1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Lý Hoàng Nam từng 2 lần từ chối lên đội tuyển

(Dân trí) - Được gọi lên ĐTQG là một vinh dự, niềm tự hào với bất cứ HLV, VĐV nào, nhưng từ năm 2012 tới nay, HLV Trần Đức Quỳnh và VĐV Lý Hoàng Nam đã từ chối nhiệm vụ Quốc gia. Tuy nhiên, chính những quyết định này của thầy trò Hoàng Nam, đã tạo nên cột mốc mới cho quần vợt Việt Nam.

Để chuẩn bị cho Vòng loại Davis Cup 2014-Nhóm II khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đội tuyển Quần vợt nam với danh sách gồm 2 HLV và 6 VĐV đã được triệu tập từ ngày 8-1đến 20/2/2014 tại Đà Lạt (Lâm Đồng). Trong danh sách này, HLV Trần Đức Quỳnh và VĐV Lý Hoàng Nam của đơn vị Bình Dương cũng có tên.

Ít ngày sau khi có giấy triệu tập lên ĐTQG, đơn vị chủ quản của HLV Trần Đức Quỳnh và VĐV Lý Hoàng Nam đã có văn bản gửi Liên đoàn quần vợt Việt Nam (VTF) với nội dung xin được cho cả 2 không tham dự đội tuyển. Lý do được Bình Dương đưa ra là HLV Đức Quỳnh và VĐV Hoàng Nam vừa tập huấn tại Mỹ về nên cần thời gian nghỉ ngơi.

Hoàng Nam đã hai lên từ chối làm nhiệm vụ quốc gia

Hoàng Nam đã hai lên từ chối làm nhiệm vụ quốc gia

Phía Bình Dương cho rằng Davis Cup nhóm II là giải đấu lớn, thi đấu 5 set, không phù hợp với VĐV chưa trưởng thành về mặt thể chất cũng như tâm lý, dễ gây chấn thương. Mục đích chính của đơn vị này trong việc không cho quân lên tuyển, là để Lý Hoàng Nam chuẩn bị tập huấn thể lực tại CH Séc trong tháng 4 để chuẩn bị cho giải trẻ Pháp mở rộng 2014. Trong khi đó, HLV Trần Đức Quỳnh sẽ tham dự lớp học đào tạo về quản lý thể thao và quản lý học viện quần vợt chuyên nghiệp tại Mỹ.

Tất nhiên, những lý do mà Bình Dương đưa ra đã bị VTF từ chối. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VTF cho rằng, sau khi HLV Trần Đức Quỳnh và VĐV Lý Hoàng Nam về nước từ Mỹ, có khoảng hơn 20 ngày là quá đủ để nghỉ ngơi. Hơn nữa, việc gọi lên ĐTQG là quyết định của Tổng cục TDTT, các HLV, VĐV không được phép từ chối nếu không có lý do chính đáng.

“Hoàng Nam lên tuyển không chỉ vì lợi ích cho quần vợt Việt Nam mà còn là nghĩa vụ quốc gia. Nếu không có lý do chính đáng, VĐV này có thể bị cấm thi đấu đến ba năm. Nếu án phạt này được đưa ra, sự nghiệp của Hoàng Nam sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều”, ông Kỳ nói.

Đây không phải là lần đầu tiên HLV Trần Đức Quỳnh và học trò ruột của mình từ chối lên tuyển. Lần trước, khi được triệu tập dự Davis Cup 2012, cả hai đã đưa ra lý do bất đồng về phương pháp huấn luyện của chuyên gia người Australia, Michael Baroch và không thấy cần thiết phải thuê chuyên gia cho đội tuyển.

Việc HLV Trần Đức Quỳnh và Lý Hoàng Nam đã 2 lần từ chối đội tuyển là quá đủ để cơ quan quản lý nhà nước về TDTT ra án phạt. Thậm chí ngay VTF khi căn cứ vào qui chế quản lý đội tuyển, cũng có đủ căn cứ pháp lý để phạt Lý Hoàng Nam và thông báo việc này với Liên đoàn Quần vợt thế giới.

Theo ông Kỳ, việc HLV và VĐV từ chối lên tuyển có thể sẽ tạo những tiền lệ xấu. VĐV chuyên nghiệp cần phải có nghĩa vụ với đội tuyển quốc gia.

Cuối cùng thì Ban thường vụ Liên đoàn quần vợt Việt Nam (VTF) đã họp tại Hà Nội và đưa ra quyết định xử phạt đối với tay vợt Lý Hoàng Nam. Do hai lần liên tiếp không chấp hành quyết định triệu tập vào đội tuyển quốc gia, tay vợt này bị cấm thi đấu các giải đấu trong nước do VTF tổ chức trong năm 2014, không triệu tập vào đội tuyển quốc gia từ nay đến hết năm 2014.

Song, cũng chính từ án phạt này, mà Hoàng Nam mới có bước tiến như ngày hôm nay. Anh không phải tham dự các giải đấu cấp thấp, mà có cơ hội chinh phục các giải đấu tầm ITF hay ATP. Hoàng Nam đã cho thấy sự hỗ trợ của Liên đoàn chỉ là một phần, nhưng để có được thành công, phải là sự nỗ lực của bản thân và sự đầu tư đúng tầm của đơn vị chủ quản.

Hiểu Minh

 

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp cho chuyên mục thể thao, quý độc giả có thể gửi đến ban Thể thao báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email thethao@dantri.com.vn. Xin trân trọng cảm ơn!