Ông Trần Văn Khánh làm HLV thủ môn cho Hoà Phát HN

Thủ môn ''vang bóng một thời'' Trần Văn Khánh sẽ đảm nhận công việc HLV thủ môn cho Hoà Phát HN trong mùa bóng 2006. Tại đây, ông sẽ được làm việc cùng HLV trưởng Vương Tiến Dũng, từng là đồng đội một thời gắn bó trong màu áo Thể Công.

Essele, Nguyễn Mạnh Dũng và Nguyễn Văn Tuấn sẽ là học trò của ông Khánh trong mùa giải tới. Mùa giải vừa qua, Nguyễn Văn Tuấn đã phẫn chí xin chấm dứt hợp đồng sớm vì không được sử dụng. Ông sẽ phải nghiên cứu về 2 thủ môn nội để tham mưu cho HLV trưởng trong các trận đấu.

 

Các nhà lãnh đạo Hoà Phát rất tin tưởng ở bộ ba Trần Bình Sự (GĐKT) - Vương Tiến Dũng (HLV trưởng) - Trần Văn Khánh (trợ lý HLV thủ môn). Một đội bóng mà có 2 HLV trưởng ĐTQG (Trần Bình Sự và Trần Văn Khánh), một HLV từng đưa Thể Công vô địch QG, siêu Cup QG (Vương Tiến Dũng), quả là hiếm ở BĐVN.

  

Từng là một thủ môn xuất sắc của Thể Công và ĐTQG Việt Nam, ông Khánh còn được biết đến như một HLV đội tuyển quốc gia trong thời gian ngắn nhất (chỉ có 4 ngày). Sau trận thua 0-3 trước Indonesia tại Tiger Cup 2004, HLV Tavares buộc phải ra đi và ông Khánh lên thay tạm thời. Cánh cửa vào bán kết coi như khép lại với ĐTVN nhưng ông Khánh vẫn quyết tâm lấy lại hình ảnh cho đội tuyển và đã thành công.

 

Ông tuyên bố chỉ các cầu thủ khoẻ mạnh nhất về tinh thần cũng như thể chất mới ra sân và ông đã thực hiện điều đó. Huỳnh Đức, Minh Quang, Quang Trãi nghỉ. Tuy nhiên ông cũng giành cho Huỳnh Đức một chút an ủi là đưa anh vào sân ở 10 phút cuối cùng. Trước đó, chính ông đã khuyên Tavares đừng dùng thủ môn Trần Minh Quang trong trận gặp ĐT Indonesia nhưng không được chấp thuận.

 

ĐTVN đã thắng, lối chơi cũng coi được, tinh thần thi đấu của các tuyển thủ ở mức khá. Ông thanh thản trở về với gia đình như trước đó ít ngày ông đã nhận sổ hưu ở đội Thể Công.

 

Ông Khánh sẽ chính thức đảm nhiệm công việc mới của mình tại Hoà Phát HN sau khi SEA Games 23 kết thúc. Hiện tại ông vẫn miệt mài với công việc trợ lý cho HLV Alfred Riedl.

 

Ông Khánh bước vào bóng đá năm 1966. Với những phẩm chất rất tốt về hình thể, về phản xạ và những kỹ năng cần thiết, khung gỗ được chỉ định làm vị trí của ông. Người đưa ông đến với khung thành chính là anh trai của ông, thủ môn ĐTQG Trần Văn Vĩnh. Chưa kịp ra mắt khán giả miền bắc thì Trường Huấn luyện Kỹ thuật TDTT TW giải tán theo chỉ thị 180/CT của chính phủ. Ông về Thể Công còn anh trai Trần Văn Vĩnh về đội TC Bưu Điện.

 

Về Thể Công năm 1969 thì năm 1970 ông ra mắt khán giả Thủ đô trong đội hình chính thức của Thể Công tiếp ĐT Cu Ba dịp kỷ niệm quốc khánh 2/9. Mấy ngày sau ông là thủ môn chính thức của ĐTVN tiếp ĐT Cu Ba. Từ đó trở đi, khung thành ĐTQG luôn là "sở hữu" của ông, mãi đến năm 1984 ông mới xa lìa nó. Người ta nói ông là người... "thọ" nhất ở vị trí thủ môn ĐTQG cũng như đội Thể Công.

 

Đời ông gắn liền với trái bóng, với khung thành từ năm 16 tuổi. Gia đình ông được gọi là "Gia đình thủ môn", mà là gia đình thủ môn của các ĐTQG.

Năm 1984 ông còn là thủ môn của ĐT các ngôi sao quân đội các nước XHCN. Đội tuyển này được thành lập sau giải SKDA 1984. Hai em ruột của ông là Trần Văn Thành, Trần Văn Trung cũng là thủ môn của ĐTQG, ĐT Thanh niên VN những năm 80, đầu 90. Cháu ruột ông là Trần Tiến Anh, thủ môn ĐTQG tại Tiger Cup 1998.

 

Theo Hải Dương

 Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm