Hùng Dũng bị gãy chân: Đừng để bóng đá Việt Nam "chết" trong bạo lực!

H.Long

(Dân trí) - Chấn thương nặng của Hùng Dũng là lời cảnh tỉnh tiếp theo cho bóng đá Việt Nam về bạo lực sân cỏ. Nó có thể chôn vùi giấc mơ của các cầu thủ và xa hơn là chôn vùi giấc mơ của đội tuyển Việt Nam.

1. "Sáu tháng sau khi mổ, tôi bắt đầu tập luyện trở lại. Nhưng rồi, cứ khi di chuyển tôi lại thấy chân đau. Sau nửa năm, tôi biết mình tuyệt vọng nên quyết định giải nghệ, sang nghề khác" - cựu cầu thủ Anh Khoa chia sẻ.

Hùng Dũng bị gãy chân: Đừng để bóng đá Việt Nam chết trong bạo lực! - 1

Anh Khoa từng phải giải nghệ sau pha vào bóng của Quế Ngọc Hải.

Trong thời gian khắc chứng kiến Hùng Dũng ôm chân đau đớn trên sân Thống Nhất, nhiều người đã nghĩ về Anh Khoa. Tình huống vào bóng bằng gầm giày của Quế Ngọc Hải năm 2015 đã khiến cho giấc mơ chơi bóng của cầu thủ CLB Đà Nẵng đi vào ngõ cụt.

Thậm chí, tương lai của Quế Ngọc Hải tưởng chừng không lối thoát trước làn sóng chỉ trích dữ dội của người hâm mộ. Bên cạnh đó là gánh nặng rất lớn về chi phí chữa trị và phẫu thuật cho Anh Khoa ở Singapore (sau này được bầu Đức hỗ trợ một nửa).

Rất may, mọi thứ đã ổn. Anh Khoa đã nén nỗi đau không thể chơi bóng, để tìm hướng khác trong cuộc sống. Quế Ngọc Hải đã trưởng thành hơn sau "tai nạn" ấy để trở thành đội trưởng đội tuyển Việt Nam.

Nhưng những dư âm của pha bóng ấy vẫn còn ám ảnh nhiều người...

2. Tất nhiên, không một ai muốn Hùng Dũng phải giải nghệ như Anh Khoa, cũng như Hoàng Thịnh sẽ phải "sống trong dằn vặt" nhiều năm sau này. Suy cho cùng, đó cũng là "tai nạn" mà không ai muốn nó xảy ra. Thế nhưng, thêm một lần, những pha bóng kiểu như vậy lại ám ảnh bóng đá Việt Nam. Nó đã và đang là "thứ virus" ăn sâu, cản trở sự phát triển (vốn đã đúng hướng) của bóng đá Việt Nam trong những năm qua.

"Ham bóng" - đó có thể là lời giải thích quá dễ dàng cho tình huống triệt hạ kiểu như vậy. Vào năm ngoái, Hoàng Lâm (CLB Hà Tĩnh) cũng đưa ra lời giải thích tương tự như Hoàng Thịnh sau khi khiến Hải Huy (Quảng Ninh) bị gãy ống đồng. Sau đó, Hải Huy đã mất 9 tháng để hồi phục.

Năm 2012, Huy Hoàng (SLNA) từng có pha bóng mang tính triệt hạ với Samson (CLB Hà Nội) khi phi thẳng 2 chân vào đối thủ. Tuy nhiên, sau đó, tiền đạo của CLB Hà Nội đã tỉnh táo né đòn và trả đũa khi đạp vào mặt đối thủ. Năm 2014, Đình Đồng (SLNA) đã đạp gãy xương ống đồng của Anh Hùng (An Giang).

Hùng Dũng bị gãy chân: Đừng để bóng đá Việt Nam chết trong bạo lực! - 2

Những pha bóng bạo lực đã và đang là vấn nạn của bóng đá Việt Nam.

Đó chỉ là vài trường hợp tiêu biểu của lối chơi "đốn chân" cầu thủ ở V-League trong vài năm trở lại đây. Như trung vệ Duy Mạnh chia sẻ: "Bóng đá là môn thể thao nhiệt huyết và máu lửa. Ai ra sân cũng muốn giành chiến thắng. Thế nhưng, các cầu thủ cũng đừng vì thế mà triệt hạ lẫn nhau. Đôi chân là nồi cơm của các cầu thủ".

Vấn đề không phải là Hoàng Thịnh hay Hoàng Lâm... có "ham bóng" hay không mà nằm trong chính tư tưởng của các cầu thủ. Câu hỏi đặt ra là Hoàng Thịnh có cần phải vào bóng quyết liệt như vậy khi mới ở giữa sân? Và kể cả với một pha tranh bóng đơn thuần, cầu thủ này có cần dùng gầm giày đạp như vậy?

Có thể trong thâm tâm, chưa chắc Hoàng Thịnh đã muốn có một pha triệt hạ như vậy nhưng cầu thủ này cũng khó có thể bào chữa về cú vào bóng của mình. Bởi lẽ, nó mang tính chất 50-50 và có thể mang tới hậu quả lớn cho đối thủ.

Nói vậy để thấy, vấn đề nằm trong tư tưởng, thái độ của Hoàng Thịnh hay rộng hơn là nhiều cầu thủ khác ở Việt Nam. Có vẻ như họ vẫn mang nhiều tư tưởng của lối đá cũ, tức là muốn "dằn mặt" đối thủ trên sân. Một khía cạnh khác, lối chơi kiểu bạo lực cũng hạn chế những điểm yếu về kỹ, chiến thuật của cầu thủ.

Trong bối cảnh bóng đá Việt Nam đang dần phát triển và chiếm được cảm tình của người hâm mộ thì những pha bóng như của Hoàng Thịnh chính là yếu tố kìm hãm. Nó khiến cho hình ảnh của bóng đá Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề. Trong mắt nhiều người hâm mộ châu Á thì giải V-League vẫn bị xem là vùng tối với lối chơi bạo lực hay những hành động thiếu chuyên nghiệp (như của thủ môn CLB Cần Thơ mới đây).

3. Chỉ ít tháng nữa, đội tuyển Việt Nam sẽ bước vào những trận đấu quyết định ở vòng loại World Cup 2022. Ở đó, chúng ta đang đứng trước thời cơ cực lớn để làm nên lịch sử khi góp mặt ở vòng loại cuối cùng.

Thế nhưng, rất có thể, người hâm mộ bóng đá Việt Nam sẽ không thể thấy Hùng Dũng xuất hiện trên những thảm cỏ UAE. Chấn thương gãy chân đã khiến cho tuyển thủ sinh năm 1993 phải nghỉ thi đấu ít nhất 6 tháng.

Hùng Dũng bị gãy chân: Đừng để bóng đá Việt Nam chết trong bạo lực! - 3

Sự thiếu vắng của Hùng Dũng ảnh hưởng lớn tới giấc mơ làm nên lich sử của bóng đá Việt Nam.

Trong bối cảnh Văn Hậu, Đình Trọng chưa hẹn ngày trở lại, chấn thương của Hùng Dũng thực sự là đòn nặng tiếp theo giáng xuống tham vọng của đội tuyển Việt Nam. Đó là lý do mà HLV Park Hang Seo phải tức tốc xuống sân để hỏi thăm tình hình của Hùng Dũng trong trận đấu ở sân Thống Nhất vừa qua.

Hùng Dũng được xem là "người khổng phổi" của đội tuyển Việt Nam, với tầm hoạt động rộng ở khu vực trung tuyến. Vắng đi nhân tố cơ động như vậy, HLV Park Hang Seo sẽ thực sự đau đầu.

Đáng buồn là trong quá trình chuẩn bị, đội tuyển Việt Nam lại gặp thêm khó khăn bởi vấn đề bạo lực ở V-League. Những người hâm mộ có thể lo lắng bởi trong vài tháng nữa, liệu có thêm "nạn nhân" nào của nạn bạo lực sân cỏ hay không? Không ai nói trước được!

Dù thế nào, người hâm mộ đang mong đợi một bản án thật nghiêm minh từ VFF cho những cầu thủ sử dụng lối chơi bạo lực. Nó sẽ là sự răn đe cho nhiều lứa thế hệ cầu thủ tiếp theo.