Johan Cruyff: Vị “sứ giả” của Chúa trời

(Dân trí) - Johan Cruyff đã từ biệt thế giới để trở về Chúa trời. “Vị thánh” ấy đã hoàn thành sứ mạng của mình. “Thánh Johan” ra đi nhưng đã để lại cho thế giới bóng đá vẻ đẹp và giá trị vĩnh hằng.

“Môn đồ” của bóng đá tổng lực

Ngày Johan Cruyff về với Chúa trời, trang chủ UEFA nổi bật với dòng tít: “Luôn nhớ mãi về ông, cầu thủ của người hâm mộ”. Trong đó, tác giả nhấn mạnh: “Cùng với Rembrandt và Vincent van Gogh, ông nằm trong số nhân vật nổi tiếng nhất lịch sử Hà Lan”. Theo nghiên cứu, hai tỷ người trên thế giới biết tới tên của Johan Cruyff.

Johan Cruyff đã có sự nghiệp vĩ đại
Johan Cruyff đã có sự nghiệp vĩ đại

Tất cả đều cho thấy tầm vóc khổng lồ của “thánh Johan”. Ông sinh ra để thuộc về bóng đá đẹp, thuộc về người hâm mộ. Trong suốt cuộc đời Johan Cruyff luôn tâm niệm: “CĐV bỏ tiền bạc, thời gian đến sân, sao chúng ta lại tra tấn họ? Khán giả nuôi sống chúng ta, tại sao lại không chiều lòng họ”.

Vẻ đẹp của Johan Cruyff toát lên từ gương mặt lãng tử, đầy cuốn hút. Bất cứ ai có thể nhầm ông với tài tử điện ảnh. Tuổi thơ cơ hàn cùng với sự ra đi quá sớm của người cha không hề làm gương mặt ấy bớt đi chất lãng mạn.

Thế nhưng, vẻ đẹp ấy dễ dàng phai nhạt theo thời gian. Vẻ đẹp thực sự làm nên sự vĩ đại của Johan Cruyff nằm ở đôi chân và bộ não thiên tài. Mẹ và dượng của Johan Cruyff đều là nhân viên dọn vệ sinh ở CLB Ajax Amsterdam. Ngày ngày, họ bước qua cánh cửa SVĐ nhưng họ chẳng thể ngờ, từ cánh cửa ấy, một trong những huyền thoại vĩ đại nhất của bóng đá thế giới sẽ ra đời, ông chính là Johan Cruyff.

Johan Cruyff ăn tập ở Ajax từ nhỏ nhưng chỉ tới khi ông thày Rinus Michel tới với Ajax năm 1965 (1 năm sau sau Johan Cruyff ra mắt Ajax), ông mới thực sự tìm thấy “thứ ánh sáng” của đời mình, đó là thứ bóng đá tổng lực. Trong đó, “thánh Johan” chính là trung tâm của lối chơi ấy. Sau này, khi là HLV, Johan Cruyff đã thực sự nâng tầm triết lý ấy.

Đó là “cuộc gặp gỡ” của định mệnh, nó đã khiến lịch sử bóng đá thế giới sang trang. Johan Cruyff (với triết lý của Rinus Michel, người đã chuyển sang Barca) đã giúp Ajax thống trị thế giới với 3 cúp C1 liên tiếp. Sau đó, hai người họ đã đưa đội tuyển Hà Lan “bước ra ngoài ánh sáng” sau hàng thập kỷ “tăm tối” sau màn trình diễn kinh điển ở World Cup 1974.

Triết lý bóng đá tổng lực của Rinus Michel (và sau này được phát triển của Johan Cruyff) đã tạo nên cuộc cách mạng thực sự cho thế giới bóng đá. Tới tận bây giờ, người ta vẫn thấy rõ ảnh hưởng của nó.

Ông là trung tâm của lối chơi tổng lực của Rinus Michel
Ông là trung tâm của lối chơi tổng lực của Rinus Michel

Thánh đường của Johan Cruyff

Bảy giờ tối ngày 28/4/1988, ở khách sạn Hesperia, nằm trên con đường nhỏ ở thành phố Barcelona, 21 cầu thủ Barcelona cùng HLV Luis Aragones đã cùng nhau ngồi họp trong phòng sang trọng. Họ đã đi tới thống nhất… lật đổ Chủ tịch Josep Lluis Nunez, người mà theo tiền vệ Victor Munoz là “một kẻ không cảm nhận được sắc màu của Barcelona và chỉ biết lo cho bản thân”.

Khoảnh khắc ấy là đỉnh điểm cho kỷ nguyên đen tối của Barcelona. Bởi lẽ, không lâu sau đó, xứ Catalan đón chào “vị thánh” thay đổi hoàn toàn lịch sử, không ai khác, đó là Johan Cruyff.

Trước khi “thánh Johan” đặt chân tới xứ Catalan (trong vai trò HLV), Barcelona chỉ giành được 2 danh hiệu trong vòng 28 năm. Còn giờ đây, sau 28 năm kể từ ngày ông tới, Los Blaugrana đã trở thành CLB vĩ đại, thống trị mọi giải đấu trên thế giới với hàng tá danh hiệu (trong đó có 5 cup C1/Champions League).

Người Barcelona tôn sùng Johan Cruyff như một vị thánh. Pep Guardiola (HLV thành công nhất lịch sử CLB) từng nói: “Johan Cruyff đã sơn thánh đường. Nhiệm vụ của HLV tiếp theo của Barcelona chỉ cần làm y nguyên hoặc cải thiện nó chút ít”.

Ông khai sáng Barcelona với triết lý tổng lực của mình
Ông "khai sáng" Barcelona với triết lý tổng lực của mình

“Báu vật” Johan Cruyff mang tới Barcelona đương nhiên là “triết lý bóng đá tổng lực”. Nhớ về ngày đầu triều đại của Johan Cruyff, cựu cầu thủ Eusebio Sacristán nhớ lại: “Ông ấy cầm bảng đen, vẽ ba hậu vệ, bốn tiền vệ, hai cầu thủ chạy cánh và một tiền đạo. Tôi tự hỏi: ‘Cái quái gì thế này’. Đây là thời đại của 4-4-2 và 3-5-2. Chúng tôi không thể ngờ nổi vì sao ông ấy bố trí ít hậu vệ tới vậy. Ông ấy đã giới thiệu công thức mới để chơi bóng ở Tây Ban Nha. Đó thực sự là cuộc cách mạng”.

Sau đó, Johan Cruyff đã từ tốn giải thích: “Nếu bạn có 4 hậu vệ chỉ để kèm 2 tiền đạo đối phương, thật là thừa thãi. Trong khi đó, ở giữa sân, bạn chỉ có 6 người để chống lại 8 người đối phương. Bạn sẽ không thể chiến thắng”.

Về cơ bản, triết lý của “thánh Johan” nằm ở chỗ: Khi bạn kiểm soát bóng, bạn sẽ ít cơ hội nhận bàn thua hơn. Đẩy cao đội hình, khiến cho phần sân chơi bóng hợp lệ của đối phương bị thu hẹp. Sử dụng bẫy việt vị chủ động, tránh sai lầm. Thủ môn thoải mái sử dụng bóng bằng chân và có thể phát động tấn công.

Để duy trì xuyên suốt “báu vật” này qua nhiều triều đại, Johan Cruyff đã xây dựng lò La Masia và truyền thụ lối chơi này cho những cầu thủ ngay từ khi còn là những đứa trẻ. Nhờ đó, sau này, Barcelona mới sản sinh ra những “truyền nhân vĩ đại” như Xavi, Iniesta, Busquets hay Messi.

Ở thời điểm đó, những gì Johan Cruyff mang tới Barcelona thực sự là sự khai sáng. Sau này, nó không chỉ ảnh hưởng tới Barcelona mà còn rất nhiều CLB, HLV khác trên toàn thế giới như Dortmund, Bayern Munich, Arsenal.

Ngay cả Mourinho (truyền nhân khác của Johan Cruyff) từng bê nguyên xi công thức này trong giai đoạn “tập tành” làm HLV ở União de Leiria hay giai đoạn đầu ở Porto. Sau đó, “Người đặc biệt” đã sáng tạo ra thứ bóng đá phòng ngự-phản công để chế ngự lại với chính triết lý của Johan Cruyff. Vì vậy, nói rằng triết lý của “thánh Johan” là cái gốc của bóng đá hiện đại cũng không sai.

Mặc dù vậy, vẻ đẹp của Johan Cruyff không nằm ở sự màu mè, thay vào đó, ông rất ưa thích sự đơn giản. Ông từng nổi tiếng với câu nói: “Chơi bóng đá thì dễ nhưng chơi thứ bóng đá đơn giản mới thực sự khó khăn”.

Tất nhiên, ở đây, không ai hiểu sự đơn giản của Johan Cruyff như lối chơi của Stoke City thời Toni Pulis (chém đinh chặt sắt, tạt cánh đánh đầu). Thay vào đó, với “thánh Johan”, đội bóng của ông phải tìm được con đường vào khung thành nhanh, ngắn và gọn nhẹ nhất và đồng thời đoạt lại bóng nhanh nhất từ chân đối phương. Hay theo cách hiểu khác, đó là sự đơn giản trong sự hoàn hảo.

Eusebio Sacristán từng nhớ lại: “Ông ấy bắt chúng tôi thực hiện lại 4,5 lần, sửa lại đúng vị trí cho chúng tôi. Ông ấy yêu cầu tôi phải đứng một mét về bên phải để cho mọi thứ chuẩn xác và có thể thực hiện tốt đường chuyền”.

Bản thân Johan Cruyff cũng từng có câu nói để đời về sự đơn giản một cách hoàn hảo: “Kỹ thuật không phải là tâng bóng 1000 lần. Chỉ cần tập luyện thuần thục, chúng ta đều làm được. Kỹ thuật phải là việc bóng đưa ra đường chuyền, vừa đủ lực, tới đúng chân thuận của đồng đội”.

Vì ưa thích sự đơn giản, Johan Cruyff từng không đồng ý với việc Barcelona bổ nhiệm Van Gaal (dù trước khi về Barcelona, Van Gaal từng vô địch Champions League). Lý do Johan Cruyff đưa ra là HLV này quá máy móc.

Thánh Johan đã hoàn tất nhiệm vụ của sứ giả và về với Chúa
"Thánh Johan" đã hoàn tất nhiệm vụ của sứ giả và về với Chúa

Vĩ thanh

Vươn lên đỉnh cao đã khó nhưng làm được điều đó bởi sự đơn giản, lối chơi đẹp lại khó khăn gấp bội. Johan Cruyff từng tâm niệm: “Chiến thắng rất quan trọng. Nhưng quan trọng hơn là tạo lập được phong cách riêng và được cả thế giới sao chép. Đó mới là món quà quý nhất”.

Ngày Johan Cruyff về với Chúa, ông có thể mỉm cười. Bởi giờ đây, ở bất kỳ đâu trên thế giới này, người ta vẫn thấy triết lý của Johan Cruyff vẫn còn tồn tại và ngự trị bóng đá hiện đại. Nhiều thế hệ cầu thủ sau này (đặc biệt là những người Hà Lan và Barcelona) đã vươn lên nhờ niềm cảm hứng mang tên Johan Cruyff.

Vài tháng trước khi “nhắm mắt xuôi tay”, ông từng nói về sức khỏe của mình: “Tôi đang dẫn trước căn bệnh ung thư với tỷ số 2-0 ở hiệp 1 nhưng chặng đường vẫn còn rất dài”. Và rồi, ông đã thua cuộc trong cuộc đối đầu với tử thần.

Nó y hệt như cái cách đội tuyển Hà Lan của ông bị người Đức lội ngược dòng trong trận chung kết World Cup 1974 (khi Johan Cruyff lỡ hẹn với danh hiệu lớn nhất sự nghiệp). Nhưng sau trận đấu định mệnh ấy, Johan Cruyff vẫn lộ rõ vẻ lạc quan: “Chúng tôi thất bại trong trận đấu lớn nhất cuộc đời nhưng có gì đâu nhỉ? Chúng tôi vẫn để lại danh tiếng. Nó còn quan trọng hơn cả chiến thắng”.

Vì vậy, ngay cả khi Johan Cruyff thất bại ở trận chiến quan trọng khác, với “lưỡi hái tử thần” thì có lẽ, với ông, điều đó chẳng có gì to tát (như việc ông vẫn lạc quan vài tháng trước khi qua đời). Đơn giản, “vị Thánh” ấy đã hoàn tất sứ mệnh của “sứ giả của Chúa trời”. Giờ đây, ông đã về với Chúa và mỉm cười trên Thiên đường sau tất cả những gì mình đã làm được.

Sự xót thương, tình cảm của toàn thể thế giới bóng đá trong ngày ông ra đi chính là “món quà” lớn nhất tiễn đưa “thánh Johan” về với Chúa.

H.Long