"Hoàng Thị Duyên, Thạch Kim Tuấn không huy chương Olympic là thất bại"

Hoàng Quốc

(Dân trí) - Tổng thư ký Liên đoàn cử tạ Việt Nam, Đỗ Đình Kháng thừa nhận cả hai lực sĩ chủ lực của đội tuyển cử tạ là Thạch Kim Tuấn và Hoàng Thị Duyên đều chơi dưới sức ở Olympic Tokyo 2020.

Cử tạ chính là niềm hy vọng huy chương lớn nhất của đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo 2020. Cả hai VĐV Thạch Kim Tuấn (61kg) và Hoàng Thị Duyên (59kg) đều có thành tích tiệm cận tấm HCĐ Thế vận hội. Thậm chí nếu thực hiện được mức tạ như trong tập luyện, hai VĐV của Việt Nam còn có thể tranh tấm HCB.

Thế nhưng, từ tập luyện tới thi đấu là câu chuyện có nhiều thứ để nói. Đặc biệt khi các VĐV Việt Nam bước vào thi đấu ở một sân chơi khắc nghiệt như Olympic, sẽ chịu rất nhiều tác động từ bên ngoài, rồi diễn biến tâm lý, kỹ-chiến thuật, thông tin từ các đối thủ, trọng tài…

Tuy nhiên, thất bại của hai VĐV Việt Nam dù thế nào cũng cần được phân tích, mổ xẻ, để cử tạ Việt Nam nói riêng, thể thao Việt Nam nói chung biết mình ở đâu, có sự điều chỉnh, đầu tư hướng tới những kỳ Olympic tiếp theo.

Hoàng Thị Duyên, Thạch Kim Tuấn không huy chương Olympic là thất bại - 1
Thạch Kim Tuấn gây thất vọng.

Đầu tiên, thất bại của Thạch Kim Tuấn không phải là một cú sốc. Bước vào cuộc tranh tài, VĐV của Việt Nam được đánh giá khá cao, sẽ cùng Om Yun Chol (Triều Tiên), Long Qingquan (Trung Quốc) đua tranh cho ba vị trí dẫn đầu.

Thạch Kim Tuấn có màn trình diễn tệ hại đến khó tin. Khi bước vào nội dung cử giật với mức tạ ban đầu là 130kg, Tuấn tỏ ra căng thẳng và thất bại. Đến lần cử thứ hai, anh mới thành công nhưng đô cử sinh năm 1994 không vượt qua chính mình trong lần cử giật thứ 3, để rồi thất bại. 

Đến phần cử đẩy, đô cử này tiếp tục gây thất vọng lớn. Lần này, BHL điều chỉnh từ 158kg xuống 150kg. Thế nhưng, Tuấn thất bại liên tiếp trong cả 2 lần đầu và khi nâng lên 3kg, anh cũng thất bại trong lần cử cuối.

Hai lần tham dự Olympic với tư cách là ứng viên cho chiếc huy chương, Thạch Kim Tuấn đều thảm bại. Anh rớt tạ đến 10 lần trong 12 lần nâng tạ. Tâm lý, chấn thương và việc phải cách ly nhiều ngày là nguyên nhân được chỉ ra, nhưng có một thực tế là lực sĩ của Việt Nam chưa đủ khả năng tranh chấp thứ hạng cao ở đấu trường Thế vận hội.

Hoàng Thị Duyên, Thạch Kim Tuấn không huy chương Olympic là thất bại - 2
Hoàng Thị Duyên vẫn cần thêm nhiều yếu tố để giành huy chương.

Trường hợp của Hoàng Thị Duyên đáng tiếc hơn bởi cô có nhiều đối thủ, trong đó Kuo Hsing Chung của Đài Loan (Trung Quốc) thể hiện sự vượt trội, gây ra tâm lý với các đối thủ trong cuộc tranh tài.

Tổng thư ký Liên đoàn cử tạ Việt Nam Đỗ Đình Kháng chia sẻ: "Đầu tiên, Duyên đã bị mắc lỗi ở ngay cú giật đầu tiên. Kỹ thuật đúng là khi giật lên tay phải thẳng luôn còn co duỗi là lỗi. Khi đứng lên, cơ thể bất động hoàn toàn, hai gót chân trên cùng đường thẳng.

Lần cử không thành công này làm xáo trộn tính toán của ban huấn luyện. Chúng ta chọn mức tạ khởi điểm hợp lý và phải làm được để lấy tâm lý. Nếu lần cử đầu tiên suôn sẻ, sẽ nâng thành tích dần dần để có đà lên".

Ông Đỗ Đình Kháng cũng thừa nhận việc Thạch Kim Tuấn và Hoàng Thị Duyên bị cách ly lâu sau khi trở về từ giải vô địch châu Á khiến cả hai không thể tập luyện được. Dù ban huấn luyện đã tìm cách chuyển tạ vào khu cách ly cho hai VĐV nhưng cũng chỉ duy trì tập luyện ở mức vừa phải.

Thêm nữa, ban huấn luyện cũng không có nhiều thông tin về các đối thủ, và điều này dẫn đến sự bị động trong khâu chuẩn bị chiến thuật.

Chốt lại vấn đề, ông Đỗ Đình Kháng khẳng định: "Việc Hoàng Thị Duyên và Thạch Kim Tuấn không giành được huy chương Olympic là thất bại. Sau thất bại này, cử tạ Việt Nam cũng như ngành thể thao cần có cách nhìn thẳng vào những vấn đề tồn tại.

Các VĐV vẫn chưa được đảm bảo về cuộc sống dù chịu nhiều thiệt thòi khi tập môn thể thao này. Đây cũng chính là tình trạng chung của thể thao Việt Nam, khi hầu hết các môn đều chưa có sự đầu tư tương xứng, các VĐV có thể sống khỏe với nghề".

Dòng sự kiện: Olympic Tokyo