Giải đấu không đội xuống hạng: Mô hình của Mỹ và Australia

(Dân trí) - Việc một giải VĐQG không có đội xuống hạng luôn kéo theo sự kém hấp dẫn và hầu hết các nước trên thế giới đều không đi theo cách làm này. Tuy nhiên, Mỹ và Australia lại duy trì giải quốc nội bằng cách tăng số đội và không có đội lên xuống hạng.

Giải nhà nghề Mỹ MLS bắt đầu khởi tranh từ năm 1993 với 10 đội bóng tham gia, dưới sự điều hành trực tiếp của LĐBĐ Mỹ. Trong mùa giải đấu tiên đó, DC United lần đầu tiên lên ngôi vô địch quốc gia và sự ra đời của giải đấu này nằm trong chiến dịch chuẩn bị đăng cai World Cup 1994 của nước chủ nhà.

Trải qua 18 năm, giải MLS tăng số đội lên 19 (16 đội của Mỹ, 3 đội của Canada) và không năm nào có đội bóng phải xuống hạng. Các đội bóng đá vòng tròn 2 lượt lên đến 36 trận kéo dài trong một năm và người Mỹ không hề có ý định thay đổi quan điểm của mình.
 
Giải nhà nghề Mỹ MLS không duy trì phương thức có đội xuống hạng

Giải nhà nghề Mỹ MLS không duy trì phương thức có đội xuống hạng

Điều tương tự cũng xuất hiện để giải vô địch Australia A-League đặt dưới sự điều hành của LĐBĐ nước này. Ở mùa giải đấu tiên 2005-2006, 8 đội bóng tham gia và đại diện duy nhất của New Zealand là CLB Knights đứng đội sổ. Tuy nhiên, đội bóng này không phải xuống hạng và được thi đấu ở mùa giải tiếp theo.

Sau nhiều năm, A-League không thay đổi nguyên tắc của mình và số đội tham dự mùa giải năm ngoái đã tăng lên 10 đội (9 của Australia, 1 đội New Zealand). Tuy nhiên, ý tưởng đề xuất đội lên xuống hạng đã không được thông qua và A-League tiếp tục vận hành theo phương thức cũ.

Người Mỹ và Australia có cái lý của mình bởi bóng đá không phải là môn thể thao được ưa chuộng nhất ở đất nước họ. Giải vô địch quốc gia được duy trì chủ yếu là phục vụ xu thế bóng đá khắp thế giới và là cách thức để các CLB duy trì, tạo sân chơi đối với các cầu thủ cho đội tuyển quốc gia lựa chọn (bên cạnh những cầu thủ thi đấu ở nước ngoài).

Nhưng ngoài Mỹ và Australia, không một quốc gia nào trên thế giới đi theo xu thế này. Tất cả các giải VĐQG châu Âu đều duy trì số đội lên xuống hạng hàng năm để tăng tính cạnh tranh, không chỉ có các nền bóng đá lớn.

5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu như Premier League, La Liga, Serie A, Bundesliga, Ligue 1 mỗi năm đều có 3 đội bóng phải xuống hạng, trong khi các đội bóng muốn lên hạng cũng phải trải qua những thử thách rất lớn. Thậm chí ở các giải đấu này, cuộc đua tránh xuống hạng hấp dẫn không hề kém cuộc đua vô địch.

Trong các năm gần đây, các giải đấu lớn đều chứng kiến những CLB lừng danh phải xuống hạng như Sampdoria, Deportivo (2011) hay Villarreal, Blackburn (2012). Việc duy trì nguyên tắc này sẽ tăng tính hấp dẫn, căng thẳng của giải đấu thay vì sự nhàm chán khi chỉ có cuộc đua đến ngôi vô địch.

Năm ngoái, các ông chủ nước ngoài ở Premier League từng đề xuất quan điểm không có đội phải xuống hạng, nhưng vấp phải sự phản ứng của các CLB hạng Nhất cũng như FA. Các CĐV Anh khẳng định nếu không có cuộc ganh đua cho cuộc chiến thoát khỏi “tử thần”, họ sẽ không còn động lực để đến sân xem bóng đá.

Mỹ và Anh đi theo con đường riêng của mình, nhưng ai cũng hiểu đó không phải hai quốc gia coi bóng đá là môn thể thao số 1. Liệu bóng đá Việt Nam có nên lựa chọn cách thức đó cho V-League 2013, mà nguy cơ giải đấu sẽ trở nên nhàm chán, không thu hút khán giả hoàn toàn có thể xảy ra.

Kim Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm