Hùng Dũng gãy chân kinh hoàng: Cần lắm trái tim quả cảm!
(Dân trí) - Sau cuộc phẫu thuật, Hùng Dũng sẽ còn cả chặng đường dài điều trị và nỗ lực lấy lại được đỉnh cao sự nghiệp. Trong chặng đường ấy, người ta rất muốn thấy sự quả cảm của Hùng Dũng.
Đóa hoa nở muộn của bóng đá Việt Nam
Hùng Dũng là cầu thủ quá quan trọng của đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park Hang Seo. Năm 2019, tiền vệ của CLB Hà Nội đã xuất sắc giành danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam. Thậm chí, tờ MGR Online nhận định: "Màn trình diễn của Hùng Dũng trong những năm qua còn xuất sắc hơn cả Quang Hải".
Thế nhưng, ít ai biết rằng, chỉ hơn 1 năm trước khi giành Quả bóng vàng Việt Nam, Hùng Dũng vẫn là cái tên "không được nhắc tới nhiều". Nếu như thế hệ của Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn, Quang Hải... đã nổi lên từ tuổi 19 thì Hùng Dũng lại được xem là "đóa hoa nở muộn" của thế hệ vàng.
Mãi tới ASIAD 2018, Hùng Dũng (khi ấy 25 tuổi) mới được biết đến. Và kể từ đó tới nay, anh luôn có chỗ đứng vững chắc trong đội hình của HLV Park Hang Seo. Đó không hề là sự may mắn. Ở Hùng Dũng, người ta thấy toát lên sự cần mẫn, siêng năng và đầy nhiệt huyết.
Trong dàn cầu thủ tài năng của đội tuyển Việt Nam, HLV Park Hang Seo luôn cần sự cần mẫn như vậy. Hùng Dũng giống như cỗ máy hoạt động bền bỉ ở khu vực giữa sân, xuất hiện ở mọi điểm nóng để giải quyết vấn đề.
So với nhiều đồng đội khác, Hùng Dũng bất lợi khá nhiều về thể hình và cả kỹ thuật. Nhưng đổi lại, Hùng Dũng có sự chăm chỉ của chú ong, để bù đắp những điểm yếu ấy. Nếu có ai đó tới sân tập sớm nhất và chịu khó tập thêm giờ, đó là Hùng Dũng. Quang Hải từng chia sẻ rằng: "Đừng học đâu xa về tấm gương chuyên nghiệp, mà hãy học hỏi ngay Hùng Dũng".
Có cảm tưởng như mọi thứ đến muộn nhưng mà chắc với Hùng Dũng. Tờ Live Sport Asia (nay đã giải thể) từng nhận xét rằng tiền vệ của CLB Hà Nội không phải là tài năng thiên bẩm nhưng luôn biết vươn lên nhờ nỗ lực.
Nói vậy để thấy rằng, Hùng Dùng chưa bao giờ là chàng trai dễ đầu hàng. Ở tuổi 20, Hùng Dũng từng đưa ra quyết định táo bạo, khi vay mượn tiền để mua một chiếc ô tô. Tới mức, cầu thủ này đã nghĩ tới việc lái taxi để trả nợ. Và rồi, anh đã vượt qua thời điểm khó khăn ấy. Chỉ khi đẩy mình vào thế khó, Hùng Dũng đã phát huy được sự bền bỉ và kiên cường của mình.
Chàng trai kiên cường, không đầu hàng!
HLV Park Hang Seo từng gạt lệ để tiễn Hùng Dũng về nước sau chấn thương của ASIAD 2018. Và tới tối ngày 23/3, người ta lại thấy ông tức tốc chạy xuống khán đài, để hỏi thăm tình hình của cậu học trò. Hai lần ấy, thầy Park đều buồn. Nhưng lần này, ông đã lo lắng nhiều hơn trước. Đó không chỉ là việc Hùng Dũng sẽ không thể tham dự vòng loại World Cup 2022, mà còn bởi cậu học trò có nguy cơ mất nghiệp.
Tới đây, hãy nói thêm về tình trạng của Hùng Dũng. Cầu thủ này gãy cả xương chày và xương mác ở vị trí 1/3 giữa phía dưới cẳng chân phải. Khi bị gãy xương, các vùng khác như cơ, gân, dây chằng, phần mềm... đều bị tổn thương theo. Vì vậy, khi trở lại vận động với cường độ cao, cầu thủ có thể gặp vấn đề ở những vùng khác. Đơn cử như trường hợp của Luke Shaw. Kể từ khi trở lại vào năm 2016 tới năm 2020, cầu thủ này liên tiếp gặp vấn đề ở háng, mắt cá, gân kheo, bắp chân...
Cũng bởi quá trình điều trị lâu dài (từ 9 tháng - 1 năm), cộng thêm việc điều trị trở lại đòi hỏi nỗ lực lớn, mà nhiều cầu thủ trên thế giới đã không bao giờ tìm lại được đỉnh cao sự nghiệp.
Djibril Cisse là ví dụ điển hình nhất. Trước hai lần gãy chân, cầu thủ này được đánh giá là tiền đạo nguy hiểm hàng đầu châu Âu. Nhưng sau khi trở lại, anh luôn sống trong "cái bóng" của chính mình. Từ ngôi sao đang lên của Arsenal, Eduardo Da Silva cũng "tắt lịm" sau khi bị gãy chân kinh hoàng vào năm 2008. Nếu cần thêm ví dụ khác thì đó là trường hợp của Alan Smith trong màu áo Man Utd.
Hay như trung vệ Duy Mạnh thì việc trải qua cú sốc tâm lý cũng là điều vô cùng khó khăn. Chia sẻ sau trận đấu với CLB TPHCM, hậu vệ này cho biết: "Bất cứ cầu thủ nào dính chấn thương nặng thì cũng chịu nỗi ám ảnh, nỗi cô đơn khi tập hồi phục. Tôi rất mong anh Dũng sẽ vượt qua được".
Không chỉ cầu thủ Việt Nam, mà ngay cả những ngôi sao hàng đầu thế giới cũng đối diện với điều này. Luke Shaw đã khóc nức nở sau khi bị gãy chân và từng tính tới chuyện giải nghệ. Trong khi đó, cựu ngôi sao của Arsenal, Aaron Ramsey từng ví: "Quãng thời gian điều trị gãy chân giống như địa ngục vậy".
Từng có thời gian dài, Luke Shaw đã phải nhờ sự trợ giúp của các bác sĩ tâm lý để cân bằng cuộc sống.
Hay tiền vệ của CLB Thanh Quảng Ninh, Hải Huy (người từng mất 9 tháng điều trị gãy chân) thừa nhận: "Lúc ấy, mọi thứ với tôi thực sự khó khăn nhưng cuối cùng, tôi đã vượt qua được".
Nhưng càng ở trong hoàn cảnh khó khăn, người ta càng cho thấy nghị lực phi thường để chiến thắng nghịch cảnh. Sau vài năm vật lộn với chấn thương, Luke Shaw đã trở lại mạnh mẽ và thi đấu vô cùng nổi bật ở mùa giải này. Hay Santi Cazorla vẫn có thể thi đấu dù... đóng đinh kín chân.
Sự đấu tranh và vươn lên của Luke Shaw hay sự kiên cường của Santi Cazorla có thể là niềm cảm hứng với Hùng Dũng ở thời điểm này.
Suy cho cùng, không ai muốn "tai nạn" xảy ra (kể cả Hoàng Thịnh). Nhưng rồi, người ta vẫn phải tiếp tục sống, chôn vùi những nỗi đau, thể hiện sự kiên cường của mình.
Một ngày nào đó, những người hâm mộ rất muốn thấy hình ảnh của Hùng Dũng ở đội tuyển quốc gia...