Olympic Việt Nam: Thất bại thì đã sao? Hãy hiên ngang tiến bước!
(Dân trí) - Một thất bại trước đối thủ quá mạnh không phải là điều quá bất ngờ. Thất bại thì đã sao? Đôi khi chúng ta cần học cách đối diện thất bại như vậy, để làm tiền đề cho những giấc mơ xa hơn. Thế hệ học trò của thầy Park là thế hệ không cúi đầu. Một thế hệ có thể vượt qua thất bại để hiên ngang tiến về phía trước.
Sau những chiến thắng, thành công ở giải U23 châu Á và Asiad 2018, người ta đã vô tình khoác lên vai HLV Park Hang Seo và các học trò sự kỳ vọng quá lớn. Thậm chí, nhiều người “thần thánh hóa” thầy Park như một “thầy phù thủy” vĩ đại, một người bách chiến bách thắng mà quên mất rằng chúng ta đang đứng ở đâu trên bản đồ bóng đá châu Á.
Thử hỏi, trước khi HLV người Hàn Quốc đặt chân tới mảnh đất hình chữ S, có ai dám nghĩ tới việc U23 Việt Nam và Olympic Việt Nam sẽ thành công? Nhưng rồi, chúng ta đã xuất sắc vượt qua hàng loạt đối thủ mạnh hơn và thể hiện được tinh thần thi đấu vô cùng tuyệt vời. Những điều ấy đã chạm tới trái tim của những người hâm mộ. Tình yêu bóng đá đã sống dậy trong trái tim của nhiều người Việt Nam. Thậm chí, ngay cả những người trước đó chưa có nhiều khái niệm về trái bóng tròn cũng bỏ tất cả để hướng về thầy trò HLV Park Hang Seo.
Cá nhân người viết cho rằng danh hiệu không phải là điều quan trọng nhất với lứa trẻ. Điều quan trọng là họ có thể trưởng thành hơn trong thi đấu cũng như nhận thức cuộc sống, để vươn mình trong tương lai. Một điều nằm ngoài sức tưởng tượng là lứa U23 Việt Nam đã thành công và chiếm trọn cảm tình của người hâm mộ ở Việt Nam cũng như châu Á.
HLV Park Hang Seo đã đưa bóng đá Việt Nam ra khỏi thời kỳ u ám và mang tới niềm tin mạnh mẽ về thành công trong tương lai. Thành công của ông là việc “cởi trói tư duy” sợ sệt của bóng đá Việt Nam khi đối diện với những đối thủ mạnh mẽ hơn và truyền ngọn lửa chiến đấu, tinh thần dân tộc cho các cầu thủ Việt Nam.
Có một thực tế không thể phủ nhận, dưới thời HLV Park Hang Seo, các cầu thủ trẻ (dưới 23 tuổi) của Việt Nam đã tiến bộ vượt bậc về tư duy chơi bóng. Họ đã gắn kết thành tập thể, với lối chơi vô cùng kỷ luật.
Trên tất cả, thành công lớn nhất của HLV Park Hang Seo không chỉ là mang về thành tích cao cho lứa trẻ mà còn là "cởi trói tư duy" và truyền ngọn lửa chiến đấu cho họ
Từ chỗ tò mò, giới truyền thông châu Á (cũng như khu vực Đông Nam Á) đã nhìn bóng đá Việt Nam với sự nể phục. Từ chỗ “lót đường” ở giải đấu cấp độ châu lục, nay chúng ta đã có vị thế nhất định. Đó là thành công lớn. Việc ở vị thế khác cũng giúp chúng ta tự tin hơn rất nhiều khi đối diện với những “tảng núi”. Tư duy “khép nép” (ngay cả trước Thái Lan) cũng vì thế mất dần đi.
Nhiều người đã chỉ trích HLV Park Hang Seo về sai lầm ở trận gặp Olympic Hàn Quốc (cá nhân người viết chưa bàn tới điều đó) nhưng thử hỏi có ai mà không sai lầm (nếu có). Mọi chiến thuật đều như canh bạc ở mỗi trận đấu. Nếu nó vận hành tốt thì đội bóng sẽ có kết quả có lợi (và HLV Park Hang Seo sẽ được tung hô). Nhưng ở chiều ngược lại, nếu nó sai hướng thì đội bóng sẽ thất bại. Với diễn biến bất ngờ trong trận đấu, chẳng ai có thể dám chắc mình đúng 100%.
Thực tế, đội hình của HLV Park Hang Seo trong trận đấu với Hàn Quốc chính là đội hình từng giúp U23 Việt Nam ở giải U23 châu Á. Đức Huy đóng vai trò máy quét, Xuân Trường giữ nhịp trận đấu và phát động tấn công, còn Quang Hải chơi ở vị trí hộ công.
Chiến thuật chỉ vận hành tốt nếu như từng cá nhân chơi tốt. Tuy nhiên, đáng tiếc, cả Đức Huy, Xuân Trường cũng như hàng thủ Olympic Việt Nam đã thi đấu dưới sức. Chẳng thể trách họ. Nhiều người trong đó vừa trải qua 120 phút cày ải căng thẳng sau trận đấu với Olympic Syria ở tứ kết. Có thực tế không ai phủ nhận, chúng ta đã kiệt sức và không theo nổi tốc độ của trận đấu. Điều đó khiến chúng ta bị đánh vỗ mặt.
Nói vậy để thấy rằng, HLV Park Hang Seo cũng có lý khi sử dụng đội hình đó. Nếu các cầu thủ tuyến giữa của chúng ta áp sát đủ tốt thì có thể hạn chế sự nguy hiểm của bộ tứ tấn công siêu đẳng của Olympic Hàn Quốc. Đáng tiếc, thể lực không cho phép chúng ta có thể chia cắt được tuyến tiền vệ và tiền đạo của đối thủ. Ở chiều ngược lại, chẳng ai dám chắc lối chơi đổ bê tông có thể giúp chúng ta đứng vững trước Hàn Quốc có hàng công quá mạnh (chỉ khi trận đấu diễn ra mới có thể kiểm chứng).
Thất bại của ngày hôm nay sẽ là bước đệm cho ngày mai
Suy cho cùng, việc chúng ta thất bại trước Olympic Hàn Quốc chẳng phải là điều gì quá to tát. Đối thủ của thày trò HLV Park Hang Seo quá mạnh mẽ. Họ gần như đội tuyển quốc gia thu nhỏ với nhiều cầu thủ thi đấu ở châu Âu (và các giải VĐQG hàng đầu châu Á).
Những sự “thần thánh hóa” HLV Park Hang Seo những sự kỳ vọng quá lớn vào danh hiệu của lứa đội trẻ (U23) đã biến thành sự phản ứng thái quá sau trận đấu. Tại sao chúng ta không đón nhận thất bại theo cách tích cực hơn?
Suy cho cùng, thất bại thì đã sao (nhất là ở lứa trẻ)? Nó chẳng phải là điều quá to tát. Trong cuộc sống, ai chẳng có đôi lần thất bại. Chẳng lẽ, cứ sau mỗi lần thất bại trong cuộc sống, chúng ta lại phản ứng tiêu cực như vậy? Điều quan trọng, chúng ta học được gì từ thất bại ấy và đứng dậy ra sao.
Đôi khi một cú ngã cũng là điều tốt với những cầu thủ trẻ. Nó giúp họ ý thức được bản thân hơn và khát khao vươn tới thành công hơn. Nên nhớ, khi chúng ta thất bại ở “cửa thiên đường” thì khát khao “phục hận” sẽ càng lớn hơn gấp bội.
Đích đến cuối cùng của Việt Nam là đội tuyển quốc gia (đó là mới đội cần danh hiệu, chứ không phải lứa trẻ). Nhiều thành viên của đội U23 Việt Nam đã, đang và sẽ là thành viên của đội tuyển quốc gia trong tương lai. Nói vậy để thấy rằng, chúng ta đang có sự chuẩn bị tốt cho tương lai (gần nhất là AFF Cup 2018).
Bài học đầu tiên mà thầy Park truyền dậy tới học trò là “Chúng ta đã cố gắng hết sức. Tại sao phải cúi đầu?”. Cá nhân người viết có niềm tin mạnh mẽ rằng thế hệ U23 Việt Nam sẽ là thế hệ không cúi đầu. Họ sẽ hiên ngang, ngẩng đầu và sẵn sàng đương đầu với khó khăn ở phía trước.
Nếu trong tương lai, đội tuyển Việt Nam có thành công, xin hãy nhớ về những thất bại của lứa trẻ ngày hôm qua (trước Olympic Hàn Quốc hay U23 Uzbekistan).
H.Long