Những tiêu chí nào dành cho các ứng viên chủ chốt của VFF?

(Dân trí) - Cho đến thời điểm hiện tại, VFF đã công bố danh sách các ứng viên cho những vị trí chủ chốt của tổ chức này ở nhiệm kỳ 8, kèm theo các tiêu chuẩn và tiêu chí dành cho các ứng viên đấy.

Ở nhiệm kỳ 8, sẽ có thay đổi trong số lượng ủy viên Ban chấp hành (BCH) VFF, từ 23 người trong nhiệm kỳ 7, rút gọn xuống còn 17 người ở nhiệm kỳ 8, theo chủ trương tinh giảm nhân sự mà FIFA đề ra.

Trong số 17 uỷ viên BCH VFF nhiệm kỳ 8, sẽ có 5 người được bầu vào thường trực, bao gồm 1 chủ tịch, 3 phó chủ tịch (PCT), lần lượt phụ trách các mảng chuyên môn, truyền thông đối ngoại và tài chính – vận động tài trợ, cộng thêm 1 uỷ viên thường trực. 12 uỷ viên BCH còn lại sẽ được phân công vào các ban chức năng và các lĩnh vực hoạt động cụ thể của VFF.

Cũng khác với các nhiệm kỳ trước, VFF cũng đề ra tiêu chí và tiêu chuẩn cụ thể để ngồi vào các vị trí chủ chốt của tổ chức này.

Ngoài việc xác định các ứng viên cho những vị trí chủ chốt nhất, VFF cũng đã xác định xong tiêu chí dành cho các ứng viên (ảnh: Trọng Vũ)
Ngoài việc xác định các ứng viên cho những vị trí chủ chốt nhất, VFF cũng đã xác định xong tiêu chí dành cho các ứng viên (ảnh: Trọng Vũ)

Hiện, có 4 ứng cử viên cho ghế chủ tịch VFF đã được đề cử, trước Đại hội nhiệm kỳ 8, đó là các ông Trần Quốc Tuấn (đương kim PCT phụ trách chuyên môn), ông Nguyễn Công Khế (chủ tịch tập đoàn truyền thông Thanh Niên), ông Lê Quý Phượng (nguyên Hiệu trưởng trường Đại học TDTT 2 – TPHCM) và ông Cấn Văn Nghĩa (giám đốc khu liên hợp thể thao quốc gia).

Tiêu chí dành cho các ứng viên ghế chủ tịch VFF nhiệm kỳ 8 là phải có tầm ảnh hưởng xã hội, có tư duy ở tầm chiến lược, có kinh nghiệm quản lý, có bản lĩnh chính trị.

Trong khi đó, tiêu chí dành cho các ứng viên ở các ghế PCT là ngoài việc có kinh nghiệm quản lý, phải có thêm chuyên môn và kinh nghiệm ở mảng mà mình phụ trách, tốt nghiệp đại học chuyên ngành trở lên.

Ví dụ như ứng viên ghế PCT phụ trách chuyên môn của VFF phải tốt nghiệp Đại học chuyên ngành TDTT, có chuyên môn bóng đá, có kinh nghiệm. Đấy chính là lý do vì sao mà ông Dương Vũ Lâm vượt trội so với các đề cử khác cho vị trí này.

Ông Lâm từng tốt nghiệp Đại học chuyên ngành TDTT tại Nga năm 1985, từng tốt nghiệp lớp HLV bóng đá cao cấp tại Brazil năm 1993 (cùng khoá với cựu Tổng thư ký AFC Alex Soosay), từng 1 nhiệm kỳ làm PCT VFF phụ trách chuyên môn (khoá 5), 2 nhiệm kỳ làm Tổng thư ký Liên đoàn bóng đá TPHCM (HFF – khoá 2 và khoá 4, riêng nhiệm kỳ 2 ông Lâm kiêm luôn vai trò PCT HFF).

Tương tự như thế, tiêu chí dành cho vị trí PCT phụ trách tài chính – vận động tài trợ của VFF là có kinh nghiệm hoạt động trong lãnh vực tài chính, thương mại, có năng lực quản trị, am hiểu về pháp luật tài chính, có quan hệ rộng trong giới doanh nhân, tốt nghiệp đại học trở lên.

Dựa theo các tiêu chí này, cũng giống như ông Dương Vũ Lâm ở đề cử PCT phụ trách chuyên môn, ông Trần Anh Tú vượt trội hơn các đề cử khác cho vị trí PCT phụ trách tài chính – vận động tài trợ. Ông Tú từng là sỹ quan quân đội, có 2 bằng cử nhân ở 2 chuyên ngành khác nhau, 1 là chuyên nghành về kỹ thuật, 2 là bằng cử nhân luật, chuyên nghiên cứu về luật kinh tế.

Ngoài kinh nghiệm quản lý bóng đá, trong vai trò chủ tịch HFF, chủ tịch HĐQT VPF, ông Trần Anh Tú còn là ông chủ của một doanh nghiệp có tiếng ở Việt Nam hiện nay.

Riêng tiêu chí dành cho các ứng viên ở vị trí PCT phụ trách truyền thông là phải có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, có quan hệ với giới báo chí, quan hệ với công chúng, tốt nghiệp đại học chuyên ngành trở lên.

Hiện, có 5 ứng viên được đề cử cho ghế PCT phụ trách truyền thông của VFF là các ông Nguyễn Xuân Gụ (đương kim PCT VFF ở mảng vừa nêu), ông Nguyễn Lân Trung (cựu PCT VFF phụ trách truyền thông), ông Cao Văn Chóng (cựu Tổng giám đốc VPF), ông Nguyễn Văn Phú (Tổng biên tập báo Bóng Đá) và ông Lê Thành Trung (Phó Tổng giám đốc HDBank).

Kim Điền

Những tiêu chí nào dành cho các ứng viên chủ chốt của VFF? - 2

Dòng sự kiện: Đại hội VFF

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm