Gặp lại hậu vệ "khét tiếng" Chu Văn Mùi
Chu Văn Mùi là một trong những cái tên "khét tiếng" của bóng đá Việt Nam thời kỳ hội nhập trở lại cùng khu vực ĐNA. 9 năm đã qua kể từ ngày anh giải nghệ, nhưng niềm đam mê, khát vọng với trái bóng vẫn còn nguyên vẹn...
Nhìn Chu Văn Mùi chơi bóng ở độ tuổi 38, người ta không thể không thán phục những phẩm chất của một cầu thủ lớn: đôi chân đầy cảm giác, cái đầu nhạy bén và ý thức chỉ huy như một HLV...
Rời bỏ vị trí hậu vệ quen thuộc để đá tiền đạo, anh không mất sức nhiều vào các pha tranh chấp, nhưng vẫn tạo được cơ hội thuận lợi cho các đồng đội và còn trực tiếp ghi bàn bằng khả năng xử lý lạnh lùng. Đó là hình ảnh mới nhất của Mùi "cống" tại giải bóng đá lực lượng CAND.
Nhìn anh bây giờ lại thấy nhớ một Chu Văn Mùi của quá khứ, nhiều tài năng và tai họa, lắm vinh quang và chông gai…
Bôn ba từ Bắc vào Nam...
Chu Văn Mùi
Sinh năm 1967 tại Hải Phòng
Cao 1m78, nặng 81kg
Vị trí sở trường: hậu vệ
Thành tích: hạng nhì QG 1992 (với CAHP), hạng nhì QG năm 1994, 1996 (với CATPHCM), vô địch QG 1995 (với CATPHCM).
Hiện đang là thiếu uý cảnh sát 113 TPHCM. |
Chu Văn Mùi trở thành cầu thủ của Điện Hải Phòng, được ăn lương công nhân từ năm 1987. "Thời đó mà được vào công nhân là sướng không để đâu cho hết à". Nhưng đến hết năm 1991, đội bóng Điện Hải Phòng giải tán. Đầu năm 1992, Công an Hải Phòng lấy anh về theo dạng hợp đồng.
Cống hiến cho CAHP được 1 mùa, đoạt hạng Nhì giải A1 thì Chu Văn Mùi lấy vợ. Vì hoàn cảnh khó khăn, anh phải rời đội và thẳng hướng vào Nam.
Lúc ấy, chỉ đạo viên của CATPHCM là ông Hoàng Trọng Thanh đang theo đuổi chính sách chiêu hiền đãi sĩ. Cùng với Thiện Quang, Sỹ Thành..., Mùi được nhận ngay vào đội, lại được cấp đất, cấp nhà. Cũng từ thời điểm đó (năm 1993), anh chính thức được vào biên chế công an.
Liên tiếp trong 3 năm, Chu Văn Mùi góp công lớn giúp CATPHCM đoạt 2 chức á quân (1994, 1996) và 1 lần vô địch quốc gia (1995). Đó cũng chính là thời kỳ hoàng kim của anh và của cả đội bóng.
Thật tiếc cho anh, cú rượt đánh trọng tài Nguyễn Tuấn Hùng trong trận chung kết mùa 96 (thua Đồng Tháp 3-1) đã khiến cầu thủ tài năng nhất Việt Nam hồi đó phải sớm chia tay sân cỏ, đúng lúc sự nghiệp đang độ chín. Anh bùi ngùi: "Không xảy ra việc này, có lẽ tôi còn đá tốt cho đến khi CATPHCM chuyển giao cho Ngân hàng Đông Á". Nhưng đột ngột, anh đổi giọng: “Nếu không có tai nạn đó thì tôi cũng rời CATPHCM!”
Nhận án oan suốt đời
Oái oăm thay, việc anh bị buộc phải nghỉ đá suốt đời, nguyên nhân cơ bản lại không phải là sự việc trên. Chính "người trong nhà" đã hại lẫn nhau. Một vị lãnh đội (thay Hoàng Trọng Thanh) thù anh đến mức đã trắng trợn tuyên bố: "Còn mày thì không còn tao, mà còn tao thì không còn mày".
Xuất phát từ một lần bắt gặp Mùi nói chuyện với Nguyễn Mạnh Cường (cầu thủ CLBQĐ ở cùng ĐTQG) trước một trận đấu ở giải VĐQG, ông này đổ riết cho anh là mưu toan bán độ. Vào trận, Mùi bị đẩy lên đá tiền đạo, rồi bị quy tội là... cố tình không ghi bàn.
Tiếp đến 2 trận đấu với Thừa Thiên Huế và An Giang đều kết thúc với tỷ số không có lợi, ông chỉ mặt Mùi bảo anh lôi kéo anh em chủ trương đá vào xà, vào cột... Mùi nóng mắt, bảo thẳng: "Ở đây toàn anh em trong ngành, đá vì nồi cơm của đội bóng, ông nói giọng đó thì... ra ga"!
Chính vì những lời nóng nảy đó mà Mùi bị “trù”. Sau vụ rượt đuổi trọng tài, anh bị quy tội cố tình đánh người và bị trục xuất khỏi ngành công an (may mà có người thông cảm, xin giữ anh lại và chỉ phải hạ một cấp, lại xuống thiếu úy). LĐBĐVN được thể "ấn" luôn cho anh cái án treo giò vĩnh viễn.
Đây là một trong những án kỷ luật oan trái nhất của bóng đá Việt Nam. Ông Trần Bảy, người trực tiếp ký vào quyết định đó mãi sau này còn than thở: nếu cho tôi một giờ ngồi lại ghế của mình, việc đầu tiên tôi làm là xóa án cho Chu Văn Mùi! ĐTQG không bao giờ có lại được một người đội trưởng tài năng và quả cảm như anh nữa!
Tôi đã "chiến đấu" với Weigang như thế nào?
| |
Ông Weigang đã từng rất "ngán" chàng đội trưởng ương ngạnh. |
"Tôi quậy dữ lắm, nhưng chỉ quậy những gì mà mình thấy là đúng, là bảo vệ lợi ích và danh dự chính đáng cho anh em đồng đội". HLV Karl Heinz Weigang - một tính cách Đức độc đoán, chuyên quyền - là người hay đụng độ với Chu Văn Mùi nhất, và cũng ngán anh nhất.
Thử hỏi đã có ai dám quát thẳng vào mặt HLV trưởng, khi ông ta xúc phạm nhân phẩm cầu thủ trong một bữa ăn? Thử hỏi đã có ai dám... chơi cùi chỏ HLV trưởng, khi ông ta sút thẳng trái bóng vào cầu thủ để làm mẫu? Thử hỏi đã có ai dám kéo cả đội bóng xuống cuốc bộ 5, 6 km về trại, khi HLV không cho một vài người lên xe bus chỉ vì chưa tắm sau khi tập? Thử hỏi đã có ai dám "đình công" chỉ vài phút trước một trận giao hữu, khi phát hiện ra thủ đoạn ăn chia thiếu minh bạch của BHL?...
Còn nhiều, nhiều lắm những lần Weigang phát điên lên với Mùi, nhưng đành bó tay. Chu Văn Mùi là thế, anh nóng như lửa, anh chẳng quỵ lụy ai, nhưng để được như vậy, anh phải cực kỳ gương mẫu trong tập luyện và trong sạch trong sinh hoạt.
"Lên tuyển là bị đuổi lên đuổi xuống, nhưng tôi chẳng ngại. Bị đuổi vì chuyên môn thì mới nhục, chứ vì... không được lòng HLV thì tôi kệ". Chính anh là người đầu tiên đấu tranh đòi chế độ cho anh em được gọi vào đội tuyển. Một kỷ niệm cười ra nước mắt: anh cùng một vài cầu thủ khác đã từng vén áo lên, thót bụng vào để phóng viên chụp ảnh với chú thích: cầu thủ ĐTQG đói quá!
Sau này, những "thế hệ vàng" Hồng Sơn, Huỳnh Đức... nhắc đến Chu Văn Mùi là nhắc đến một người anh sống đầy nhiệt và tâm.
Thiếu úy 113 và đội trưởng đội bóng "hạng gà"
Bây giờ, dân "ghiền" bóng đá TPHCM vẫn còn được thấy Chu Văn Mùi chơi bóng hàng tuần, nhưng chỉ là trên sân phong trào. Cùng với Bùi Hữu Lợi (cựu danh thủ CAHN), Mùi vừa làm cầu thủ, vừa kiêm HLV cho đội bóng tập hợp cựu sinh viên Đại học Ngoại thương Hà Nội.
Vẫn say mê bóng đá lắm, nhưng anh chỉ chơi được khi không dính ca trực. Công việc chính của anh là bảo vệ trị an cho nhân dân trong sắc phục 113 - vất vả và căng thẳng. Anh thường xuyên trực 24/24 tiếng, nghỉ 24 tiếng rồi lại làm 8 tiếng, cứ đều đặn như một chiếc đồng hồ.
Mấy năm vào công an chính quy, tóc anh rụng nhiều, những sợi còn lại cũng đã bạc, anh phải nhuộm thường xuyên. Nhưng tình yêu bóng đá của anh thì vẫn còn rất trẻ. Anh hồ hởi khoe với tôi vợ anh vừa gọi điện báo thằng nhóc đầu nhà anh - Chu Anh Dũng - 15 tuổi, vừa được khám sức khỏe để chuyển hồ sơ về cho đội bóng Quân khu 7 quản lý.
"Mới thuộc diện được quản lý thôi, lương 300 ngàn một tháng, nhưng thế cũng là tốt lắm rồi. Thằng này mà đá được thì tôi ủng hộ hết mình luôn. Tôi cũng phải nói mãi nó mới chơi bóng đấy, vì hồi tôi bị đuổi, nó buồn ghê lắm".
Tôi đọc được trong mắt anh niềm hy vọng vào đứa con trai, một ngày kia sẽ làm được những điều mà người cha chưa đủ may mắn để hoàn thành...
Theo Anh Đức
Vietnamnet