1. Dòng sự kiện:
  2. Pickleball

Hai kỷ lục SEA Games của bơi Việt Nam và khoảng cách với Singapore

Trọng Vũ

(Dân trí) - Với 7 HCV, 3 HCB và 7 HCĐ, đội tuyển bơi Việt Nam xếp thứ nhì tại SEA Games 32. Tuy nhiên, khoảng cách giữa chúng ta với đội dẫn đầu Singapore khá lớn.

Huy Hoàng giành HCV nội dung 400m tự do

Cụ thể, đội tuyển bơi Singapore giành được 22 huy chương vàng (HCV), 14 huy chương bạc (HCB) và 10 huy chương đồng (HCĐ).

Sở dĩ khoảng cách hiện tại giữa Việt Nam và Singapore xa như vậy vì đội tuyển bơi Việt Nam không còn "chuyên gia gom huy chương" Nguyễn Thị Ánh Viên, như ở các kỳ đại hội trước đây.

Tuy nhiên, đấy có lẽ cũng là bài học cho bơi Việt Nam, bởi cũng trong thời gian Ánh Viên còn ở đỉnh cao, chúng ta sắp xếp cho "tiểu tiên cá" thi đấu dàn trải quá nhiều nội dung, chiếm luôn suất của các VĐV trẻ khác, nên khi Ánh Viên không còn hiện diện trong đội tuyển, khoảng trống lập tức lộ ra.

Nguyễn Huy Hoàng giành HCV 1500m tự do

Dù vậy, ở SEA Games 32, đội tuyển bơi Việt Nam vẫn có những điểm sáng đáng kể. Nổi bật nhất vẫn là Nguyễn Huy Hoàng, người giành 3 HCV tại Đại hội thể thao Đông Nam Á năm nay, gồm các nội dung bơi 1.500m, 400m tự do nam, 4x200m tự do tiếp sức nam.

Riêng ở nội dung 1.500m, Nguyễn Huy Hoàng không có đối thủ, anh bỏ khá xa những người bơi chung với mình ở đợt bơi chung kết, đồng thời giành HCV với thời gian 15 phút 11 giây 24.

Cái tên khác cũng gây ấn tượng mạnh ở đội tuyển bơi Việt Nam là Phạm Thanh Bảo, khi anh phá 2 kỷ lục SEA Games ở các nội dung 100m ếch và 200m ếch.

Ở nội dung bơi 100m ếch, Thanh Bảo về đích với thời gian 1 phút 0 giây 97, nhanh hơn kỷ lục cũ do chính anh nắm giữ 20% giây.

Phạm Thanh Bảo phá kỷ lục SEA Games 200m bơi ếch

Còn ở nội dung 200m ếch, Thanh Bảo về nhất với thời gian 2 phút 11 giây 45, nhanh hơn kỷ lục cũ của Maximilian Ang Wei (Singapore) 48% giây.

Đấy là những điểm sáng nhất của đội tuyển bơi Việt Nam trên đường đua xanh SEA Games 32. Ở các nội dung còn lại, chúng ta ít tạo được điểm nhấn.

So với Singapore, hoặc so với chính đội tuyển điền kinh Việt Nam, lực lượng của đội tuyển bơi Việt Nam không đồng đều bằng, dẫn đến khả năng thành công toàn diện không cao.

Như đã nói ở trên, trong khoảng thời gian Nguyễn Thị Ánh Viên còn ở đỉnh cao phong độ, bơi Việt Nam quá "tận thu" VĐV này, đăng ký cho cô thi đấu ở hầu hết mọi nội dung mà cô có thể tham dự.

Phạm Thanh Bảo giành HCV 100m ếch nam, phá kỷ lục SEA Games

Không chỉ có ở SEA Games, ngay đến các giải trong nước, Ánh Viên cũng tham gia quá nhiều nội dung. Điều này dẫn đến thực tế nhiều đội bơi trong nước muốn tranh chấp huy chương, phải cho VĐV của mình tránh các nội dung có Ánh Viên thi đấu, dẫn đến tình trạng bơi Việt Nam xuất hiện khoảng trống quá lớn về lực lượng, thiếu người kế thừa ngay sau khi Ánh Viên giã từ đội tuyển.

Chính vì vậy, sự xuất sắc của Huy Hoàng và Thanh Bảo chưa đủ để giúp cho tuyển bơi Việt Nam rút ngắn khoảng cách so với cường quốc bơi số một Đông Nam Á Singapore.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm