Real Madrid tiên tốn 140 triệu euro cho một danh hiệu

Florentina Perez đang thành công hay thất bại trong lần trở lại “nhà trắng”?

(Dân trí) - Kể từ khi Perez trở lại chiếc ghế chủ tịch Real Madrid vào năm 2009, Real Madrid trải qua quãng thời gian chi tiêu mạnh tay nhất trên thị trường chuyển nhượng song những thành công với thước đo danh hiệu lại rất hãn hữu.

Kể từ khi trở lại chiếc ghế chủ tịch Real Madrid vào năm 2009 cho đến nay, Florentino Perez đã đầu tư 608.8 triệu euro để đem về sân Santiago Bernabeu 28 cầu thủ cùng 3 danh hiệu là La Liga, siêu cúp Tây Ban Nha và Copa del Rey. Cũng trong khoảng thời gian đó Real Madrid thu về 190.5 triệu euro từ việc thanh lý cầu thủ. Như vậy cân bằng thu chi trên thị trường chuyển nhượng của Real Madrid dưới triều đại thứ 2 của Perez là -418.3 triệu euro.

Florentina Perez đang thành công hay thất bại trong lần trở lại “nhà trắng”?
Perez mới chỉ đem lại sự thống trị trên thị trường chuyển nhượng trong lần thứ 2 làm “ông chủ nhà trắng”

Nếu chia số tiền này cho 3 danh hiệu đã giành được thì Real Madrid bình quân tiêu tốn 139.4 triệu euro trên “chợ người” cho mỗi danh hiệu. Trong cùng khoảng thời gian đó, Barcelona, đại kình địch của Real Madrid chỉ tiêu tốn bình quân 14.53 triệu euro trên “chợ người” cho một danh hiệu. Dễ thấy, chênh lệch trong hiệu quả đầu tư trên thị trường chuyển nhượng giữa Real Madrid và Barcelona lên tới 124.87 triệu euro, một con số đáng để suy ngẫm...

Không chỉ thua xa Barcelona, chênh lệch hiệu quả giữa triều đại Perez hiện tại và triều đại Perez thứ nhất với Vicente Del Bosque trên băng ghế chỉ đạo cũng rất lớn. Dưới thời Del Bosque, Real Madrid chinh phục thành công 6 danh hiệu (2 Champions League, 1 siêu cúp Tây Ban Nha, 1 siêu cúp châu Âu, 1 cúp liên lục địa và 1 La Liga). Theo số liệu, thời kỳ này Real Madrid chỉ tiêu tốn bình quân 31.05 triệu euro trên thị trường chuyển nhượng để có được một danh hiệu.

Thời điểm Del Bosque rời khỏi Bernabeu vì một lý do rất không đâu vào đâu của Perez (trông Del Bosque quá…nhà quê) đánh dấu cột mốc vị thế kẻ thống trị không chỉ tại Tây Ban Nha mà trên bình diện châu Âu của Real Madrid dần rơi vào tay Barcelona. Cụ thể từ năm 2003 tới nay, Barcelona đã giành được 17 danh hiệu lớn nhỏ mà trong đó có tới 3 chức vô địch Champions League. Từ năm 2003-2006 (thời điểm Perez từ chức) và từ năm 2009 đến nay, Bernabeu trải qua 8 triều đại huấn luyện viên và chỉ có 4 danh hiệu.

Ấn tượng lớn nhất mà Florentino Perez tạo ra trên chiếc ghế chủ tịch Real Madrid dĩ nhiên là những thương vụ bom tấn với 5 lần phá kỷ lục chuyển nhượng thế giới với Bale (101 triệu euro, theo số liệu của Football Transfer Review 2014), Cristiano (96), Zidane (75) Kaká (67) và Luis Figo (60). Tổng số tiền Perez đầu tư trong cả hai giai đoạn làm chủ tịch Real Madrid vượt mốc 1 tỷ euro (1.0443 tỉ euro), thực hiện tổng cộng 50 vụ chuyển nhượng, chinh phục 10 danh hiệu.

Thống kê danh hiệu và chi tiêu của Real Madrid và Barcelona
Thống kê danh hiệu và chi tiêu của Real Madrid và Barcelona

Barcelona chỉ đầu tư trên thị trường chuyển nhượng bằng một nửa Real Madrid (653.3 triệu euro) nhưng lại có được số danh hiệu gần gấp đôi (17 danh hiệu) trong cùng thời gian đó. Gian đoạn từ 2006-2009 với Ramon Calderon giữ chức chủ tịch đội bóng, Real Madrid giành được 3 danh hiệu (1 siêu cúp Tây Ban Nha và 2 La Liga) còn Barcelona có được 4 danh hiệu (La Liga, Champions League, siêu cúp châu Âu và siêu cúp Tây Ban Nha). Nếu tính ra số tiền tiêu tốn bình quân 14.53 triệu euro trên “chợ người”, thậm chí khoảng thời gian này Real Madrid còn “tiết kiệm” hơn Barcelona (21.25 triệu euro so với 25.5 triệu euro).

Không thể phủ nhận sự trở lại của Perez vào năm 2009 đã giúp Real Madrid lấy lại vị thế kẻ thống trị trên thị trường chuyển nhượng. Những thương vụ bom tấn đã qua giúp Real Madrid xây dựng được lực lượng rất hùng hậu và đầy tham vọng, song 3 năm với chừng đó danh hiệu đồng thời vẫn chưa hiện thực giấc mơ vô địch châu Âu lần thức 10 (La Decima) thì nói thẳng ra Perez đã quá thất bại. Lý do thì rất đơn giản, trong từ điển của madridistas không hề có từ từ “nhẫn nại”, “chờ đợi” hay “chờ thời”.

Ngọc Trung