Gọi cầu thủ nhập tịch lên đội tuyển có giúp thu hút khán giả?
(Dân trí) - Bóng đá bản thân là môn thể thao mang tính đại chúng, đội tuyển quốc gia càng là đội tuyển của công chúng. Thành ra, câu hỏi được đặt ra là đội tuyển có thu hút thêm khán giả nếu xuất hiện cầu thủ nhập tịch?
Rất khó trả lời rằng đội tuyển Việt Nam sẽ có sức hút ra sao, nếu có thêm cầu thủ nhập tịch xuất hiện trong đội hình tại AFF Cup 2016 tới đây? Tuy nhiên, có một ví dụ không thể không nhắc đến, cũng liên quan đến chuyện cầu thủ nhập tịch.
Hồi năm 2008, ở cúp bóng đá quốc tế TPHCM, một trong những giải đấu mà đội tuyển quốc gia dùng để chuẩn bị cho AFF Cup cùng năm. Theo ông Dương Vũ Lâm, khi đó là Tổng thư lý Liên đoàn bóng đá TPHCM (HFF) khi đó, đơn vị tổ chức giải, đội tuyển đá 3 trận ở cúp quốc tế thành phố.
Trận đấu khán giả đông nghẹt, BTC lời, trận thứ 2 khán giả giảm dần, BTC bắt đầu lo, đến trận thứ ba thì thưa thớt người xem, đơn vị tổ chức giải méo mặt vì lỗ, cho dù giải đấu ấy đội tuyển Việt Nam có sử dụng cầu thủ nhập tịch là thủ môn Phan Văn Santos.
Riêng trận cuối cùng thì số người ít ỏi đến sân còn phản ứng mạnh thủ thành gốc Brazil vì thi đấu kém, vì thái độ khệnh khạng trên sân, không xứng đáng khoác áo đội tuyển, không xứng đáng đại diện cho đội tuyển quốc gia. Từ đó, có thể đưa ra cái nhìn ban đầu là người hâm mộ không quan tâm đến chuyện đội tuyển có cầu thủ nhập tịch hay không, mà chỉ quan tâm đế chuyện đội tuyển đá hay hoặc dở.
Một ví dụ khác có thể nhìn thấy từ chính V-League, những đội có ngoại binh hoặc cầu thủ nhập tịch nhiều nhất, nổi tiếng nhất giải đấu vẫn không phải là các đội thu hút khán giả.
Số này có thể kể đến B.Bình Dương và Hà Nội T&T. Đây là 2 trong số những CLB bóng đá có lượng CĐV trung bình thấp nhất V-League hiện nay, cho dù cả hai đang sở hữu thàng loạt cầu thủ gốc ngoại sáng giá như Nsi, Moses, Quốc Thiện Esele (B.Bình Dương), Gonzalo, Hoàng Vũ Samson (Hà Nội T&T).
Ngược lại, những đội bóng thu hút khán giả nhất lại là các đội mang tính địa phương cao, đậm đặc yếu tố màu cờ sắc áo như Hải Phòng, Thanh Hoá, SL Nghệ An, và sau này là HA Gia Lai (với nhiều cầu thủ trưởng thành từ chính từ lò đào tạo của mình).
Khi một đội bóng muốn thu hút khán giả, họ phải cho người hâm mộ thấy được họ mang tính đại diện, trong khi cầu thủ gốc ngoại thật ra lại không mang tính đại diện gì cụ thể: Họ không đại diện cho một bộ phận giới trẻ Việt Nam muốn vươn lên trong cuộc sống, thoát khỏi tuổi thơ cơ cực thông qua bóng đá (Văn Quyến, Công Vinh, Tài Em, Minh Phương là cầu thủ dạng này), cũng không hề mang tính địa phương, không làm toát lên yếu tố màu cờ sắc áo của từng đội bóng (như Tài Em là biểu tượng của Long An, hay nói đến Công Phượng là người ta nói ngay đến HA Gia Lai, cho dù họ có ở bất cứ đâu đi chăng nữa)
Chuyên gia Trần Duy Long từng đánh giá rằng, một trong những nguyên nhân khiến cho những năm sau này V-League vắng khán giả, vì V-League có thời điểm tràn ngập cầu thủ ngoại, thiếu hẳn những thế hệ cầu thủ nội được đào tạo tại chỗ và làm rạng danh CLB nơi họ dược đào tạo, giống như nhiều năm trước người ta xem bóng đá TPHCM đông là xem những Huỳnh Đức, Minh Chiến, Liêm Thanh, Hoàng Bửu, Hồ Văn Lợi, Lư Đình Tuấn... trưởng thành từ chính bóng đá thành phố, rồi làm rạng danh bóng đá TPHCM.
Chi tiết đấy khiến cho người hâm mộ về sau này đến sân xem V-League chẳng khác gì xem bóng đá ngoại. Trong khi để xem bóng đá ngoại, xem cầu thủ ngoại thi đấu, người ta thậm chí có thể chọn cách đơn giản hơn, tiện nghi hơn là mở TV xem những giải bóng đá hàng đầu châu Âu, nơi có những cầu thủ ngoại có chất lượng rất cao thi đấu, thay cho việc xem bóng đá... ngoại có chất lượng thấp ở giải trong nước.
Nhìn rộng ra, đội tuyển chỉ thu hút được khán giả khi đội tuyển mang tính đại diện cao. Riêng cầu thủ gốc ngoại, hoặc cầu thủ nhập tịch không phải là yếu tố mấu chốt có thu hút sự quan tâm của người xem trong nước đối với các đội bóng.
Kim Điền