1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Giải pháp cho các cầu thủ trẻ tại V-League

(Dân trí) - Như đã đề cập, hiện có khá ít cầu thủ trẻ được các đội đăng ký tại V-League, trong khi SEA Games năm 2021 trên sân nhà đã gần kề. Mặc dù vậy, không phải không có giải pháp cho chuyện này.

Đầu tiên, khó trách các CLB trong việc đăng ký cầu thủ dự V-League, mà ít số cầu thủ trẻ trong độ tuổi dự SEA Games gần nhất sắp tới (sinh từ năm 1999 trở về sau). Bởi, thành tích là yếu tố quan trọng nhất trong bóng đá chuyên nghiệp, và các đội bóng cần đăng ký lực lượng tốt nhất, theo quan điểm của từng đội, để cạnh tranh thành tích tại giải đấu.

Mặc dù vậy, như đã nói, vẫn có giải pháp cho các cầu thủ trẻ, vừa có thể giúp cho đội tuyển U22 Việt Nam có lực lượng tốt hơn dự SEA Games, vừa không ảnh hưởng đến thành tích của các CLB chuyên nghiệp. 

Giải pháp đó là giải đấu đội hình 2 của chính các CLB tham dự V-League. Đây là cách làm không mới ở các nền bóng đá phát triển. Mà trường hợp cụ thể chúng ta có thể thấy thông qua chuyện của Đoàn Văn Hậu ở Hà Lan.

Giải pháp cho các cầu thủ trẻ tại V-League - 1
Ở Hà Lan, Đoàn Văn Hậu chủ yếu chơi ở giải đội hình 2, cho đội trẻ Jong Heerenveen của CLB SC Heerenveen

Cầu thủ cũ của CLB Hà Nội sau khi sang Hà Lan khoác áo CLB SC Heerenveen hầu như không được thi đấu chuyên nghiệp ở giải vô địch Hà Lan, mà chủ yếu xuất hiện trong các trận đấu của đội trẻ Jong Heerenveen, thuộc CLB SC Heerenveen.

Giải đấu đội hình 2 là giải đấu dành cho các cầu thủ trẻ và các cầu thủ chủ yếu ngồi dự bị ở chính các đội bóng chuyên nghiệp. Mục đích là giúp cho các cầu thủ chuyên nghiệp sau khi chấn thương, có thể tìm lại cảm giác thi đấu, đồng thời giúp các cầu thủ trẻ có thêm cơ hội cọ xát, và trụ lại các đội bóng chuyên nghiệp.

Với cách làm này, bóng đá châu Âu dù có áp lực thành tích cực lớn, nhưng vẫn có thể duy trì được hệ thống đào tạo trẻ tốt, đồng thời chính CLB cũng có điều kiện theo dõi các cầu thủ trẻ của mình, trước khi “bốc” họ từ đội hình 2 lên đội chuyên nghiệp, khi cầu thủ trẻ đấy cho thấy sự trưởng thành.

Chi phí cho việc duy trì đội hình 2 của các CLB cũng không quá lớn, vì lương của các cầu thủ trẻ không đáng kể so với quỹ lương dành cho các ngôi sao trong đội chuyên nghiệp, cũng không phải mất tiền chuyển nhượng như đối với cầu thủ chuyên nghiệp.

Ngoài ra, thể thức thi đấu của giải đội hình 2 cũng không nhất thiết phải giống hệt như thể thức thi đấu của giải chuyên nghiệp, mà có thể tổ chức ngắn hơn, có thể chia theo khu vực để thi đấu nhằm tránh tốn kém trong việc di chuyển, rồi sau đó nhóm các đội dẫn đầu từng khu vực đá tiếp với nhau, để phân thứ hạng cao.

Dù cũng là giải đấu dành cho các cầu thủ trẻ, nhưng giải đội hình 2 khác với hệ thống các giải U ở chỗ, cầu thủ ở đây được tập luyện hàng ngày với các đàn anh ở đội chuyên nghiệp, thậm chí thi đấu chung với một số ít các cầu thủ nhiều kinh nghiệm hơn mình (vốn là các cầu thủ chưa có được vị trí chính thức ở đội chuyên nghiệp), nên tốc độ tiến bộ sẽ nhanh hơn. 

Vả lại, nếu tổ chức thêm giải đội hình 2 bên cạnh các giải đấu trẻ thuộc hệ thống thi đấu quốc gia, thì hàng năm bản thân các cầu thủ trẻ sẽ có thêm nhiều trận đấu để cọ xát, cũng là cách tốt cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam.

Vấn đề còn lại chỉ là VPF có dám đột phá trong cách làm và có đủ sức thuyết phục các CLB trong việc xây dựng thêm sân chơi cho bóng đá Việt Nam? – Khả năng thuyết phục của đơn vị điều hành giải cũng là thước đo năng lực điều hành, cũng như thước đo về uy tín và tâm thế của VPF dưới góc nhìn của các CLB.

Kim Điền