Dùng cần sa ở SEA Games 31, Schooling trả giá bằng cả sự nghiệp
(Dân trí) - Theo nguồn tin từ tờ The Straits Times (Singapore), hai kình ngư Joseph Schooling và Amanda Lim có thể đối diện với án phạt nặng vì dùng cần sa ở SEA Games 31.
Làng thể thao Singapore và Đông Nam Á rúng động sau khi kình ngư Joseph Schooling thú nhận sử dụng cần sa trong thời gian diễn ra SEA Games 31. Dù cho Schooling đã lên tiếng xin lỗi nhưng anh vẫn phải đối diện với án phạt rất nặng.
Cơ quan thể thao Singapore tiết lộ Cục phòng chống ma túy của nước này (CNB) đang điều tra hai vận động viên Joseph Schooling và Amanda Lim vì hành vi sử dụng cần sa (chất cấm ở Singapore). Cả hai vận động viên đã bị đưa ra cảnh cáo nghiêm khắc theo Đạo luật lạm dụng ma túy.
Theo điều luật Chống ma túy ở Singapore, Schooling có thể bị phạt tù và phạt tiền. Mức phạt tù từ 1-10 năm, phạt tiền không quá 20.000 USD. Hình phạt nặng nhất với trường hợp tàng trữ 500 gram cần sa ở Singapore là tử hình hoặc phạt tù 10 năm.
Tuy nhiên, trường hợp của Schooling chưa bị "bắt tại trận" dương tính với ma túy và cũng không bị phát hiện sử dụng chất cấm. Do đó, anh có thể không phải đối diện với án phạt nặng nhất.
Mặc dù vậy, quân đội Singapore luôn áp dụng chính sách nghiêm khắc, không khoan nhượng với hành vi sử dụng ma túy. Bộ Quốc phòng của Singapore đang giám sát Schooling khi anh thực hiện nghĩa vụ quân sự và trải qua các xét nghiệm như một phần trong quá trình phục hồi chức năng.
Điều đáng nói, Schooling buộc phải dừng tập luyện và thi đấu khi không được đặc cách cho nghỉ hoặc gián đoạn thời gian phục vụ nghĩa vụ quân sự. Thậm chí, vận động viên này có nguy cơ bị giam tới 9 tháng trong Trại giam giữ SAF (Lực lượng vũ trang Singapore). Do đó, kình ngư nổi tiếng này chắc chắn vắng mặt ở ASIAD 2023 và SEA Games 2023.
Trong khi đó, Hiệp hội Bơi lội Singapore (SSA) và Hội đồng Olympic Singapore cũng xem xét để đưa ra án phạt với hai vận động viên. Có khả năng cao họ sẽ nhận án phạt cực nặng như cấm thi đấu hoặc tước các danh hiệu.
Ngoài ra, Schooling cũng đối diện với thiệt hại kinh tế hàng triệu USD khi vận động viên này có nguy cơ bị cắt nhiều hợp đồng quảng cáo ở Singapore.
Những nhân vật nổi tiếng của bơi lội Singapore sốc khi Schooling dùng cần sa ở SEA Games 31. Lee Kok Choy, cựu Chủ tịch Hiệp hội Bơi lội Singapore (SSA) chia sẻ trên Straitstimes: "Phải nói rằng tôi khá sốc khi nghe tin này. Trong 8 năm qua, tôi không phải đối mặt với bất cứ điều gì như thế này.
Nhưng cộng đồng phải biết rằng Hiệp hội không dung thứ cho việc sử dụng bất kỳ loại ma túy nào. Các cuộc điều tra sẽ được thực hiện để tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra".
Hariss Harun, đội trưởng tuyển bóng đá quốc gia Singapore phát biểu: "Tin tức đến thật bất ngờ, nhưng nó xảy ra rồi. Joseph đã phạm sai lầm, anh ấy thú nhận tội lỗi và đầy hối hận. Điều quan trọng bây giờ là anh ấy nhận được tất cả sự giúp đỡ cần thiết để giữ gìn trong sạch và trở lại là một Schooling mà chúng ta biết".
Soh Rui Yong, vận động viên marathon người Singapore lại tỏ ra đồng cảm với Schooling: "Joseph trải qua một thời gian khó khăn khi suy giảm thể lực và mất phong độ. Bên cạnh đó, cậu ấy cũng mất bố và sự nghiệp bị ảnh hưởng. Dù vậy, Joseph đáng lẽ không nên hút cần sa, nhưng có vẻ như cậu ấy làm vậy để vượt qua được áp lực".
Tại SEA Games 31 ở Việt Nam, Schooling đã mang về 3 HCV, 1 HCĐ cho Singapore. Schooling vẫn không có đối thủ ở nội dung 100m bơi bướm khi dễ dàng giành tấm HCV thứ 5 liên tiếp ở SEA Games. Đây là nội dung sở trường mà Schooling đã thắng Michael Phelps tại Olympic 2016.
Tuy nhiên ở nội dung đồng đội, Schooling mắc 2 sai lầm khiến đội bơi Singapore đánh rơi HCV. Ngày 14/5, anh mắc lỗi xuất phát sớm, khiến đội bơi Singapore mất HCV nội dung 4x100m tiếp sức tự do nam vào tay tuyển Việt Nam dù họ về đích đầu tiên.
Ngày 17/5, ở nội dung 4x200m tiếp sức tự do nam, Schooling tiếp tục gây thất vọng. "Kình ngư" sinh năm 1995 xuất phát ở vị trí thứ 3 và được kỳ vọng giúp đội Singapore rút ngắn khoảng cách với Việt Nam. Nhưng Schooling lại đuối thể lực so với Hoàng Quý Phước, khiến Singapore mất HCV vào tay đội bơi Việt Nam.