Nghèo đâu phải tội!
Bàn chuyện tương lai của BĐ VN sau khủng hoảng, điều đầu tiên ông Riedl khẩn thiết yêu cầu LĐBĐVN là "đề nghị CLB dạy văn hoá, giáo dục ứng xử và kỷ luật cho cầu thủ", giúp họ tự bảo vệ mình trước cám dỗ, vì giờ ông đã hiểu, thiếu hiểu biết là "đường" đưa những cầu thủ trẻ nhanh sa ngã.
Những cầu thủ trẻ dưới 23 tuổi trót nhúng chàm đều từng qua cảnh nghèo. Quốc Vượng, Văn Quyến ở xứ Nghệ trước khi đổi đời nhờ bóng đá chỉ là những cậu bé chăn trâu hay giúp bố mẹ nuôi lợn. Quốc Anh ở vùng cao Trà My xứ Quảng từng đi học mòn cả dép chứ không dám mơ đến chiếc xe đạp.
Khi công an thực hiện lệnh khám xét nhà Bật Hiếu ở Thanh Hoá mới biết gia cảnh chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc xe máy cầu thủ này hay dùng... Hải Lâm ở Bắc Ninh, Văn Trương ở Huế, Phước Vĩnh ở Đà Nẵng cũng thế...
Cái nghèo không có tội!
Chỉ tội cho các em chỉ biết đá bóng, vào đời mà chưa được người lớn trang bị đầy đủ kiến thức văn hoá đề kháng trước sự cám dỗ của những đồng tiền bẩn.
Ngày còn ở đội tuyển U16, các đồng đội của Quyến và Vượng hay kể lại những kỷ niệm sâu sắc không thể nào quên về cái sự "đói cho sạch, rách cho thơm" mà mủi lòng. Mấy em từng lăn lóc tập đá bóng cả ngày, mồ hôi lấm lem mà chỉ chịu uống trà đá, rồi cứ nhìn nhau cười khúc khích.
Hôm nào lĩnh bồi dưỡng vài chục ngàn, cả nhóm lại hùn tiền nhau mua con khô mực chấm tương ớt nhai ngấu nghiến cho đã rồi xuýt xoa chảy cả nước mắt nước mũi. Thời của trái bắp củ khoai bẻ đôi cho nhau ấy sao mà đáng yêu biết bao...
Cái nghèo không có tội!
Tài năng bóng đá giúp các em đổi đời nhanh quá khiến cho cái sự học văn hoá theo không kịp. Quốc Vượng chỉ học đến lớp 7, Văn Quyến học xong lớp 5...
Không ít nhà làm bóng đá xứ Nghệ chỉ biết dạy đá bóng và vắt kiệt sức các em cho các hợp đồng quảng cáo lấy tiền, mà quên chăm lo đến đời sống tinh thần và văn hoá cho các em.
Năm 2004, chính Văn Quyến chia cho đội bóng 600 triệu đồng tiền quảng cáo mà Ban huấn luyện đã "bỏ qua" nghi án bán độ ở bán kết Cúp Quốc gia! Cái công của Quyến mang tiền về cho đội và cái tội làm độ đã bị người lớn cố tình lầm lẫn và bị xí xoá đi thật dễ dàng.
Quốc Vượng nhiều lần bị kỷ luật vì thói hung hăng thích đánh người, nhưng cái kiểu giơ cao đánh khẽ rồi lại cho lên đội lớn đã không giúp em ý thức được hành vi của mình.
Vượng đã sẵn sàng vay nợ bạc tỷ chơi cá độ bóng đá mà không thể nghĩ đến mức lương hơn chục triệu hằng tháng của mình sẽ làm thay đổi cuộc sống nông nghiệp của gia đình.
Cái nghèo không có tội!
Nhưng thật tiếc, thêm hai cầu thủ nức tiếng hiền lành và chân chất của bóng đá Đà Nẵng lại sa chân vào vũng bùn tội lỗi. Mẹ Quốc Anh ở vùng núi Trà My (Quảng Nam) đã khóc hết nước mắt vì con ngỗ nghịch và cho đến giờ vẫn không thể kiếm đâu ra tiền đi Hà Nội thăm con.
Ai cũng nghĩ Quốc Anh sẽ không thể tệ hại với xuất thân từ vùng khó nghèo. Vậy mà, trong vòng 10 ngày, Quốc Anh đã chơi bời gần hết 40 triệu đồng bán độ và chỉ kịp tặng người yêu 10 triệu đồng rồi giấu 4,5 triệu trong thẻ tín dụng.
Riêng Phước Vĩnh mới 5 năm trước học rất giỏi ở trường Phan Chu Trinh (Đà Nẵng) và đá bóng cực hay, lại đi mềm lòng trước sức cám dỗ của đồng tiền đen.
Cái nghèo không có tội! Chỉ tội cho các em chưa được người lớn dạy cho các bài học về đạo đức, bài học làm người trước khi dạy các em đá bóng giỏi, để bây giờ phải mang tội!
Theo Quang Minh - Gia Huy
Lao động