mà không có tính giải trí thì chẳng còn tồn tại.

Pep Guardiola: Kẻ cuồng tín vĩ đại - 2

Pep Guardiola chịu khó học hỏi ngay từ khi còn là cầu thủ

Thời còn là cầu thủ, Pep Guardiola đã được Johan Cruyff đặt vào vị trí tiền vệ trụ (dù ông từng tập luyện ở vị trí chạy cánh ở đội trẻ). Nhờ thi đấu ở vị trí ấy, Pep Guardiola được luân chuyển bóng nhiều, nó ảnh hưởng khá lớn tới quan điểm bóng đá của ông sau này.

Johan Cruyff là người thầy vĩ đại nhất của Pep Guardiola nhưng không phải là duy nhất. Niềm đam mê cuồng nhiệt với chiến thuật đã thôi thúc HLV người Tây Ban Nha chuyển tới thi đấu ở CLB ít tên tuổi, Dorados de Sinaloa của Mexico trong những năm tháng cuối sự nghiệp. Đương nhien, Pep Guardiola sang đó thi đấu không để kiếm tiền mà là để gặp HLV... Juan Manuel Lillo, người nổi tiếng với triết lý bóng đá Juego de posicion (lối chơi định hướng vị trí) sẽ được nhắc tới ở phần sau bài viết.

Cũng trong ngày ở Mexico, Pep Guardiola cũng tìm được ý tưởng mới cho chiến thuật sau này, nhờ học hỏi từ HLV Ricardo La Volpe (cựu HLV đội tuyển Mexico). Xin được nhấn mạnh, triết lý của Ricardo La Volpe là luân chuyển bóng ngắn từ vị trí thủ môn, rồi dần dần lên các tuyến trên.

Trong cuốn tự truyện mới xuất bản, HLV Marcelo Bielsa cũng nhắc tới cuộc gặp gỡ với Pep Guardiola. HLV người Argentina mô tả Pep Guardiola là người “ngô nghê” với mọi thứ nhưng lại là kẻ hiểu biết lớn về chiến thuật bóng đá, dù khi ấy, Pep Guardiola vẫn chưa giải nghệ.

Trong những cuộc nói chuyện với HLV Bielsa, Pep Guardiola đã vỡ lẽ ra nhiều điều, đặc biệt là lối chơi pressing hay cách xây dựng chiến thuật. Sau này, Pep Guardiola cũng thừa nhận điều đó: “Tôi luôn ngưỡng mộ HLV Bielsa. Ông ấy luôn biết cách làm cho cầu thủ tốt hơn rất nhiều. Tôi chưa bao giờ gặp học trò cũ nào phàn nàn về ông ấy. Tôi đã học hỏi được nhiều điều từ HLV Bielsa. Bất cứ khi nào nói chuyện với ông ấy, tôi cũng tìm thấy điều mình cần”.

Kẻ “cuồng tín” Pep Guardiola

Có chi tiết đáng chú ý. Ngay cả khi thành danh với lối chơi được cả thế giới gọi là tiqui-taka nhưng Pep Guardiola lại ghét cay ghét đắng cụm từ này. Trong cuốn sách Pep Confidential, HLV người Tây Ban Nha từng nhấn mạnh: “Barcelona đâu có đá tiqui-taka. Đừng có tin từ đó”.

Pep Guardiola nhắc tới điều đó bởi ông cho rằng Barcelona không chỉ chuyền bóng vô mục đích. Mà thay vào đó, nó phải hướng tới mục tiêu cụ thể. Các cầu thủ di chuyển liên tục và những khoảng trống, để thực hiện việc luân chuyển bóng.

Pep Guardiola: Kẻ cuồng tín vĩ đại - 3

Pep Guardiola đã tạo nên xu hướng chiến thuật mới

Đó gần như như thuật ngữ Juego de posicion (định hướng vị trí) đã được nhắc tới ở phần trên. Về lối chơi này, nhà báo Marti Perarnau từng phân tích cụ thể: “Lối chơi định hướng vị trí không phải là việc thực hiện đường chuyền ngang hay chuyền dọc một cách vô ý thức. Nó là câu chuyện phức tạp hơn rất nhiều, bao gồm việc phải duy trì sự kiểm soát bóng và gây áp lực cho đối thủ.

Đây là mô hình phức tạp. Nó dựa trên sự dự tính, nghiên cứu rất kỹ. Các cầu thủ trong hệ thống này phải hiểu được các khả năng xảy ra trên sân và hiểu rõ vai trò của mình mọi lúc mọi nơi. Thực tế, có rất nhiều HLV từng thất bại khi áp dụng chiến thuật này”.

Theo phân tích của chuyên gia Alex Conrad, HLV Pep Guardiola luôn cố gắng chia sân thành 20 phần khác nhau. Trong đó các phần sáng (trên hình) là nơi cốt lõi. Bởi bóng sẽ được luân chuyển nhiều nhất. Pep Guardiola luôn cố gắng tạo ra những bộ ba tiền vệ để xây dựng bóng ở phần này. Điền hình như ở Barcelona là bộ ba Xavi, Iniesta, Busquets. Còn sang Man City là Fernandinho, David Silva và Kevin de Bruyne.

Pep Guardiola: Kẻ cuồng tín vĩ đại - 4

Phần sáng sẽ là nơi luân chuyển bóng nhiều nhất

Trong chiến thuật này, các hậu vệ cánh luôn được khuyến khích dâng cao (hơn cả tiền vệ trung tâm), để tăng cường sức tấn công. Còn khi mất bóng, các cầu thủ của Pep Guardiola sẽ tổ chức vây bắt nhanh, ngay bên phần sân đối thủ, với mục đích giành lại trái bóng một cách nhanh nhất.

Nói vậy để thấy, lối chơi của Pep Guardiola ngày nay không giống như bất kỳ HLV nào trong quá khứ. Nó được tổng hòa từ việc học hỏi những người thầy khác nhau (trong đó, Johan Cruyff có sức ảnh hưởng lớn nhất). Nó thậm chí còn tạo ra xu hướng chiến thuật mới ở thời điểm này.

Cũng bởi điều đó, Pep Guardiola được xem là kẻ cuồng tín với triết lý của mình. Thậm chí, nói không quá, HLV người Tây Ban Nha thực sự đắm chìm với thứ triết lý ấy.

Xavi từng chia sẻ về ông thầy cũ Pep Guardiola: “Pep Guardiola thực sự là gã cuồng công việc. Ông ấy luôn cầu toàn và tỉ mỉ trong mọi thứ. Tôi biết rằng khi gặp vấn đề nào đó, Pep Guardiola luôn cắm đầu vào công việc, cho tới khi tìm được lời giải mới thôi. HLV này chú ý tới từng chi tiết nhỏ. Do đó, mọi thứ dường như luôn diễn ra như tính toán của ông ấy”.

Cũng theo Xavi, Pep Guardiola “cuồng tín” tới mức luôn muốn mọi thứ diễn ra thật hoàn hảo: “Ông ấy rất ghét việc mất bóng và luôn đòi hỏi rất cao bởi từng cá nhân trong hệ thống của mình. Chúng tôi đã thấm nhuần triết lý của Johan Cruyff nhưng Pep Guardiola thực sự mang tới khác biệt. Ông ấy đã đưa triết lý ấy lên tầm cao mới”.

Toni Kroos (người từng làm việc với Jürgen Klinsmann, Louis van Gaal, Jupp Heynckes, Carlo Ancelotti và Rafael Benítez) cũng thừa nhận Pep Guardiola là HLV tốt nhất nhưng cũng tỉ mỉ nhất mà anh từng làm việc. “Ông ấy luôn lập trình mọi chuyện cụ thể. Ông ấy lập ra từng kế hoạch cho đội bóng, để đối phó với những kịch bản khác nhau của đối thủ” - tiền vệ người Đức chia sẻ.

Pep Guardiola: Kẻ cuồng tín vĩ đại - 5

Vị trí trung bình của các cầu thủ Man City trong trận đấu với Real Madrid. Nó cho thấy hai vị trí hậu vệ biên của Man City dâng lên rất cao

Pep Guardiola muốn mọi thứ hoàn hảo tới mức, yêu cầu các thủ môn không được phép phát bóng dài. Vì thế, tài năng của thủ thành Manuel Neuer đã vươn lên tầm mới, nhờ khả năng chơi chân tốt. Số lần chạm bóng của Neuer dưới thời Heynckes so với thời Pep Guardiola đã tăng từ 35% lên 80%.

Có chi tiết đáng chú ý. Ngay khi vừa tới Man City, Pep Guardiola đã “trảm” thủ môn số 1 Joe Hart vì không biết dùng tay. Cũng vì “tướng” Pep yêu cầu quá cao ở vị trí thủ môn nên không ít lần, Man City đã phải trả giá. Ngay cả Ederson, người được Pep Guardiola tin tưởng ở thời điểm này cũng mắc không ít sai lầm sơ đẳng vì... chơi chân.

Cùng nghe Pep Guardiola chia sẻ về triết lý: “Một thủ môn phải biết điều phối bóng. Họ cần đưa cầu thủ ở phía trên vào vị trí thuận lợi nhất. Tôi luôn thích lối chơi kiểm soát bóng. Đội bóng của tôi phải kiểm soát bóng nhiều. Ngay cả khi đối thủ phản công, thủ môn cũng phải đóng vai trò ngăn chặn nó”.

Pep Guardiola luôn là HLV có tư tưởng sáng tạo (không ít cầu thủ thi đấu ở vị trí trái với sở trường nhưng đều thành công) nhưng ông luôn giữ những nguyên tắc rất riêng của mình.

Chính sự cuồng tín đã làm nên Pep Guardiola vĩ đại.

H.Long