1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Khái niệm trọng tài “hoàn thành nhiệm vụ” trong bóng đá Việt Nam

(Dân trí) - Trọng tài Trần Xuân Nguyện được tuyên “trắng án” ở sự cố ở sân Pleiku. Vấn đề nằm ở chỗ Ban trọng tài khéo léo chỉ phân tích những tình huống mà phía HA Gia Lai khiếu nại, nhưng không nhìn tổng thể trận đấy ông Nguyện có làm tốt nhiệm vụ hay không? Có công bằng hay chưa?

Ví dụ như tình huống của trọng tài Trần Xuân Nguyện phạt thẻ đỏ A Hoàng bên phía HA Gia Lai ở phút 60, được đánh giá là đúng luật. Nhưng kỳ thực Ban trọng tài khi mổ băng phân tích tình huống rút thẻ vàng thứ 2 cho A Hoàng của trọng tài Trần Xuân Nguyện, đã phân tích đến chuyện trọng tài Nguyện làm đúng phương pháp hay chưa?

Trước đó, tình huống phạt thẻ của trọng tài Trần Xuân Nguyện được chính người trong giới trọng tài nhận định là sai phương pháp. Đồng thời trong quá trình trận đấu diễn ra, ông Nguyện nhiều lần cũng không phối hợp tốt với các trợ lý.

Chỉ có điều khi “mổ” băng, Ban trọng tài chỉ “soi” đúng các tình huống mà phía HA Gia Lai khiếu nại, chứ chưa xét tổng thể phương pháp điều hành của trọng tài Trần Xuân Nguyện trong cả trận ra sao? Có công bằng hay chưa? Tại sao những tình huống gây tranh cãi chỉ gây bất lợi cho 1 đội, và làm lợi cho đội còn lại?

Trận đấu suýt vỡ mà trọng tài vẫn được đánh giá là hoàn thành nhiệm vụ thì quá khó hiểu cho công tác điều hành trọng tài
Trận đấu suýt vỡ mà trọng tài vẫn được đánh giá là hoàn thành nhiệm vụ thì quá khó hiểu cho công tác điều hành trọng tài

Đặc biệt, tình huống tổ trọng tài “bẻ còi” khi Thanh Hoá phản ứng quá phản cảm. Tình huống đấy khiến trận đấu phải tạm dừng trong gần 3 phút, có thể tạo tiền lệ nguy hiểm ở chỗ chẳng khác nào cổ vũ các đội bóng cứ gây áp lực cho trọng tài biết đâu sẽ thay đổi được kết quả, thay đổi được quyết định của các ông vua sân cỏ.

Ban trọng tài, mà cụ thể là ông trưởng ban Nguyễn Văn Mùi cũng không nói rõ nếu đã làm tốt, làm đúng phương pháp ngay từ đầu thì tại sao các thuộc cấp của ông trong trận đấu đấy phải để trận đấu bị gián đoạn, rồi phải thay đổi quyết định?

Cách lý giải về những tình huống bỏ qua 2 quả phạt đền của HA Gia Lai từ phía Ban trọng tài cũng chưa thuyết phục được người nghe, bởi lý giải theo Ban trọng tài thì đấy là các pha bóng “thổi cũng được, không thổi cũng được”, tuỳ vào nhận định của trọng tài.

Họ quên mất rằng luật là luật, luật chỉ có đúng hoặc sai, chứ làm gì có khái niệm “gần đúng”, mà muốn xử sao, thổi sao cũng được? Cầu thủ của Thanh Hoá khi tác động vào cầu thủ của HA Gia Lai trong khu vực 16m50 của đội bóng xứ Thanh hoặc phạm lỗi, hoặc chưa phạm lỗi.

Ở đây, trọng tài “thổi cũng được”, tức là trọng tài Trần Xuân Nguyện hoàn toàn có thể bắt lỗi đội bóng xứ Thanh, nhưng hà cớ gì ông lại cho qua? Trong khi cũng chính ông Nguyện rất khắt khe với các lỗi, dù nhỏ (như chiếc thẻ vàng thứ 2 của A Hoàng) bên phía đội bóng phố núi?

Ban trọng tài khi mổ băng “bào chữa” cho cấp dưới, kết luận trọng tài Trần Xuân Nguyện không sai. Nhưng chẳng hiểu với họ thì khi nào công tác trọng tài mới được xem là sai?

Trận đấu suýt vỡ, các thành viên của 2 bên thay phiên nhau phản ứng khiến trận cầu HA Gia Lai – Thanh Hóa nhiều lần phải ngắt quãng, cả tổ trọng tài dẫn dắt người xem đi từ sự ngờ vực này đến sự sửng sốt khác mà được đánh giá là tốt, là hoàn thành nhiệm vụ, thì chẳng hiểu như thế nào mới nên chấn chỉnh khâu trọng tài, khi nào mới cần bồi dưỡng lại năng lực của trọng tài?

Kim Điền

Khái niệm trọng tài “hoàn thành nhiệm vụ” trong bóng đá Việt Nam - 2

Dòng sự kiện: V-League 2017