Bóng đá Đông Nam Á - Góc nhìn Tiger Cup:
Những lời tự vống trơ trẽn
(Dân trí) - Cái Cup tiền tiêu và... tiêu tiền của “Ao làng” ĐNÁ đã kết thúc với chiến thắng cho người Singapore. Nhưng những gì còn lại đằng sau nó cho thấy cái gọi là “vùng trũng” đã trở thành một “bãi sình” mà trong đó BĐVN đang tụt dần xuống đáy.
1. Những giá trị ảo
"Cup con Hổ" năm nay có thêm vòng sơ loại. Mục đích không nằm ngoài việc loại bớt những “ngân hàng điểm” để tăng tính hấp dẫn của VCK. Kết quả đã rõ, Brunei, Campuchia và Đông Timor bị knock-out khỏi cuộc chơi cuối cùng, mở đường cho Lào và Phillipines vào VCK.
Với số đội tham dự co lại còn 8, các nhà tổ chức có lẽ đã hy vọng vào một giải đấu đổi mới cả rượu lẫn bình. Bởi việc đo đong chất lượng chuyên môn của một giải đấu luôn rất cảm quan và thiếu căn cứ, người ta thường mượn hiệu suất bàn thắng và sự quan tâm của khán giả làm thước đo.
Xét trên căn cứ thứ nhất, rất dễ bị đánh lạc hướng bởi hiệu suất 53 bàn/18 trận, tức xấp xỉ 3 bàn/trận. Đó là một con số lý tưởng trong bóng đá hiện đại nhưng ngặt nỗi: trong số 53 bàn thắng, có đến 32 được ghi trong 6 trận có Lào và Phillipines (trung bình 5,3 bàn/trận) trong số đó có những trận thắng với cách biệt trên dưới 10 bàn. (Xem biểu đồ dưới).
Trong số 12 trận đấu giữa các đội có “máu mặt” với nhau, chỉ có 20 lần các chân sút lập công (trung bình 1,6 bàn/trận).
Điều đáng nói là hiệu suất thấp kém này không xuất phát từ những thế trận phòng thủ chặt chẽ, mà xuất phát từ sự yếu kém của hàng công. Có người nói vui, nếu có danh hiệu dành cho Chân sút bỏ lỡ nhiều cơ hội nhất, sẽ có rất nhiều ƯCV mà tiêu biểu là Công Vinh, Thanh Bình, Sarayoot, Pipat... Vua phá lưới Nor Alam Shah dù ghi đến 10 bàn thắng (trong đó có 7 bàn vào lưới Lào), cũng khó đứng ngoài danh sách này.
Điều này kéo theo việc các trận hoà 0-0 (3 trận), 1-1 (5 trận) trở thành kịch bản đặc trưng của AFF Cup 2007. Cách lý giải tốt nhất chính là: “Chiếu trên” ĐNÁ đang níu chân nhau trong sự thụt lùi chung so với mặt bằng thế giới.
Xét trên căn cứ thứ 2, AFF Cup 2007 là một thất bại. Không có gì biện minh được việc Singapore tiếp VN trên sân nhà National mà khán giả VN chiếm số đông. Không có sự vẽ vời nào làm mờ đi hình ảnh sân Supachalasai tẻ ngắt dù Thái Lan tiếp Myanmar, Malaysia.
Sức nóng của AFF Cup chỉ được thổi bùng lên khi Singapore đụng độ người hàng xóm không thân thiện Malaysia và VN gặp lại đối thủ muôn kiếp Thái Lan ở vòng BK. Sự chật chội của những cái sân làm ấm lòng những nhà tổ chức, nhưng đừng quên rằng Mỹ Đình từng kín chỗ khi VN hoà Thái Lan ở Agribank Cup còn sân National (Singapore) hay sân Senayang (Malaysia) đều không đủ sức chứa trong 2 trận giao hữu giữa 2 đội trong năm 2006.
Dấu ấn đậm nét nhất của AFF Cup, buồn thay là sự lên ngôi của triết lý bóng đá thực dụng đến tàn nhẫn của Avramovic và một phần nào đó là phản ứng thái quá của ĐT Thái Lan sau tiếng còi oan nghiệt của ông trọng tài “làng” người Malaysia C. Ravichandran.
2. Bệnh thành tích và hai lời “hứa cuội”
Bước vào giải, có 3 lời tuyên bố “Vào chung kết” từ Avramovich, Withe và Riedl. Ông Chanvit không nói, nhưng ai cũng ngầm hiểu Thái Lan cầm chức vô địch để trấn an dư luận sau thất bại tại ASIAD (không lọt vào Bán kết). Cũng có thể hiểu đơn giản hơn, người Thái cần thắng vì “Thái Lan là số 1 và không có cách nào giải thích cho thất bại” như chính ông Chanvit tuyên bố sau trận BK lượt đi với VN.
Nhưng rốt cục, chỉ có Avramovic thành công nhờ triết lý “boxing hoá bóng đá” của mình. Withe ra đi khi Indonesia dừng chân từ vòng bảng, Chanvit bị dư luận Thái Lan đòi từ chức và đang tìm bến đỗ mới ở Đồng Tháp. VFF đã chán ngấy ông Riedl nhưng chưa tìm được biện pháp hay ho để đẩy ông đi, còn ông Riedl vẫn lấp liếm biện minh cho cái mục tiêu vẽ vời của mình bằng luận điệu “chúng ta không may”.
Nhưng trên tất cả, đúng như lời khẳng định của Avramovich trước giờ khai cuộc: “Không HLV nào ở ĐNÁ không chịu áp lực thành tích”, cái “Ao làng” ĐNÁ đang vật vã trong giấc mơ thành tích, dù chỉ là một chiếc Cup ăn liền để vuốt ve dư luận và giữ ghế, giữ ngôi.
3. Việt Nam nằm ở đâu trong “Ao làng”?
Chiếc Cup AFF năm nay như một cái tát chát chúa vào những lời tự vống: “Ở ĐNÁ, VN là số 2 sau Thái Lan”. Thước đo nào cho vị thế của một nền bóng? trước hết đó là ĐTQG, hay đúng hơn là thành tích của ĐTQG ở các đấu trường chính thức.
Sau 5 trận đấu, VN có duy nhất 1 trận thắng trước Lào, còn lại là 3 trận hoà, 1 trận thua trên sân nhà và không ghi nổi một bàn thắng theo đúng nghĩa.
Cái BXH của FIFA có thể hơi “ẩm ương”, nhưng cũng có cái lý của mình. Nhà cái S-pools vẫn tồn tại đến nay và ngày càng giàu sụ đã đặt Singapore và Thái Lan lên đầu VN trong tỷ lệ vô địch.
Hình như chỉ có các nhà làm bóng đá VN không ý thức được vị thế của mình. Ông trưởng đoàn Trần Quốc Tuấn tự tin “ĐTVN đủ sức thắng Thái Lan”, ông HLV tuyên bố sẽ đánh bại cả Singapore và Indonesia để đứng đầu bảng. Tất cả chỉ là phù phiếm, sự thật trên sân cỏ đã vạch trần mọi lời tự vống, mọi lời ve vuốt và che mắt nhau.
Thực trạng đó không phải là cá biệt, mà trong 6 lần dự giải đấu lớn nhất khu vực này, VN chỉ “đồng sàng, đồng mộng” với Indonesia và Malaysia, và bị Thái Lan, Singapore bỏ xa về thành tích (cùng chia đều 6 chức vô địch) và cả số trận thắng.
Biểu đồ sau chỉ rõ diện mạo chung trong cuộc đua thành tích của bóng đá ĐNÁ sau 6 kỳ Tiger Cup (nay là AFF Cup):
Với số trận đấu tương đương nhau (33 trận với Indonesia, Singapore và 32 trận với Thái Lan, Malaysia và VN) có thể thấy Thái Lan vẫn đứng đầu với 19 trận thắng (ngang bằng với Singapore nhưng ít hơn 1 trận đấu). VN và Indonesia cũng xếp thứ 3 với 16 trận thắng, hơn đúng 1 trận so với Malaysia.
Đành rằng những thắng-bại cụ thể không phải là căn cứ duy nhất để phán xét thực lực của các đội bóng, vẫn xin “cầm nhầm” mục tiêu thành tích cố hữu của “Ao làng” ĐNÁ để chỉ ra vị thế đích thực của BĐVN.
Xin mượn cái biểu đồ từ BXH “dở hơi” của FIFA để làm cái kết cho bản sơ kết không chính thức này (Kèm một lời xin lỗi đến quý bạn đọc vì "ông FIFA" chưa cập nhật bảng so sánh tháng1/2007):
* (Trong biểu đồ: đường màu vàng chỉ vị trí của BĐVN qua 11 năm từ 1996-2006. Tương tự, các đường màu đỏ, xanh lục, xanh lam lần lượt là vị trí của Indonesia, Singapore và Thái Lan).
Hồng Kỹ